Vàng gắng gượng đi lên sau cú "ngã ngựa"

Vàng gắng gượng đi lên sau cú "ngã ngựa"

(ĐTCK) Sau phiên lao dốc không phanh tối qua trên thị trường Mỹ, giá vàng đang gắng gượng để hồi phục trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu.

Vàng thế giới lao dốc

Tối qua, ngay khi bước vào phiên giao dịch trên sàn Comex của Mỹ, lệnh bán tháo tăng tốc, kéo giá vàng lao dốc hơn 2,4%, xuống mức thấp nhất gần 3 tuần.

Chốt phiên 14/7, giá vàng giao ngay giảm 32,20 USD (-2,41%), xuống 1.306,80 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 8 cũng giảm 30,7 USD (-2,20%), xuống 1.306,7 USD/ounce.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá vàng còn bị ảnh hưởng mạnh hơn nữa trong phiên giao dịch thứ Ba, thứ Tư, khi Chủ tịch FED, Janet Yellen sẽ công bố về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ. Đây là những thông tin quan trọng không chỉ với thị trường vàng, mà cả với chứng khoán và thị trường ngoại hối. Sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có dấu hiệu cải thiện rõ nét trong quý II sau quý I sụt giảm do ảnh hưởng của vấn đề thời tiết. Các dữ liệu vừa công bố về thị trường lao động, lạm phát, chỉ số PMI, sản xuất công nghiệp… đều khá tích cực. Vì vậy, nhiều người cho rằng, nhiều khả năng bà Yellen sẽ đề cập đến khả năng FED sẽ tăng lãi suất sớm, chứ không phải cuối năm 2015 như một số quan chứ FED từng bóng gió.

Nếu điều này là sự thật, thì đồng USD sẽ tăng mạnh và gây áp lực lên giá vàng, nếu bà Yellen công bố thời gian tăng lãi suất là nửa cuối năm 2015 như thông tin trước đó, giá vàng sẽ được hỗ trợ. Vì vậy, theo giới chuyên gia, giá vàng sẽ còn có những biến động mạnh trong phiên giao dịch thứ Ba (15/7) và thứ Tư (16/7).

Nếu giá vàng không được hỗ trợ và áp lực bán tiếp tục gia tăng, thì xu hướng tăng ngắn hạn của giá vàng sẽ chấm dứt và giá kim loại quý này sẽ dao động ở mức thấp trong một vài tuần tới.

Tuy nhiên, cũng theo giới phân tích, trong dài hạn, giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi các thông tin như cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro, cuộc xung đột tại Iraq, Ukraine, dải Gaza, bất kỳ một hoặc nhiều hơn cuộc khủng hoảng này lan rộng, giá vàng sẽ nhanh chóng vọt tăng trở lại.

Sau phiên bán tháo trên diện rộng trong phiên Mỹ ngày 14/7, bước vào phiên 15/7, giá vàng quốc tế giao dịch trên thị trường châu Á và châu Âu có chiều hướng hồi phục nhẹ, lấy lại được mốc 1.310 USD/ounce.

Tính tới 18h ngày 15/7, theo giờ Việt Nam, trên sàn London, giá vàng giao ngay tăng 2,8 USD/ounce (+0,21%), lên 1.311,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 cũng hồi phục 3,9 USD/ounce (+0,30%), lên 1.310,6 USD/ounce.

Vàng trong nước “không chịu” giảm

Trước “cơn địa trấn” của giá vàng quốc tế tối 14/7, giá vàng trong nước mở cửa phiên sáng 15/7 khá yên tĩnh. Giá vàng SJC niêm yết đầu giờ sáng không đổi so với đóng cửa của phiên trước đó, ở mức 36,75 - 36,87 triệu đồng/lượng (mua - bán). Sau đó, trước ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá SJC cũng giảm, nhưng chỉ giảm 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều (tương đương 0,4%), xuống 36,6 - 36,72 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, rất nhanh chóng, khi giá vàng thế giới tăng nhẹ 0,3%, giá vàng trong nước hồi nhanh và đến 17h chiều qua, giá vàng SJC đã lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên sáng, chốt lại ở mức 36,74 - 36,86 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng gần 2,9 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng PNJ-DAB của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận được niêm yết ở mức 34,5-34,7 triệu đồng/lượng, giảm 190.000 đồng/lượng so với chiều 14/7. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 33,87-34,32 triệu đồng/lượng, giảm 170.000 đồng/lượng so với ngày 14/7.

Ngân hàng Nhà nước ra tay chặn đà rơi của USD

Tuần trước, giá USD cả ngân hàng và thị trường tự do đều giảm mạnh. Trong đó, giá USD trên thị trường tự do giảm 100 đồng/USD cả chiều mua và bán, trong khi giá USD ngân hàng thậm chí giảm mạnh hơn, từ 120 - 180 đồng/USD, xuống mức 21.150 - 21.200 đồng/USD trong phiên cuối tuần trước và duy trì ổn định trong phiên đầu tuần này (14/7), thấp hơn cả mức trước khi Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 1%.

Trước diễn biến giá USD giảm nhanh và sâu, ngay đầu tuần mới, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có động thái can thiệp để chặn đà giảm của USD, hỗ trợ xuất khẩu. Theo đó, mức giá mua vào USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã tăng 100 đồng, từ 21.100 đồng, lên 21.200 đồng, cao hơn mức mua vào của các ngân hàng thương mại, trong khi giá bán ra vẫn ở mức 21.400 đồng.

Ngay sau động thái này của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giá USD do Vietcombank niêm yết đã nhích nhẹ 30 đồng cả chiều mua vào và bán ra so với phiên đầu tuần, lên 21.180 - 21.230 đồng/USD trong ngày 15/7.

Trên thị trường tự do, đà rơi của giá USD cũng đã được hãm lại. Chiều 15/7, giá USD tự do đứng ở mức 21.210 - 21.230 đồng, không đổi so với cuối tuần trước.

Trên thị trường quốc tế, đồng USD tăng đồng loạt so với các đồng tiền mạnh khác trước phiên điều trần của Chủ tịch FED trước Quốc hội Mỹ.

Cụ thể, cặp EUR/USD giảm 0,06%, xuống 1,3611, cặp GBP/USD giảm 0,12%, xuống 1,7063, cặp USD/JPY tăng 0,04%, lên 101,57.

Tỷ giá hối đoái ngày 15/7/2014 và thay đổi so với ngày 11/7/2014 (Nguồn: Vietcombank)

Tin bài liên quan