Giá vàng trong nước đang biến động không đồng nhịp với thị trường thế giới. Khi mà giới đầu tư quốc tế đổ xô mua vào kim loại quý, đẩy giá tăng hơn 1,5% trong những ngày qua thì vàng trong nước chỉ tăng vài chục nghìn đồng/lượng, mãi lực yếu.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Kinh doanh vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, lượng vàng miếng bán ra của PNJ trong những ngày gần đây đã giảm một nửa so với đầu và giữa tháng 6, chỉ còn khoảng 200 - 250 lượng/ngày. Doanh số mua vào cũng gần ngang với lượng bán ra.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng cho hay, số lượng vàng bán ra tại Công ty hiện chưa bằng một nửa so với thời điểm tháng 4-5/2014 và sụt giảm mạnh so với tuần trước. Nếu như trong tuần trước, khối lượng vàng bán ra trung bình mỗi ngày của SJC đạt 2.000 lượng, thì sang tuần này chỉ còn 1.500 lượng/ngày, có ngày thấp hơn mức này.
Sở dĩ mãi lực giảm mạnh, theo lý giải của giới kinh doanh vàng, là do giá vàng thế giới đang trong chiều hướng tăng, nhưng dự báo khó có “sóng” lớn trong ngắn và dài hạn. Giá vàng đi lên sau khi Mỹ và Liên minh Châu Âu ban bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga xung quanh những căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tin tức về chiếc máy bay xấu số MH17 cùng toàn bộ hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng tại miền Đông Ukraine thuộc biên giới giữa Nga và Ukraine đã châm ngòi cho một cuộc bứt phá mới của giá kim loại quý. Nhưng giá vàng sau đó đã nhanh chóng quay đầu, tụt mốc 1.300 USD/ounce trong ngày 24/7. Các dự đoán đưa ra vàng chỉ xoay quanh 1.300 USD/ounce năm nay.
Chính điều này đã khiến người tiêu dùng không còn quá nhạy cảm trước diễn biến của thị trường vàng. Thực tế, thời gian qua, vàng trượt giá không nhiều, người mua vàng thậm chí còn thua lỗ. Đồng thời, với quy định cấm ngân hàng huy động và cho vay bằng vàng, nhiều người dân mất động lực mua vàng tiết kiệm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, đối với người dân, gửi tiết kiệm vẫn là giải pháp được lựa chọn nhiều trong bối cảnh thị trường hiện nay. Hiện thị trường bất động sản chưa thể khởi sắc, còn với thị trường vàng đang trong vùng nguy hiểm. Vàng đang tăng giá, nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước còn khá lớn, lên đến 3-4 triệu đồng/lượng. Mặt khác, theo ông Hiển, theo quy luật, sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế, lạm phát được kiểm soát và kinh tế hồi phục, nhu cầu tìm hầm trú ẩn là vàng sẽ không còn là lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư và giới đầu cơ. Do đó, khả năng vàng sẽ còn điều chỉnh trong thời gian tới đây và mặt hàng này khó có thể “bật” mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) Trần Thanh Hải cho rằng, giới đầu cơ vàng trên thế giới thường lợi dụng các bất ổn chính trị để “đánh” vàng lên hoặc đẩy giá xuống, một khi giá vàng giảm xuống một mức nào đó sẽ được đánh lên.
Tuy nhiên, theo ông Hải, nhà đầu tư cần phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Bởi diễn biến của thị trường vàng luôn có biến động nên rất khó xác định đâu là đáy và đâu là đỉnh của giá vàng. Chẳng hạn như khi giá vàng đạt mốc 1.300 USD/ounce, nhiều người cho rằng, giá đã tăng cao, bán ra và không quyết định mua vào ở thời điểm giá cao này. Nhưng nếu khi giá vàng tiếp tục tăng lên sẽ làm cho những người bán ra thiệt hại. Với thị trường vàng, ngoài tác động của các yếu tố kỹ thuật, giá còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện địa – chính trị xảy ra trên thế giới và mang yếu tố bất ngờ, nên phải biết chốt lời và cắt lỗ.
Chuyên gia lĩnh vực vàng Huỳnh Trung Khánh cho rằng, lâu nay một bộ phận người dân có xu hướng mua vàng để tích trữ, nhưng rất ít người có can đảm mua vàng trong lúc này vì cho rằng khó tăng cao. Mặt khác, mãi lực vàng chậm lại còn do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Song theo ông Khánh, tiềm năng tăng giá của vàng còn lớn. Vì vậy, nếu người mua đặt nặng vấn đề vàng đã lên cao nên khó tăng tiếp thì rất có thể bỏ qua cơ hội sinh lời tốt.