
Đà tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự leo thang nhanh chóng của các bất ổn địa chính trị và rủi ro kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Với khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA), chính quyền ông Trump đã áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ thương mại cứng rắn, trong đó nổi bật là việc gia tăng mạnh mẽ các mức thuế nhập khẩu lên hàng hóa từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Canada, Mexico và EU. Đặc biệt, ngày “Liberation Day” đã ghi nhận mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc tăng lên đến 145%, trong khi Bắc Kinh cũng đáp trả Mỹ với mức thuế 125%.
Các mức thuế cao ngất này đã đẩy căng thẳng thương mại lên đỉnh điểm, làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và thậm chí là rủi ro giảm phát. Tuy nhiên, sau cuộc đàm phán cấp cao cuối tuần qua, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm hoãn áp dụng một phần các mức thuế đối ứng trong 90 ngày, đồng thời cam kết cắt giảm đáng kể tổng mức thuế nhập khẩu giữa hai nước. Dù diễn biến này mang lại tín hiệu tích cực ban đầu và giúp xoa dịu tâm lý thị trường phần nào, nhưng các chuyên gia vẫn đánh giá các rủi ro địa chính trị và nền tảng bất ổn của kinh tế toàn cầu khó có thể sớm được hóa giải triệt để.
Song song với đó, các dữ liệu kinh tế Mỹ cũng phát đi những tín hiệu tiêu cực. Dù thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì ổn định với tỷ lệ thất nghiệp quanh 4-4,2%, nhưng niềm tin tiêu dùng lại giảm mạnh.
Theo khảo sát của Đại học Michigan, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4 đã giảm xuống mức thấp thứ hai trong lịch sử, cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng lo ngại về triển vọng kinh tế và tác động của các mức thuế cao lên chi tiêu gia đình. Đáng lưu ý, kỳ vọng lạm phát một năm tới tăng vọt lên 6,7%, mức cao nhất trong hơn 40 năm, trong khi kỳ vọng lạm phát dài hạn (5-10 năm) cũng lên tới 4,4%, mức cao nhất trong hơn 30 năm. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đình lạm kéo dài.
![]() |
Bên cạnh những yếu tố tâm lý, dòng tiền thực tế vào thị trường vàng cũng cho thấy lực mua mạnh mẽ từ nhiều phía. Các ngân hàng trung ương (NHTW) tiếp tục đóng vai trò là lực cầu lớn đối với vàng vật chất, đặc biệt kể từ giữa năm 2022. Hội đồng vàng thế giới ghi nhận các NHTW Ba Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan... đã tăng tốc mua vào vàng nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong bối cảnh địa chính trị thế giới nhiều bất ổn. Trung Quốc đã giảm mạnh tỷ trọng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, từ gần 1.300 tỷ USD năm 2015 xuống chỉ còn khoảng 760 tỷ USD vào đầu năm 2025, đồng thời tiếp tục bán ròng các khoản MBS (chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp) của Mỹ, với mức giảm 8% so với năm 2024. Một phần lượng vốn thoái này được Trung Quốc chuyển hướng sang vàng và các đồng tiền khác.
Đáng chú ý, Ba Lan đang nổi lên là quốc gia có mức mua vàng tích cực nhất trong 4 tháng đầu năm nay với tổng cộng 49 tấn vàng, nối tiếp mức tích lũy 89 tấn của năm 2024, nhằm đối phó với các rủi ro địa chính trị tại khu vực Trung Âu và chống lại áp lực lạm phát nội địa đang duy trì trên 4%.
Ở khía cạnh đầu tư, dòng tiền chảy vào các quỹ ETF vàng đã trở lại mạnh mẽ. Riêng quý I/2025, lượng tiền vào ETF vàng đã đạt gần 50% tổng dòng tiền của cả năm 2024, đảo ngược hoàn toàn xu hướng bị rút ròng trong cùng kỳ năm trước. Ban đầu, dòng vốn này chủ yếu đến từ khu vực Bắc Mỹ do các nhà đầu tư phản ứng với chính sách áp thuế mạnh tay của Mỹ lên các đồng minh như Canada, EU, Mexico. Tuy nhiên, trong các tháng gần đây, dòng tiền từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đang nổi lên rất mạnh mẽ. Tháng 4/2025, sau sự kiện Mỹ áp thuế đối ứng ở mức cao chưa từng có, dòng tiền vào ETF vàng đạt mức cao nhất lịch sử theo tháng.
Ngoài các nhà đầu tư tổ chức, lực cầu từ các nhà đầu tư cá nhân tại các quốc gia châu Á cũng duy trì tích cực nhờ thói quen tích trữ vàng truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh các rủi ro về kinh tế và địa chính trị ngày càng gia tăng. Điều này tiếp tục củng cố sức mạnh cho đà tăng của giá vàng trong trung hạn.
Tuy nhiên, triển vọng thị trường vàng trong thời gian tới cũng ghi nhận những yếu tố có thể tạo áp lực điều chỉnh. Mới đây, Vương quốc Anh đã đạt được thỏa thuận đầu tiên với Mỹ nhằm giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng ô tô và kim loại. Dù đây mới chỉ là bước đi khiêm tốn và chưa đủ để làm thay đổi cục diện căng thẳng thương mại toàn cầu, nhưng đã phát đi tín hiệu ban đầu tích cực. Nếu các thỏa thuận tiếp theo, đặc biệt với Trung Quốc, đạt được tiến triển, điều này có thể khiến tâm lý bi quan trên thị trường hạ nhiệt, kéo theo nhu cầu vàng giảm bớt trong ngắn hạn khi nhà đầu tư quay trở lại các tài sản có độ rủi ro cao hơn nhằm tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tiến trình đàm phán thương mại sẽ còn nhiều thách thức và cần nhiều thời gian để đi đến kết quả cuối cùng. Trong khi đó, các mức thuế cao vẫn tiếp tục được duy trì và đã bắt đầu tác động tiêu cực lên giá bán lẻ, có thể kéo lạm phát tăng nhanh trong quý II và dự báo tiếp tục trong quý III năm nay.
Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ không còn đàm phán riêng lẻ với từng quốc gia về thuế quan. Thay vào đó, Mỹ sẽ gửi thư thông báo cho khoảng 150 nước về mức thuế nhập khẩu mới trong vài tuần tới. Điều này khiến niềm tin tiêu dùng có nguy cơ suy yếu thêm, kéo theo sức ép giảm doanh thu doanh nghiệp và gia tăng nguy cơ sa thải lao động. Trong bối cảnh kéo dài, rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào trạng thái đình lạm trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.
Với các diễn biến hiện tại, thị trường vàng được dự báo sẽ trải qua giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật trong ngắn hạn nếu các cuộc đàm phán thương mại ghi nhận thêm các bước tiến mới. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố từ giữa quý II/2025 có thể tiếp tục phơi bày những hệ lụy tiêu cực từ các chính sách thuế cao, đặc biệt là suy giảm nhu cầu tiêu dùng và dự báo tăng trưởng kinh tế quý III. Điều này sẽ là cơ sở để giá vàng tiếp tục được hỗ trợ tăng trở lại.
Theo các kịch bản cơ bản, giá vàng nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng 3.200-3.500 USD/ounce, nhưng nếu các cuộc đàm phán, nhất là với Trung Quốc, tiếp tục bế tắc và rủi ro giảm phát tại Mỹ gia tăng mạnh, giá vàng hoàn toàn có thể tiến tới vùng 3.700-3.900 USD/ounce trong năm nay.