Kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ nhất xét về giá trị là VietinBank, từ hơn 37.324 tỷ đồng lên trên 50.400 tỷ đồng

Kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ nhất xét về giá trị là VietinBank, từ hơn 37.324 tỷ đồng lên trên 50.400 tỷ đồng

"Vận may" cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ước tính, khoảng gần 8 tỷ cổ phiếu mới ngân hàng phát hành thêm cho cổ đông năm nay, pha loãng là chắc chắn, nhưng có thể đó lại là... may mắn cho TTCK.

May mắn đầu tiên đó là đa số cổ phiếu mới phát hành do trả cổ tức, chứ không phải phát hành mới thu tiền về; cái may tiếp theo, giá tham chiếu của cổ phiếu sẽ điều chỉnh giảm khi phát hành, tạo cảm giác bớt nóng cho nhà đầu tư.

Tăng vốn giúp tăng quy mô tín dụng và tài sản

Đại hội đồng cổ đông 2021 của MB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm gần 40%. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, với phần vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, Ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư tăng năng lực (bao gồm đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở tại TP.HCM…) khoảng 4.783 tỷ đồng; bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác (bao gồm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới…) hơn 5.900 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế chưa hồi phục mạnh và dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến khó lường, kế hoạch tăng đột biến vốn điều lệ khiến một số cổ đông băn khoăn. Tuy nhiên, Tổng giám đốc MB trấn an: “Mỗi năm, Ngân hàng đều tận dụng tối đa hiệu quả hoạt động dựa trên quy mô tài sản (phụ thuộc vào cho vay, huy động vốn)”.

Theo ông Thái, việc tính toán tăng vốn cho phù hợp với chiến lược 5 năm là rất quan trọng, bởi nếu tận dụng thời điểm tăng vốn đúng sẽ tăng được quy mô tín dụng và tài sản tốt.

Đa số ngân hàng sẽ tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, kết hợp với phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, người lao động (ESOP), hoặc phát hành riêng lẻ.

“Năm 2021, MB sẽ kết thúc chiến lược 5 năm, cả quy mô tài sản, lợi nhuận đều vượt kế hoạch. Trong 5 năm tiếp theo sẽ có chiến lược mới, trong đó tập trung đầu tư cho mô hình kinh doanh tập đoàn gồm ngân hàng và 6 công ty thành viên, hơn thế là vươn tới quy mô thị trường Đông Nam Á. Đó là lý do cần phải tăng vốn”, ông Thái giải thích.

Nhiều ngân hàng khác có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2021 như ACB sẽ tăng thêm hơn 5.400 tỷ đồng, lên trên 27.000 tỷ đồng; SHB tăng hơn 3.700 tỷ đồng, lên gần 21.300 tỷ đồng; HDBank tăng hơn 4.000 tỷ đồng, lên hơn 20.110 tỷ đồng; VIB tăng hơn 4.900 tỷ đồng, lên 15.997 tỷ đồng; MSB tăng hơn 3.525 tỷ đồng, lên 15.275 tỷ đồng; SeABank tăng hơn 3.000 tỷ đồng, lên 15.200 tỷ đồng; BIDV tăng thêm 8.304 tỷ đồng, lên 48.524 tỷ đồng; Vietcombank tăng thêm 3.076 tỷ đồng, lên hơn 50.401 tỷ đồng.

Đa số ngân hàng sẽ tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, kết hợp với phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, người lao động (ESOP), hoặc phát hành riêng lẻ.

Kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ nhất xét về giá trị có lẽ là VietinBank, từ hơn 37.324 tỷ đồng lên trên 50.400 tỷ đồng. Được biết, đây là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối duy nhất hiện nay chưa đạt chuẩn Basel II. Dự kiến, VietinBank sẽ đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II sau khi tăng vốn.

Ngược lại, Techcombank chỉ lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 0,17%, lên 35.109 tỷ đồng, thông qua phát hành 6 triệu cổ phiếu ESOP. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank chia sẻ: “Vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng. Tăng vốn mạnh từ chia cổ tức bằng cổ phiếu không quan trọng, vì chúng ta đã tăng đủ. Câu chuyện là làm thế nào để sử dụng vốn sao cho giá trị của Ngân hàng tăng lên”.

