Vàng rơi nhanh, tiền “canh“ mua chứng khoán

Vàng rơi nhanh, tiền “canh“ mua chứng khoán

(ĐTCK) Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng phân tích, CTCK KimEng Maybank cho rằng, nhiều yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ cho đà tăng điểm của TTCK từ nay đến cuối năm, đặc biệt khi kênh đầu tư vàng đang mất dần vị thế.

Theo nhận định của ông Khánh: “Dòng tiền sẽ vẫn ở lại thị trường, thậm chí còn được bơm thêm từ các kênh đầu tư khác, khi các kênh này không sinh lời bằng”.

Theo ông, việc chỉ số CPI tháng 11 tăng khá thấp so với dự báo, ở mức 0,34%, có tác động nhiều đến diễn biến của TTCK?

Theo tôi, hiện thông tin về CPI không còn được NĐT quan tâm nhiều như trước, do hầu hết NĐT có thể phán đoán trước được mức tăng của chỉ số này. Nghĩa là thông tin CPI không còn gây bất ngờ với thị trường ở thời điểm công bố và hầu hết được phản ánh vào giá trước đó.

Thông tin CPI thấp thường được xem là tích cực, nhưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn và cận Tết như hiện nay, việc giá cả hàng hóa, chỉ số CPI tăng thấp cũng cho thấy sức mua yếu, hàng hóa tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều, DN không sản xuất, cung cấp được nhiều hàng hóa mới…, gây nhiều lo ngại về việc kinh tế giảm phát hay tăng trưởng thấp.

Mặc dù vậy, việc chỉ số CPI tăng thấp cũng cho thấy, hàng hóa không tăng cao trong khi nhiều năm qua chỉ số này gần như là “phi” rất mạnh nên cũng mang một phần ý nghĩa tích cực. Với những phân tích ở trên, tôi cho rằng, thông tin CPI tháng 11 mang tính trung tính với thị trường.

 

CPI tháng 12 được dự báo sẽ tăng mạnh hơn, do nhu cầu tiêu dùng vào cuối năm thường tăng đột biến. Cụ thể, theo ông, cổ phiếu những nhóm ngành nào thường chịu tác động khi CPI tăng?

CPI trong tháng 12 sẽ tăng mạnh hơn so với một vài tháng trước, nhưng sẽ khó tăng mạnh như cùng kỳ các năm trước. Túi tiền của người dân vơi dần thì cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng khó khăn, nên khả năng CPI tăng đột biến là rất khó.

Thông thường, nhóm ngành thực phẩm, năng lượng sẽ có tác động mạnh nhất đến chỉ số CPI do sự biến động giá thường xuyên và nhóm này cũng rất “nhạy” với những yếu tố bất ngờ như thiên tai, thời tiết, bất ổn kinh tế, chính trị thế giới… Những nhóm còn lại trong rổ tính CPI mức độ tác động sẽ không nhiều.

 

Vậy theo ông, những yếu tố nào sẽ tác động đến thị trường từ nay đến cuối năm?

Các yếu tố được NĐT quan tâm nhất hiện nay là nợ xấu và hiệu quả của VAMC trong vai trò giải quyết nợ xấu cũng như sức khỏe của hệ thống ngân hàng, khi nợ xấu trên tổng dư nợ đã giảm, nhưng nợ thuộc nhóm nguy cơ mất vốn lại đang tăng nhanh; kết quả kinh doanh của các ngân hàng vì ngành này vốn được xem là trụ cột trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần phải xem lại các chính sách của Nhà nước có hiệu quả đến đâu (đối với các chính sách cũ như gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng có thật sự hiệu quả khi việc giải ngân rất chậm và rất khó để tiếp cận vay vốn) và có thêm các chính sách kích cầu kinh tế mới hay không?

Một yếu tố quan trọng khác là dòng tiền từ các tổ chức đầu tư như quỹ đóng, quỹ mở, việc cơ cấu của các quỹ ETFs, dòng vốn ngoại, dòng vốn nội đang mạnh mẽ trên thị trường có thể tiếp tục duy trì hết năm hay không cũng rất được các NĐT quan tâm chú ý. Ngoài ra,  nhiều NĐT cũng chờ đợi quyết định nới room cho khối ngoại sẽ sớm được Thủ tướng Chính phủ ban hành. 

 

Trong khi NĐT trong nước cho rằng, kỳ vọng nới room đang hỗ trợ thị trường tăng điểm thì khối ngoại lại liên tục bán ròng. Ông nghĩ sao về động thái này? Ông dự báo ra sao về dòng tiền bơm vào thị trường từ nay đến cuối năm?

Thật ra, khối ngoại đã liên tục mua ròng từ đầu năm và thông tin nới room cũng đã có từ năm ngoái, nên thông tin này đã phản ánh vào giá rất lâu rồi. Việc giữ cổ phiếu lâu cũng sẽ phát sinh lợi nhuận khi thị trường tăng cả năm qua, nên việc gần cuối năm và sang đầu năm tới mới chốt lời và cơ cấu lại danh mục đầu tư để chuẩn bị cho giai đoạn mới cũng là điều dễ hiểu. Theo tôi, NĐT nước ngoài bán ròng trong ngắn hạn, nhưng sẽ sớm quay trở lại mua ròng vào cuối năm, hoặc chậm nhất là vào đầu năm sau.

Về dòng tiền, tôi nghĩ từ nay đến cuối năm sẽ không có thay đổi nhiều, nghĩa là vẫn sẽ tiếp tục duy trì tốt như cả năm 2013, thậm chí, có thể thu hút thêm những dòng tiền mới khi những kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, ngoại tệ đều yếu, còn lãi suất thì đứng ở mức thấp.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam là một trong những TTCK tăng điểm mạnh nhất thế giới, là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất trong các kênh đầu tư và dù đã tăng khá, nhưng so các chỉ số cơ bản của thị trường như P/E so với mặt bằng chung khu vực vẫn còn thấp và mức độ phục hồi kinh tế thì giá chứng khoán Việt Nam vẫn còn rẻ.

Điều này có thể giúp cho dòng tiền vẫn sẽ ở lại với thị trường, thậm chí còn được “bơm” thêm từ các kênh đầu tư khác, khi các kênh này đều không sinh lợi bằng, thậm chí còn gây thua lỗ cho nhà đầu tư như kênh đầu tư vàng những tháng vừa qua.

>>Vàng rơi thẳng đứng

>>Sau 30/6, khoảng cách giá vàng sẽ hợp lý hơn

>>Vàng tăng vọt, USD tự do rơi... tự do