Vàng hay chứng khoán, kênh nào hiệu quả?

Vàng hay chứng khoán, kênh nào hiệu quả?

(ĐTCK) Sắp đi được nửa chặng đường quý II/2015, nhưng nhiều người vẫn đang loay hoay không biết nên đầu tư  đồng tiền của mình vào lĩnh vực nào. Đã có người gợi ý quay trở lại với vàng sau một thời gian dài lắng xuống nhờ vào hàng loạt các chính sách mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực thi.

Vậy đây có phải là thời điểm nên đầu tư trở lại với vàng?

Trong lịch sử, dù có nhiều lần tăng giá nhưng đợt tăng giá trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20 và năm 2011 được ghi nhận là mạnh nhất. Ở thập niên 80, dù chỉ tăng đến mốc 850 USD/ounce, nhưng so sánh tương quan khi tính thêm tỷ lệ lạm phát thì mức tăng này tương đương với mốc cao của giá vàng năm 2011. Sau cú tăng mạnh này, giá vàng bị bán tháo và suy giảm cho đến những năm đầu thế kỷ 21 và đó là một khoảng cách rất dài.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và tiếp sau đó là chính sách nới lỏng tiền của Mỹ khi họ bơm vào nền kinh tế hàng chục ngàn tỷ USD là căn nguyên chính cho đợt tăng giá thứ hai trong lịch sử của vàng. Giá vàng tăng liên tiếp và đạt đỉnh tại mức giá 1.895 USD/ounce năm 2011. Cho đến nay, sau hơn 3 năm suy giảm, vàng xoay quanh mốc 1.200 USD/ounce và chưa thực sự định hình ra xu hướng.

Đã bắt đầu có những mối quan ngại với tình hình kinh tế toàn cầu, điều này phần nào giúp vàng đang thu hút trở lại sự chú ý của NĐT. Nhiều người cho rằng, thời gian 3 - 4 năm suy giảm vừa qua là quá đủ, đăc biệt TTCK Mỹ đang có hiện tượng bong bóng và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Thực tế lịch sử minh chứng rằng, tiền đã chạy sang vàng khi bong bóng trên TTCK vỡ vào những năm 1987 và 2000.

Tuy nhiên, có những điều mà NĐT cần lưu ý, cho dù thực tế TTCK có ảnh hưởng nhất định đến dòng tiền sang vàng. Thứ nhất là sự đối nghịch giữ giá vàng và và đồng USD. Trong năm 1984 và năm 2000, đồng USD tăng giá cũng là giai đoạn vàng ở mức thấp nhất. Còn hiện tại, chỉ số US Dollar Index đang ở mức 97,25 điểm, cao nhất trong hơn 10 năm qua và đang tăng giá không ngừng. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất bất cứ lúc nào, thì đồng tiền này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Một yếu tố nữa cần chú ý là Quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR đang rời bỏ vàng. Lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust hiện là 771,51 tấn, trị giá 30,306 tỷ USD. Từ đầu năm 2015 qua 12 phiên mua vào và 6 phiên bán ra, SPDR Gold trust đã mua ròng 62,49 tấn vàng. Trước đó, trong hai năm 2013 - 2014, SPDR Gold Trust đã bán ròng 641,8 tấn vàng.

Điểm thứ ba là mối quan hệ thuận giữa FED Balance Sheet với giá vàng. Đồng hồ nợ công của Mỹ đang điểm con số 18.200 tỷ USD và tiếp tục gia tăng. Thế nhưng, với sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và xu hướng kiểm soát nợ đang diễn ra sẽ khiến tỷ lệ này ngừng gia tăng. Điều đó cũng là một phần nguyên nhân khiến cho giá vàng khó có thể tăng lên.

Và điểm cuối cùng liên quan tới hàng hóa. Đừng quên những cuộc tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong lịch sử, đặc biệt là dầu. Giá của những hàng hóa này đã suy giảm trong nhiều năm và sự bất biến của thế giới có thể chúng tăng giá trở lại.

Tuy nhiên, những người yêu vàng vẫn có lý do chính đáng để quan tâm. Thứ nhất, đó là nguy cơ đổ vỡ của hệ thống TTCK đang có mức tăng đáng sợ trong chuỗi thời gian qua từ Mỹ, Nhật, Đức cho đến sàn Thượng Hải, Hồng Kông của Trung Quốc. Thế nhưng, nếu lấy theo chỉ số lãi suất của Mỹ thì TTCK thường sụt giảm khi lãi suất đạt đỉnh. Mà hiện tại, với mức lãi suất gần bằng 0 thì câu chuyện này chưa sớm xảy ra.

TTCK Việt Nam từ đầu năm 2015 đến nay thực sự khó khăn và chưa thể hiện rõ xu hướng nào. Nhưng những yếu tố tích cực như lãi suất thấp, sự ổn định vĩ mô đang ngày càng rõ ràng là yếu tố sẽ thúc đẩy TTCK. Chỉ số P/E cũng là một yếu tố mà NĐT xem xét khi nó đang ở mức 12 lần, khá thấp so với nhiều thị trường trong khu vực. Trong chuỗi thời gian vừa qua, TTCK Việt Nam đang tích lũy một cách chủ động tại khu vực 550 điểm.  Hy vọng, TTCK sẽ có một tháng 5 tích cực, mà Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP nếu được ban hành sẽ là điểm nhấn.  

Tin bài liên quan