Giá vàng kỳ hạn đã tăng mạnh trong phiên giao dịch đêm 25/10.

Giá vàng kỳ hạn đã tăng mạnh trong phiên giao dịch đêm 25/10.

Vàng đang giành lại thế “vịnh tránh bão”

Hai phiên giao dịch gần đây, giá vàng quốc tế liên tục tăng khá mạnh. Đặc biệt là phiên giao dịch đêm qua (25/10), giá vàng đã bật qua vùng 1.700 USD/ounce, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo rớt mạnh gần 2%, cho thấy kim loại quý này có thể đang giành lại thế đứng là "vịnh tránh bão an toàn".

Yếu tố bấp bênh của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, đã đẩy giá vàng sụt sâu xuống gần sát ngưỡng 1.600 USD/ounce trong vài tuần qua và khiến mặt hàng này tịnh tiến cùng chiều với chứng khoán và dầu thô. Tuy nhiên, thực tế này đã có sự thay đổi, khi vàng, dầu đêm qua vượt lên, bất kể chứng khoán đi xuống.

 

Cụ thể, chốt ngày giao dịch 25/10, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex ở thị trường hàng hóa New York đã tăng mạnh tới 48,10 USD/ounce, tương ứng 2,9%, lên 1.700,40 USD/ounce. Đây là mức đóng cửa cao nhất của vàng kỳ hạn này kể từ ngày 22/9 và cũng là mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ hôm 27/9 tới nay.

 

Diễn biến cùng chiều với vàng, giá kim loại bạc giao cùng thời điểm tăng 1,41 USD, tương ứng 4,5%, lên 33,05 USD/ounce, cũng là mức chốt cao nhất từ ngày 22/9. Palladium giao tháng 12 tăng 13,6 USD, tương ứng 2,1%, lên 652,10 USD/ounce. Bạch kim giao tháng 1/2012 tăng 26,8 USD, tương ứng 1,7%, lên 1.568,8 USD/ounce.

 

Trong khi đó, đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh. Chốt phiên giao dịch 25/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt 207 điểm, tương ứng 1,74%, xuống 11.706 điểm. S&P 500 giảm 25,14 điểm, tương ứng 2%, xuống còn 1.229,05 điểm. Nasdaq bốc hơi 61,02 điểm, tương ứng 2,26%, xuống 2.638,42 điểm.

 

Nguyên nhân khiến các thị trường hàng hóa biến động mạnh đêm qua chủ yếu là từ các thông tin trái chiều từ châu Âu cho biết, giới lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn tiến hành hội nghị thượng đỉnh vào ngày 26/10, song cuộc họp sau đó giữa các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng Euro sẽ không được tiến hành.

 

Điều này làm tăng những đồn đoán cho rằng, châu Âu có mà đạt thành một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công đeo bám dai dẳng khu vực này lâu nay, từ đó khiến giới đầu cơ cổ phiếu trên Phố Wall hoảng sợ, đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc thảm hại.

 

Tuy nhiên, sự bất ổn của châu Âu lại là lý do khiến vàng trở nên có giá trị, trở lại với vai trò "vịnh tránh bão an toàn", sau khi đã rơi vào trạng thái "ngủ đông" trong vài tuần qua. Giới phân tích lo sợ, việc các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng Euro hủy họp có thể là tín hiệu cho thấy việc giải quyết khủng hoảng nợ công lại rơi vào bế tắc.

 

Một yếu tố khác cũng đang tác động trái chiều lên tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa là tình hình kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu bất ổn. Theo báo cáo ngày hôm qua của tổ chức Conference Board, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 10 đã giảm xuống 39,8 điểm, thấp nhất kể từ tháng 3/2009 tới nay.

 

Charles Nedoss, chiến lược gia thị trường cao cấp thuộc hãng chứng khoán Olympus ở Chicago cho biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng xuống mức rất thấp sẽ tăng áp lực lên giá chứng khoán và hỗ trợ mạnh cho thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, thị trường vàng cũng sẽ hưởng lợi từ những số liệu yếu kém này.

 

Trước đó, Hiệp hội Kinh tế và Kinh doanh Mỹ (NABE) cũng đã công bố kết quả khảo sát mới nhất với 70 chuyên gia kinh tế trong thời gian từ 20/9 đến 5/10. Khảo sát cho thấy, kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng cao nhất là 2% trong cả năm 2011.

 

Cụ thể, 85% số nhà kinh tế được hỏi dự đoán tăng trưởng GDP năm 2011 của Mỹ có thể chỉ đạt 2% hoặc thấp hơn. Trong khi đó, 15% còn lại cho rằng kinh tế Mỹ chỉ có thể tăng trưởng dưới 1% trong cả năm nay. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với khảo sát được thực hiện hồi tháng 7, khi 76% số nhà kinh tế được hỏi dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trên 2%.

 

Cũng theo NABE, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đã được cải thiện phần nào trong quý 3 vừa qua. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/4 số công ty tăng giá sản phẩm, giảm so với khoảng 1/3 số công ty trong quý 2. Số doanh nghiệp cắt giảm lương cũng tăng từ 8% lên 13%, trong khi số công ty tuyển dụng thêm nhân công giảm từ 42% xuống 30%.

 

Báo cáo của NABE được đưa ra trước khi Chính phủ Mỹ công bố số liệu tăng trưởng GDP dự kiến của quý 3 năm nay. Nhiều nhà phân tích cho rằng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 2,3% trong quý 3, so với mức tăng 1,3% của quý trước đó.

 

Tuy nhiên, bên cạnh vẻ u ám của kinh tế Mỹ, châu Âu, thế giới vẫn có cơ sở để lạc quan, khi một ngày trước ngân hàng HSBC công bố số liệu cho thấy hoạt động sản xuất tháng 10/2011 ở Trung Quốc đạt mức cao nhất trong năm tháng qua, giúp dịu đi nỗi lo hạ cánh "cứng" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thông tin này hiện là động lực lớn nhất cho tất cả các thị trường.