Văn hóa... trục lợi bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trục lợi bảo hiểm lẽ ra là điều đáng xấu hổ và cần xử lý nghiêm, nhưng ở Việt Nam, đôi khi trục lợi thành công lại như một... thành tích!

Tại một bữa tiệc, trước gần 40 bạn bè và người thân, chị Nguyễn Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) khoe rằng, chị bị ngã, rách mắt và phải nhập viện, nhưng hôm sau ra viện luôn. Song, nhờ “xin” được giấy nằm viện 10 ngày tại một bệnh viện tư có tiếng nên ngoài không phải thanh toán viện phí, mà vẫn còn dư ra 50 triệu đồng do được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.

Trong một câu chuyện khác, người viết được một CEO doanh nghiệp cho biết, anh đã cố tình phá móp cả cánh cửa chiếc xe ô tô hạng sang của mình để được nhà bảo hiểm đền một cánh cửa mới giá trị hơn 40 triệu đồng (trước đó cửa xe chỉ bị xước và móp một khoảng nhỏ).

Thực tế, tại Việt Nam, những câu chuyện trục lợi bảo hiểm như trên không mới, thậm chí là khá phổ biến, nhưng điều đáng nói là hành vi trục lợi xuất phát từ cả những người có tri thức, có điều kiện tài chính và nhiều người không cho rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Phạm Hoàng Sang, Đoàn luật sư TP. HCM, hành vi trục lợi bảo hiểm là một vấn nạn nhức nhối của ngành bảo hiểm không chỉ ở Việt Nam, mà trên bình diện toàn cầu, và hậu quả do hành vi này để lại không chỉ đơn thuần liên quan đến tài chính, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường, tính nhân văn của bảo hiểm.

Đưa ra số liệu chứng minh, chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho biết, tại Hoa Kỳ, trong giai đoạn 2009-2019, bình quân con số thiệt hại do trục lợi bảo hiểm gây ra (tính trên số vụ bị phát hiện) xấp xỉ 10% tổng giá trị bồi thường hàng năm, tương đương khoảng 40 tỷ USD, đối với riêng lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thiệt hại, còn trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe ước tính thiệt hại hàng năm dao động từ 400-700 USD tính trên mỗi gia đình Mỹ, chiếm từ 3-10% tổng chi phí y tế được đảm bảo bởi khu vực tư nhân, theo thống kê của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Trong giai đoạn 2007-2013, tổng số vụ nghi ngờ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện là 44.704 vụ, tương đương bình quân mỗi năm gần 9.000 vụ; tổng số tiền bị nghi ngờ trục lợi là hơn 410 tỷ đồng.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2007-2013, tổng số vụ nghi ngờ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện là 44.704 vụ, tương đương bình quân mỗi năm gần 9.000 vụ; tổng số tiền bị nghi ngờ trục lợi là hơn 410 tỷ đồng, xuất hiện chủ yếu ở các sản phẩm bảo hiểm vật chất xe cơ giới và bảo hiểm con người.

Cũng bởi tác hại nghiêm trọng, nên các thị trường bảo hiểm phát triển luôn coi trọng công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm và xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm rất nặng tay. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc xem hành vi trục lợi bảo hiểm như một hành vi phạm tội và được luật hóa tại Bộ luật Hình sự năm 2015, tức chỉ 6 năm gần đây. Theo ông Đán, việc chậm trễ luật hóa hành vi trục lợi bảo hiểm khiến các cơ quan tư pháp và hành pháp lúng túng khi xử lý, dẫn tới hiệu quả xử lý không cao, từ đó hạn chế tính răn đe.

“Thực tế, từ trước đến nay, khi phát hiện một vụ trục lợi bảo hiểm, mức độ xử phạt dựa trên việc người trục lợi đã nhận được tiền hay chưa. Nếu nhận được tiền rồi thì sẽ quy vào tội danh ‘lừa đảo’ theo Điều 139 hoặc tội danh ‘lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’ theo Điều 140 - Bộ Luật Hình sự (chưa sửa đổi). Ngược lại, chưa nhận tiền thì chỉ xử phạt hành chính theo Điều 38 - Nghị định 103/2008/NĐ-CP và Điều 14 - Nghị định 98/2013/NĐ-CP. Với quy định như vậy thì các đối tượng trục lợi bảo hiểm sẽ không ý thức được rằng mình là ‘tội phạm’ mà coi nhẹ tác hại”, ông Đán nói.

Để tăng tính răn đe đối với tội danh trục lợi bảo hiểm, ông Đán đề xuất, nhà làm luật cần xem xét xử lý theo hướng “cấu thành hành vi”, có nghĩa là chỉ cần có hành vi trục lợi bảo hiểm thì đã có cơ sở pháp lý để xử lý đối tượng trục lợi. Đồng thời, cần coi trọng hơn nữa công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm, nếu có tình huống nghi ngờ khách hàng trục lợi bảo hiểm thì nhà bảo hiểm phải khẩn trương xác minh và khi có cơ sở xác nhận cho nghi vấn này thì phải chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan điều tra về tội phạm kinh tế để tiếp tục điều tra, xử lý. Ngoài ra, số tiền có được từ hành vi trục lợi bảo hiểm cần được xem là tình tiết tăng nặng và thông tin tội phạm trục lợi bảo hiểm cần được công khai trên các phương tiện truyền thông.

Ngoài ra, theo ông Đán, hiện tại Việt Nam, dù tổng số vụ nghi ngờ trục lợi lớn như trên đề cập và thực tế nhiều vụ trục lợi 1 cách trắng trợn nhưng chưa hề có một vụ nào được bêu tên một cách công khai.

“Các cơ quan quản lý cũng như cơ quan pháp luật cần mạnh tay xử lý, thậm chí phạt tù và công khai đối tượng bảo hiểm trục lợi nói riêng, các bên trục lợi nói chung trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường tính răn đe, lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ rằng, trục lợi bảo hiểm là một hành vi phạm tội để tránh hậu quả không đáng có”, ông Đán nhấn mạnh.

Tin bài liên quan