Vàng không còn là “kênh trú bão” như thời gian trước.

Vàng không còn là “kênh trú bão” như thời gian trước.

Vàng đã mất vai trò phòng tránh rủi ro

(ĐTCK) Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, diễn biến địa chính trị nhiều khu vực vẫn đang rất nóng, giá dầu và chứng khoán biến động mạnh… Ðây là những nhân tố khiến giá vàng tăng mạnh do nhà đầu tư chuyển vốn của mình sang thứ tài sản đảm bảo rủi ro là vàng.

Vâng, đó là câu chuyện sẽ diễn ra nếu lịch sử quay ngược lại 10 năm về trước.

Khủng hoảng tài chính quốc tế 2008 khiến giá vàng tăng gấp 3 - 4 lần, nhưng ở thời điểm hiện tại, vàng dường như đã không còn được nhớ tới như một công cụ trú ẩn của giới đầu tư, dù đâu đó vẫn còn hy vọng vào một sự sôi động trở lại.

Những trao đổi mới nhất giữa Bắc Kinh và Washington báo hiệu nguy cơ gia tăng một cuộc chiến thương mại kéo dài và làm giảm sức thu hút của các tài sản rủi ro. Lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới tăng 0,5% lên 740,86 tấn trong ngày 29/5, nhưng vẫn giảm hơn 6% từ đầu năm tới nay.

Tại thị trường trong nước, mặc dù nhập vàng nguyên liệu vẫn là độc quyền của Ngân hàng Nhà nước, nhưng diễn biến giá vàng vẫn song trùng với giá quốc tế, thường thay đổi mạnh vào ngày vía Thần tài và cũng chỉ có ngày này. Tuy nhiên, ghi nhận của giới kinh doanh vàng gần đây cho thấy, lượng mua vào đang có dấu hiệu tăng lên. Chẳng hạn, trong ngày cuối tuần trước (31/5), một số công ty cho biết lượng mua vào chiếm tới 70% so với lượng bán ra là 30%.

Phòng kinh doanh Vàng, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cho rằng, triển vọng của một cuộc chiến thương mại kéo dài đã làm xáo trộn tâm lý các nhà đầu tư và dẫn đến một đợt bán tháo mạnh cổ phiếu vào tuần trước. Nhưng giá vàng có xu hướng di chuyển theo hướng ngược lại với cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác khi đã tăng giá khoảng 1 - 2% trong tuần này. Vì thế, theo giới phân tích, giá vàng có triển vọng tăng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trên thế giới thừa nhận một thực tế rằng, dù vàng vẫn được coi là một kênh trú bão trước những biến động trên các thị trường tài chính, chứng khoán và địa chính trị trên phạm vi toàn thế giới. Nhưng điều này đang trở nên khó dự đoán vì hành động của giới đầu tư và các ngân hàng trung ương đang thay đổi.

Ngay bản thân Trung Quốc là nước giữ vai trò chính trong thương chiến cũng chưa hẳn muốn loại trừ USD, dù vẫn mua vào vàng dự trữ. Ngân hàng trung ương nước này đã mua vàng trong tháng thứ năm liên tiếp trong năm nay, thêm 480.000 ounce kim loại quý vào dự trữ trong tháng 4 vừa qua. Hiện, dự trữ vàng của ngân hàng trung ương nước này là 61,1 triệu ounce vàng.

Nhưng quý đầu của năm 2019 là thời điểm rất bận rộn cho việc mua vàng của ngân hàng trung ương. Trong báo cáo xu hướng nhu cầu quý I/2019, Hội đồng Vàng thế giới cho biết, các ngân hàng trung ương đã mua 145,5 tấn vàng trong 3 tháng đầu năm. Tất nhiên, đây không phải là con số quá lớn để thay đổi cung cầu thị trường kim loại quý này.

Một số nhà phân tích hàng hóa đã suy đoán rằng, mong muốn nắm giữ vàng ngày càng tăng của các ngân hàng trung ương là một phần của sáng kiến toàn cầu nhằm làm suy yếu vai trò của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ thế giới. Tuy nhiên, một cựu giám đốc điều hành của ngân hàng trung ương Mỹ coi động thái này là sự đa dạng hóa tự nhiên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ổn định.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ðầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) đưa ra nhận định, thị trường vàng thế giới sẽ thoát khỏi tình trạng ảm đạm và nhanh chóng lấy lại đà tăng trong tương lai gần. Hiện giới đầu tư đang ngóng tin tức về diễn biến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo ông Hải, về phần tích kỹ thuật, nếu giá vàng giảm xuống dưới hỗ trợ tại khu vực 1.281,04 - 1.278,99 USD/ounce, thì ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại vùng 1.270,88 - 1.269,86 USD/ounce. Trong trường hợp phá vỡ, xu hướng giảm sẽ tiếp tục rời về cụm 1.266,86 - 1.264,81 USD/ounce và vàng có triển vọng tăng giá thời gian tới.

Tin bài liên quan