Trước đó, nội dung này đã được thảo luận tại đoàn, bên lề Đại hội, nhiều vị đại biểu cũng đã trao đổi với báo chí suy nghĩ, kỳ vọng vào các văn kiện trình Đại hội lần này.
Theo đại biểu Lê Đức Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội của Đảng rất công phu, kỹ lưỡng và chu đáo, trong đó có việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt niềm tin rất lớn, kỳ vọng rất cao vào những quyết sách của Đại hội lần này để xây dựng đất nước tiếp tục phát triển vững mạnh.
"Chúng tôi cho rằng, với những nội dung đã được trình bày trong các dự thảo Văn kiện trình Đại hội cũng như kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của giai đoạn 2021-2030 cũng như là tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 thể hiện rõ nét những khát vọng phát triển đất nước của Đảng và nhân dân Việt Nam"- ông Thọ nói.
Vẫn theo ông Lê Đức Thọ, những nội dung trong dự thảo văn kiện lần này đã thể chế rõ ràng hơn việc xây dựng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đây là quan điểm hết sức đúng đắn và bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.
"Hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính là lĩnh vực kinh tế tổng hợp của đất nước, chúng tôi thấy rằng những nội dung đó đã được thể chế vào trong những nội dung cụ thể của dự thảo văn kiện, là điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện có kết quả", đại biểu Thọ bày tỏ.
Còn theo ông Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ khối Cơ quan Trung ương, trong thời gian qua, Đảng uỷ khối Cơ quan Trung ương đã tích cực tham gia góp ý nhiều vòng, nhiều lần, tham gia tích cực trong việc hoàn chỉnh văn kiện Đại hội. Trong đó, quan tâm đến sự nêu gương của người đứng đầu. Tại Đảng uỷ khối Cơ quan Trung ương gồm 61 vị từ cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng đều quan tâm đến công tác này, thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định.
“Tôi đánh giá văn kiện Đại hội rất ấn tượng, bao quát được tất cả các mảng kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao vị thế đất nước. Văn kiện đã thể hiện tầm nhìn, niềm tin, khát vọng của Đảng, của dân tộc” – ông Huỳnh Tấn Việt khẳng định.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM trao đổi, qua thảo luận về các báo cáo và văn kiện ở đoàn, đoàn đại biểu TP.HCM rút ra được nhiều điều.
Đó là, Trung ương đã đánh giá xác thực được tình hình đất nước. Tiếp đó, đưa ra được một số quan điểm không chỉ là sự tổng kết mà là sự phát triển cả về mặt lý luận.
Tôi nói ví dụ về mặt xây dựng Đảng, văn kiện đề cập mấy yếu tố cơ bản. Một là xây dựng Đảng về chính trị, hai là xây dựng Đảng về tư tưởng, và thứ ba – là điểm mới lần này - Trung ương đề cập xây dựng Đảng cả về đạo đức. Đạo đức với ai? Theo tôi là với chính Đảng của mình và với Nhân dân của mình. Đạo đức ấy gắn với một ngọn cờ lý tưởng mà mình đang theo đuổi, đang bảo vệ - ông Khuê nêu quan điểm.
Điểm nữa, theo ông Khuê là chúng ta bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh Tổ quốc từ sớm và từ xa, trên cơ sở đại đoàn kết dân tộc, với điểm mới lần này là đoàn kết tôn giáo.
Chúng ta phát triển kinh tế nhưng đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế qua con đường ngoại giao văn hóa để nâng vị thế của đất nước. Phát triển kinh tế nhưng luôn chú ý bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ lợi ích dân tộc và bảo vệ chính Đảng của mình.
Điểm thứ ba là qua tổng kết nhiệm kỳ, Trung ương đã nhận thấy kinh tế dân doanh phát triển nhưng vững vàng hay chưa thì cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Do vậy sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là cấp thiết để làm sao chuyển kinh tế đất nước sang giai đoạn mới. Đó là thời kỳ hội nhập sâu, của kinh tế số, xã hội số và kinh tế chia sẻ. Đây là vấn đề hết sức thuận lợi trong bối cảnh cách mạng 4.0. Nhìn ra được như vậy sẽ càng tạo cho kinh tế có bước phát triển mới hơn.
Điểm thứ tư ông Khuê cho rằng đáng chú ý là, chúng ta phát huy “dân là gốc”. Bắt đầu đổi mới, ta nói “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tới Đại hội này, Trung ương phát triển tiếp về mặt tư duy, bổ sung “dân giám sát, dân thụ hưởng, dân phản biện”.
Điểm thứ năm là xây dựng quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, được bổ sung thêm là “xây dựng thế trận lòng dân”. Chứng tỏ rằng, chăm lo cho Nhân dân, quyền lợi hạnh phúc của Nhân dân thể hiện xuyên suốt và ngày càng đậm nét.
Qua đó ta xây dựng niềm tin trong Nhân dân về một chính Đảng, niềm tin trong Nhân dân về một thế hệ lãnh đạo, niềm tin trong Nhân dân về sự đổi mới đất nước - ông Khuê nói.