Nhu cầu nắm giữ vàng của người dân giảm dần. Ảnh: Dũng Minh

Nhu cầu nắm giữ vàng của người dân giảm dần. Ảnh: Dũng Minh

Vàng không còn lấp lánh

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Từ đầu năm đến nay, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường duy trì ở mức thấp và giảm 75% so với năm 2013. Tính riêng từ đầu tháng 11, mức doanh số giảm 80% so với năm 2013 và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019…

Chuyện gì đang xảy ra với vàng?

Lãnh đạo cao cấp một công ty kinh doanh vàng chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán: “Thời gian vừa qua, người dân bán mạnh vàng miếng”. Những tưởng nghe nhầm, người viết bài hỏi lại cho chắc: “Dân bán vàng miếng hay bán vàng trang sức mạnh?”. Vị này tái khẳng định: “Người dân bán vàng miếng mạnh”.

Tìm kiếm thông tin trên mạng về vấn đề này thì chỉ trong 0,40 giây đã đưa ra khoảng 4.080.000 kết quả. Trong đó, các tít bài báo chủ đạo là “Người dân thờ ơ với vàng”, “Giá vàng giảm mạnh, người dân vẫn không dám mua”, “Người dân bán vàng nhiều hơn mua”, “Người dân chen nhau bán vàng”, “Người dân ùn ùn bán vàng miếng”, “Người dân TP.HCM đã bán hàng trăm ngàn lượng vàng”, “Người dân ùn ùn bán vàng: Nhiều cửa hàng hết tiền mặt vì giao dịch nhiều”…

Kết quả này thực tế không phải là điều quá bất ngờ bởi trong buổi tọa đàm “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do báo Đầu tư tổ chức mới đây, trong số 9 diễn giả gửi bài tham luận tại tọa đàm, chỉ duy nhất có TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, đề cập đến vàng với tư cách là một kênh đầu tư, nhưng thông tin đưa ra chỉ là: “Thị trường vàng cũng đang trong trạng thái dao động rất khó đoán định. Tình hình giá vàng trên thế giới và tại Việt Nam sẽ tiếp tục biến động khó lường cho đến khi có tân tổng thống nhậm chức tại Mỹ”.

Nhìn lại thời điểm đầu tháng 8/2020, thế giới chứng kiến sự tăng giá kỷ lục trên thị trường vàng do kinh tế toàn cầu phải đối diện với những khó khăn do ảnh hưởng sâu rộng của dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị gia tăng giữa các quốc gia, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ngày 7/8/2020, giá vàng quốc tế đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử 2.073 USD/oz (tăng 292 USD/oz so với thời điểm đầu tháng 7/2020).

Phản ứng với biến động trên thị trường quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước cũng tăng lên mức kỷ lục 62,2 triệu đồng/lượng vào ngày 7/8/2020 (tăng 26% so với thời điểm đầu tháng 7 và tăng 46% so với thời điểm đầu năm 2020). Từ giữa tháng 8/2020 đến nay, giá vàng trong nước có xu hướng giảm theo giá vàng quốc tế và xuống mức thấp nhất 53,75 triệu đồng/lượng vào ngày 30/11/2020. Ngày 3/12/2020, giá vàng trong nước được giao dịch ở mức 55,2 triệu đồng/lượng (tăng 29,2% so với đầu năm 2020).

Ông Đào Xuân Tuấn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, những năm gần đây, giá vàng miếng SJC trong nước thường thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 500.000 đồng/lượng, cá biệt một vài thời điểm trong tháng 3/2020 và từ tháng 8/2020 đến nay, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 2-3 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do năm 2020 thế giới hứng chịu nhiều tổn thất từ dịch bệnh Covid-19, giá vàng thế giới biến động mạnh, khiến giá vàng trong nước điều chỉnh theo.

Cũng theo ông Tuấn, thực tế cho thấy, mặc dù nhiều thời điểm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới giãn rộng, nhưng mức chênh lệch giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô trong nước.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND diễn biến khá ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, thanh khoản thông suốt, cân đối cung cầu ngoại tệ khá thuận lợi. Đặc biệt, trong các tháng 7 và 8/2020, mặc dù giá vàng trong nước tăng kỷ lục, chênh lệch giá vàng giãn rộng, nhưng tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm và tương đối ổn định quanh tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước...

“Mặt khác, vàng miếng là mặt hàng Nhà nước không cấm, nhưng cũng không khuyến khích. Do đó, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ở mức nhất định cũng giúp hạn chế nhu cầu nắm giữ vàng miếng trong nền kinh tế”, ông Tuấn nói.

“Cây đũa thần” Nghị định 24/2012

Để có được một thị trường vàng ổn định, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt trong đó là Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm 2 mục tiêu chính: Thứ nhất, tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; thứ hai, nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Đồng thời, Nghị định 24/2012 cũng công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; quyền mua bán vàng miếng tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép.

“Sau hơn 8 năm triển khai Nghị định 24/2012, đến nay, thị trường vàng vẫn đang diễn biến tốt ngay cả khi giá vàng biến động khó lường. Thị trường vàng được tổ chức, sắp xếp và đang diễn biến theo đúng mục tiêu Chính phủ đã đặt ra”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.

Trong năm 2020, tuy có những thời điểm biến động mạnh theo giá vàng thế giới, nhưng thị trường vàng trong nước vẫn diễn biến ổn định, không có hiện tượng “sốt vàng”, nhiều người đã bán vàng khi giá lên cao.

Theo đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, doanh số mua, bán vàng miếng giảm đáng kể, phản ánh nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm. Từ đầu năm đến nay, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường duy trì ở mức thấp và giảm 75% so với năm 2013. Tính riêng từ đầu tháng 11, mức doanh số giảm 80% so với năm 2013 và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019.

“Số liệu trên cho thấy sự hiệu quả từ chính sách quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/20912”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Đưa ra thêm dẫn chứng, ông Tuấn cho biết, từ năm 2014 đến nay, nhờ thị trường vàng diễn biến ổn định nên Ngân hàng Nhà nước chưa phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng.

“Kể từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, thị trường vàng trong nước tự điều tiết, nguồn vốn bằng vàng có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí trong năm 2019, tranh thủ khi giá vàng nguyên liệu trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi, đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu vàng để thu ngoại tệ”, ông Tuấn chia sẻ.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Rõ ràng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm đáng kể. Quan trọng hơn, đến nay, một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền, tình trạng ‘vàng hóa’ đã từng bước được ngăn chặn. Đồng thời, việc sử dụng vàng làm thước đo giá trị, làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. Nhờ đó, thị trường tiền tệ, tỷ giá diễn biến ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong nước”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước từng “ăn, ngủ, nghỉ” với vàng giai đoạn “nóng bỏng” 2012-2014 nói rằng: “Bao nhiêu gia đình đã khuynh gia bại sản, thậm chí không ít người đã phải tự tử vì vàng, trong khi nhiều doanh nghiệp vàng ‘sống khỏe’ trên sự khốn khó của người dân, gây bất ổn xã hội. Một thị trường vàng được chuẩn hóa về chất lượng vàng miếng, chuẩn hóa trong giao dịch vàng miếng và chuẩn hóa về hệ thống bán lẻ của vàng miếng như ngày nay là điều những người làm quản lý chúng tôi đã dự liệu khi triển khai Nghị định 24/2012”.

Tin bài liên quan