Hành trình nhiều gian nan

Đánh giá về những thành quả của hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, điểm nổi bật là năng lực tài chính được tăng cường, nguồn vốn được cải thiện thông qua tăng hiệu quả hoạt động, thu hút vốn từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Mặc dù cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng tiêu tốn nhiều nguồn lực, nhưng tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng tốt, đạt bình quân khoảng 14%/năm từ 2011 đến nay. Vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng tăng mạnh, từ hơn 460.000 tỷ đồng cuối năm 2015 lên gần 650.000 tỷ đồng cuối năm 2020 (tăng 41,3%).

Hệ số an toàn vốn (CAR) duy trì trung bình từ 12 - 13%, ở mức 9% nếu theo chuẩn mới, tiệm cận Basel II, quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Các chỉ tiêu sinh lời như ROA và ROE ghi nhận tăng từ mức 0,52% và 6,26% năm 2015 lên 0,9% và 12% năm 2020, góp phần cải thiện thu nhập cũng như tăng nguồn lợi nhuận để các tổ chức tín dụng có thể giữ lại một phần bổ sung vốn chủ sở hữu. Riêng năm 2020, do tác động bởi dịch Covid-19, các chỉ số này giảm nhẹ, lần lượt xuống 0,8% và 10,5%.

Tuy vậy, quy mô và năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng còn nhỏ so với khu vực. Việt Nam chưa có tổ chức tín dụng nào thuộc Top 100 ngân hàng lớn châu Á (BIDV liên tục giữ vị trí ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất tại thị trường nội đại, nhưng mới chỉ thuộc Top 50 ngân hàng lớn nhất ASEAN năm 2020). Năng lực cạnh tranh và mức độ lành mạnh tài chính của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế.

Đáng chú ý, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu Basel II gặp khó khăn do vướng mắc về quy định pháp lý (đến năm 2020 mới được tháo gỡ).

Theo Quyết định 986/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ được phát triển theo hướng tổ chức trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững, cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình…; nền tảng công nghệ, quản trị tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2025. Bên cạnh đó, năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế cũng như thúc đẩy tài chính toàn diện đến năm 2030.

Ngày 7/1/2019, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 34/2019/QĐ-NHNN về chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, cụ thể hóa các định hướng phát triển của Thủ tướng cũng như đưa ra giải pháp dành cho các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

“Một giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030 là đẩy nhanh tiến trình nâng cao năng lực, hiệu quả của các tổ chức tín dụng, bao gồm các ngân hàng thương mại, nhất là năng lực tài chính, áp dụng chuẩn mực quản trị và Basel II, III”, TS. Lực nói.

Thực tế, triển khai việc tăng vốn điều lệ là không dễ dàng đối với các ngân hàng, nhất là Agribank, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn vì Covid-19. Tăng vốn là mục tiêu duy nhất trong 10 mục tiêu của phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 mà Agribank không đạt được.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, quy mô vốn điều lệ và vốn tự có của Agribank còn thấp và tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ tăng quy mô hoạt động kinh doanh, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và yêu cầu nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II chưa đáp ứng yêu cầu lộ trình triển khai. Nguyên nhân chủ yếu là việc tăng vốn điều lệ của Agribank phụ thuộc vào việc sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho các NHTM nhà nước nên cần có sự phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho hay: “Ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng 8-11%, lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 10%, thu từ dịch vụ tăng 6-8%, thu hồi nợ xấu sau xử lý tối thiểu 9.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu tăng tín dụng 8-11% và đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, Agribank phải được tăng vốn điều lệ thêm 10.000 tỷ đồng. Nếu không được khẩn trương tăng vốn, không có cơ chế tháo gỡ khó khăn, thì Agribank sẽ phải hạn chế tăng trưởng tín dụng”.

Tin bài liên quan