“Van” tín dụng thắt: Ngân hàng sống thế nào?

“Van” tín dụng thắt: Ngân hàng sống thế nào?

(ĐTCK) Hệ thống ngân hàng Việt Nam “sống” chủ yếu bằng hoạt động cho vay, giờ đây, “van” cho vay được cơ quan quản lý siết lại, vậy các ngân hàng sẽ phải làm gì những tháng cuối năm 2018?

Ngày 17/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 5321/NHNN-TTGSNH về việc thực hiện quy định về lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên và mới đây là Chỉ thị 04 ban hành ngày 2/8 của Thống đốc NHNN yêu cầu không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt là ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém).

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp TPBank cho biết, NHNN chấp thuận cho TPBank hạn mức tín dụng (room) năm 2018 là 15% và đến ngày 30/6/2018, Ngân hàng đã thực hiện xấp xỉ 15%.

Tương tự, LienVietPostBank cho biết đã dùng gần hết room tín dụng được cấp là 14% và Ngân hàng không được nới room tín dụng trong 6 tháng cuối năm. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm của Vietcombank là 14-15%, trong khi 6 tháng đầu năm, tăng trưởng cho vay tại nhà băng này đã ở mức 11,4%.

Nếu sức ép tỷ giá giảm, lạm phát trong mục tiêu đặt ra, tình hình ổn định hơn, không loại trừ khả năng NHNN có thể điều chỉnh room tín dụng trong hệ thống

- Lãnh đạo SCB

Hay như MB, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6/2018 đã đạt 11%... Điều này đồng nghĩa với việc, các ngân hàng kể trên đã sắp hết room tín dụng được NHNN phân bổ từ đầu năm.

Trái ngược với việc room tín dụng cạn/gần cạn, nguồn tiền tại các nhà băng lại rất dồi dào. Cụ thể, tại Vietcombank, tiền gửi khách hàng tính đến 30/6/2018 đạt 764.000 tỷ đồng, trong khi cho vay đạt 591.000 tỷ đồng.

Tại MB, huy động từ khách hàng tính đến 30/6/2018 đạt 234.000 tỷ đồng, nhưng cho vay mới đạt 197.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng của TPBank tính đến 30/6/2018 đạt 75.000 tỷ đồng, cho vay mới đạt 72.000 tỷ đồng. Tương tự, tại LienVietPostBank, tiền gửi khách hàng tính đến 30/6/2018 đạt 146.000 tỷ đồng, cho vay mới đạt 113.000 tỷ đồng.

Vậy các ngân hàng giải quyết vấn đề “thừa tiền” thế nào? Về lý thuyết sẽ có 3 phương án. Cụ thể,

Thứ nhất, thực tế, NHNN chỉ “chặn” cho vay trên thị trường 1, thị trường 2 vẫn hoạt động bình thường. Các ngân hàng hết room tín dụng có thể hoạt động kinh doanh tại thị trường liên ngân hàng, đầu tư trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác, kinh doanh ngoại hối, tăng phí dịch vụ để bù đắp cho phần hụt từ thu nhập cho vay.

Thứ hai, các ngân hàng sẽ thu hồi nợ thật nhanh để tạo room cho tín dụng. Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết: “Chỉ tiêu tín dụng của LienVietPostBank sẽ không đứng yên và phụ thuộc vào con số tuyệt đối 14%, thay vào đó là phụ thuộc việc thu hồi nợ như thế nào, dư nợ cấp mới ra sao.

Nếu nói Ngân hàng không thể cho vay do hết room là không đúng, khi một số khoản nợ lớn sẽ đến hạn trong nửa cuối năm. Ngân hàng sẽ vẫn còn dư địa để cấp mới tín dụng”.

Thứ ba, ban lãnh đạo ngân hàng sẽ xem xét lại cơ cấu nợ, loại trừ những món nợ không phải thực chất cho vay để tạo dư nợ, tạo room cho vay, ví dụ loại hình cho vay cầm cố sổ tiết kiệm…

Về vấn đề này, một lãnh đạo cao cấp ngân hàng chia sẻ: “Dù có làm gì đi nữa, room tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn rất hẹp, đặc biệt đối với những ngân hàng đã dùng gần cạn thì mọi nỗ lực cũng chỉ là “vớt vát” để cho vay thêm”.

Trong khi đó, một lãnh đạo ngân hàng khác có trụ sở tại phía Nam cho biết, còn một cách nữa mà một số nhà băng đang áp dụng là “kêu than” với NHNN để tăng room.

Theo đó, các ngân hàng sẽ trình bày những thành quả trong 7 tháng đầu năm như chất lượng tăng trưởng tín dụng tốt; nguồn tiền huy động dồi dào, có những khách hàng rất tiềm năng đang mong đợi vốn từ nhà băng…

“Tóm lại, đây là động thái làm “hết nước, hết cái” để NHNN chiếu cố, nhưng quả thật, rất khó đạt được kết quả như ý muốn, bởi có lẽ NHNN đã tính toán chuyện không bắt buộc phải dùng công cụ tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, vẫn còn những hoạt động cho vay khá mạnh trong các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… và câu chuyện nợ xấu nên NHNN muốn ngành ngân hàng cho vay thực chất hơn, ít rủi ro hơn”, vị lãnh đạo trên nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo SCB cho biết, khi NHNN phát ra tín hiệu, Ban lãnh đạo SCB đã có kịch bản cho từng phương án nên về phía Ngân hàng không có bất ngờ.

“Nếu sức ép tỷ giá giảm, lạm phát trong mục tiêu đặt ra, tình hình ổn định hơn, không loại trừ khả năng NHNN có thể điều chỉnh room tín dụng trong hệ thống”, vị lãnh đạo SCB nói.      

Tin bài liên quan