ACB đưa ra mục tiêu kiểm soát nợ xấu tối đa 2% năm nay.

ACB đưa ra mục tiêu kiểm soát nợ xấu tối đa 2% năm nay.

Vẫn chưa hết cảnh báo sớm cho các nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả 2 quý đầu năm của các ngân hàng đa số là những con số đẹp, tuy nhiên những cảnh báo về nợ xấu vẫn tiếp tục.

Tại ACB, đến hết tháng 5/2020, tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng ở mức 5% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 11%.

Ðến hết tháng 6/2020, ACB có khả năng thực hiện được tối thiểu 50% kế hoạch. Chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng có khả năng hoàn thành kế hoạch với tiến độ như hiện tại.

Con số cho thấy một bức tranh khả quan. Tổng giám đốc ACB Ðỗ Minh Toàn thừa nhận, đây chỉ là dự báo trước mắt và còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế. Vấn đề quan ngại mỗi hậu khủng hoảng vẫn là “nợ xấu”, mục tiêu của ACB trong năm nay là kiểm soát nợ xấu ở mức 1-2%.

Theo ông Toàn, để đánh giá tác động của dịch bệnh thì phải đến cuối quý III mới có thể “rõ nét”. Tuy nhiên, Ban điều hành ACB đưa ra dự kiến nếu xấu nhất, Ngân hàng vẫn kiểm soát được và đây là lý do ACB đưa ra chỉ tiêu 2% tối đa cho tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đến cuối năm nay.

Hiện nợ tại ACB của nhóm 6 công ty là 806 tỷ đồng, gồm trái phiếu, khoản phải thu, nợ gốc và hơn 1.000 tỷ đồng lãi. Tài sản đảm bảo 806 tỷ đồng có khả năng thu hồi nợ trong thời gian tới, đã trích lập dự phòng 100%. Nếu thu hồi được, lợi nhuận ACB sẽ tăng thêm 806 tỷ đồng.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô vừa cũng cho biết, ngân hàng đã cơ cấu khoảng 1/4 tổng dư nợ cho khách hàng, nhưng điều mà lãnh đạo ngân hàng quan ngại là kể cả các khoản nợ đã cơ cấu vẫn có thể trở lên “xấu hơn” do khách hàng chưa phục hồi được sản xuất.

“Ngân hàng phải liên tục rà soát và theo dõi chặt tình hình kinh doanh của khách hàng để đảm bảo nợ xấu trong vòng kiểm soát”, vị tổng giám đốc này cho biết.

Theo ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc OCB, nợ xấu tăng trong bối cảnh dịch bệnh là điều khó tránh. Nguyên nhân là do cầu hàng hóa của doanh nghiệp giảm mạnh, kể cả hàng xuất khẩu và hàng bán nội địa, khiến sản xuất bị co hẹp, hàng tồn kho tăng cao…

“OCB đã tập trung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí hoạt động, đồng thời kiểm soát chặt quản trị rủi ro để hạn chế nợ xấu phát sinh”, ông Tùng nói và cho biết, mặc dù khả năng nợ xấu tăng tại ngân hàng là khó tránh, nhưng ngân hàng nào có độ phân tán danh mục cao, dự trữ thanh khoản tốt, năng lực tài chính tốt thì mức độ chịu ảnh hưởng thấp hơn.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tín dụng năm 2020 được đánh giá khó tăng ở mức cao, song nợ xấu được cảnh báo gia tăng do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không thể trả nợ đúng hạn, cho dù các ngân hàng đã tái cơ cấu nợ.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, trong bối cảnh thị trường có dịch bệnh thì nợ xấu tăng là điều khó tránh, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận ở một mức phù hợp, chứ không thể quay lại bài toán nợ xấu cao như thời điểm trước đây.

Viện Nghiên cứu và Ðào tạo BIDV, tại báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng, dự báo nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019 do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp.

Ngoài ra, Thông tư 01 hết hiệu lực vào cuối năm khiến dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (khoảng 23% tổng dư nợ) không còn được giữ nguyên nhóm nợ khiến quy mô nợ xấu tăng lên.

Dự báo chất lượng tín dụng cũng nằm trong báo cáo của NHNN ngay từ rất sớm. Cơ quan này đã đưa ra kịch bản, trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu (gồm nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9 - 3,2% vào cuối quý II và từ 2,6 - 3% vào cuối năm 2020.

Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở gần mức 4% vào cuối quý II và 3,7% vào cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn.

Với những gì diễn ra thì kịch bản số 2 có vẻ là hợp lý. Nợ xấu sẽ tăng, lợi nhuận ngân hàng phải giảm, nhưng dù sao vẫn chưa đến mức quá lớn như đã từng xảy ra cách đây gần 10 năm (8,82% năm 2012).

Tin bài liên quan