Fed ngừng tăng lãi suất
Ngày 20/3, Fed chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ đã kéo dài 3 năm qua, bằng cách tuyên bố không nâng lãi suất trong năm 2019, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu của sự giảm tốc kinh tế Mỹ. Ngoài ra, Fed cũng tuyên bố sẽ dừng việc bán ra tài sản vào tháng 9/2019.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết, sẽ giữ lãi suất ổn định trong một khoảng thời gian vì kinh tế tăng trưởng chậm và áp lực lạm phát giảm. Với việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự đoán lãi suất liên bang sẽ ổn định trong khoảng 2,25 - 2,5%, ít nhất là trong suốt năm 2019.
Lãi suất được cho là sẽ đạt đỉnh 2,6% vào một thời điểm nào đó trong năm 2020. Việc Fed kết thúc thời kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2019 diễn ra sớm hơn so với dự kiến ban đầu mà cơ quan này đưa ra vào cuối năm 2015.
Còn nhớ, cuối năm 2018, Fed từng đưa ra lộ trình tăng lãi suất 2 lần trong năm 2019. Về quy mô bảng cân đối ngân sách, Fed sẽ tiếp tục giảm 50 tỷ USD tài sản nắm giữ mỗi tháng và sẽ ngừng lại vào tháng 9. Các nhà đầu tư có thể hy vọng sẽ thấy được sự gia tăng nhu cầu về vàng.
Trong tuần qua, sau khi mở cửa ở mức 1.301 USD/ounce, giá vàng tại thị trường Hồng Kông đã giảm nhẹ xuống 1.298 USD/ounce, nhưng sau đó lại tăng lên 1.300 USD/ounce.
Triển vọng của vàng
Theo các chuyên gia, giá vàng và USD luôn có chuyển biến trái chiều nhau. Vì thế, một khi USD yếu, vàng sẽ có cơ hội tăng.
Thực tế cho thấy, giá vàng tiếp tục chiều hướng tăng trong tuần qua và dự báo cả thời gian tới, do các nhà đầu tư đón đầu cơ hội trước cuộc họp của Fed khi cho rằng, cơ quan này chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,5%. Tất nhiên, con đường dẫn đến giá vàng cao hơn không phải là một điều dễ dàng, nhưng sự lạc quan đang tăng lên.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam, về trung và dài hạn, giá vàng sẽ tăng mạnh, do USD có xu hướng giảm. Ngoài việc chịu tác động bởi Fed cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ, thì việc một số quốc gia đang giảm bớt thanh toán bằng USD cũng sẽ tác động tiêu cực đến đồng tiền này trong thời gian tới.
Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng, tài chính quốc tế (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication - SWIFT) cho biết, hiện USD chỉ còn chiếm khoảng 39,9% tổng thanh toán toàn cầu. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang tìm cách chuyển sang giao dịch bằng đồng tiền khác để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán quốc tế.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh tăng dự trữ vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối, nhất là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Nga, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ… Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), hiện có khoảng 1/5 ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tăng dự trữ vàng quốc gia trong năm nay; đồng thời có khoảng 2/3 ngân hàng trung ương đánh giá vàng là tài sản an toàn. Ngoài ra, có khoảng 59% ngân hàng trung ương cho rằng, vàng sẽ là tài sản an toàn nhất để đa dạng hóa danh mục dự trữ, đầu tư.
Đối với thị trường vàng trong nước ngày 22/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty cổ phần Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ ở mức giá 36,55 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,73 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá bán ra giảm mạnh 120.000 đồng/lượng so với cuối ngày chiều hôm trước. Còn tại khu vực Hà Nội, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 36,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,7 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá bán ra cũng giảm thêm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước.
Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước không đáng kể, chỉ ở mức 10.000 đồng/lượng.