Được biết năm 2019, VAMC đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu. Nếu điểm lại những ý chính, ông sẽ chia sẻ vấn đề nào?
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trước tiên, đó là các nguồn lực của VAMC không ngừng được củng cố vững chắc. Cụ thể, VAMC đã được Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Năng lực hoạt động của VAMC ngày càng được nâng cao, công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, hoàn thiện mô hình hoạt động được tiếp tục chú trọng thực hiện theo đúng Đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới năm 2022 tại Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 5/1/2018.
Theo đó, VAMC đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của 9 tổ chức tín dụng (TCTD) với 381 khoản nợ đạt 20.544 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua nợ là 19.846 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu đã được NHNN giao năm 2019 (đạt 99,23% kế hoạch). Lũy kế từ khi thành lập đến hết 31/12/2019, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB đạt 359.393 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 327.413 tỷ đồng.
VAMC đã nỗ lực tìm kiếm và đàm phán với các TCTD để thực hiện mua nợ xấu theo GTTT trong điều kiện vốn điều lệ của VAMC được cấp bổ sung vào thời điểm ngày cuối cùng của năm 2019. Kết quả đến 31/12/2019, VAMC đã mua nợ theo GTTT được 37 khoản nợ với tổng giá mua nợ là 2.247 tỷ đồng (giúp xử lý hơn 2.131 tỷ đồng dư nợ gốc cho các TCTD), đạt 112% chỉ tiêu mua nợ theo GTTT đã được NHNN phê duyệt và điều chỉnh. Lũy kế từ năm 2017 đến hết 31/12/2019, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu theo GTTT đạt 8.013 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 8.207 tỷ đồng.
TS. Đoàn Văn Thắng
VAMC đã phối hợp cùng các TCTD xử lý 69.778 tỷ đồng dư nợ gốc (tạm tính), đạt 140% kế hoạch NHNN phê duyệt, với giá trị thu hồi nợ là 32.480 tỷ đồng (tạm tính).
Trong năm 2019, VAMC đã có sự tăng trưởng nhanh về số lượng cuộc bán đấu giá thành công với tổng giá trúng đấu giá đạt gần 831 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản bán vượt trên giá khởi điểm là 3,15 tỷ đồng. Mặc dù mới đi vào hoạt động trong năm 2019, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, nhân viên, Chi nhánh TP.HCM đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: hoàn thành 139% kế hoạch mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) được giao.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc VAMC đã hoàn thiện xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thành Đề án Sàn giao dịch nợ VAMC, Đề án thành lập Câu lạc bộ AMC; tiếp tục nghiên cứu để triển khai toàn diện các nghiệp vụ của VAMC như hỗ trợ tài chính, bảo lãnh, chuyển vốn vay thành vốn góp, chứng khoán hóa khoản nợ...
Hoạt động hợp tác, kết nối các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế đã được phát triển với vị thế của VAMC ngày càng được nâng cao. Với tư cách là thành viên Diễn đàn Các công ty quản lý tài sản công quốc tế IPAF, năm 2019 vừa qua, VAMC đã tham gia tích cực vào các hoạt động chung của Diễn đàn...
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, điều gì còn khiến ông trăn trở?
Kết quả xử lý nợ xấu đã mua theo GTTT vượt kế hoạch được NHNN giao, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu; thu hồi nợ còn chậm; hoạt động cơ cấu lại nợ chủ yếu vẫn do TCTD được ủy quyền thực hiện. Việc ký kết hợp tác với các nhà đầu tư/tổ chức quốc tế mặc dù đã được tiến hành nhưng công tác triển khai sau ký kết còn chậm và chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, trụ sở làm việc không tập trung, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc…
Về cơ bản, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, VAMC nhận thấy có một số quy định pháp lý cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh như thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8, Nghị quyết 42…
Các quy định pháp lý chưa rõ ràng để bảo vệ cán bộ VAMC cũng như cán bộ của tổ chức định giá khi xử lý nợ xấu theo GTTT bị lỗ do nguyên nhân khách quan. Việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá, định giá khoản nợ để xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Chính sách thuế chưa hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý TSBĐ thu hồi nợ xấu; chưa có chính sách khuyến khích khách hàng vay/bên bảo đảm tự nguyện bàn giao tài sản cho VAMC/TCTD để xử lý thu hồi nợ. Công tác khởi kiện, thi hành án của VAMC còn gặp khó khăn, vướng mắc. Công tác cưỡng chế, phối kết hợp của các bên liên quan (tòa án, thi hành án, công an, chính quyền địa phương…) còn nhiều hạn chế.
Kế hoạch năm 2020 được đặt ra đầu năm khá “nặng” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ông có thể cho biết giải pháp về mua, bán và xử lý nợ xấu sẽ được VAMC tổ chức thực hiện là gì?
VAMC dự kiến các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cụ thể 2020 như sau: Về hoạt động mua nợ xấu của các TCTD bằng TPĐB, VAMC thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3% với phạm vi và số lượng nợ xấu theo quyết định của NHNN, dự kiến tối đa 15.000 tỷ đồng tổng mệnh giá TPĐB phát hành. Về hoạt động mua nợ xấu của các TCTD theo GTTT, VAMC dự kiến mua nợ theo GTTT đạt 5.000 tỷ đồng giá mua nợ. Xử lý nợ xấu đạt 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc.
Ngoài ra, VAMC đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác danh sách các khoản nợ đã mua bằng TPĐB, các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại TCTD, triển khai làm việc với các TCTD và đối tác, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để có cơ sở đề xuất VAMC thực hiện mua khoản nợ theo GTTT.
Tổ chức tiếp xúc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp cận danh mục, hồ sơ pháp lý các khoản nợ xấu, TSBĐ để giới thiệu và chào bán các khoản nợ/TSBĐ phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh công tác xử lý và thu hồi nợ; tiếp tục triển khai bán đấu giá, chào giá cạnh tranh, bán thỏa thuận các khoản nợ và TSBĐ để thu hồi nợ.
Theo dõi, đôn đốc các TCTD thu nợ, xử lý TSBĐ mà VAMC đã ủy quyền; tiếp tục hỗ trợ các TCTD và bám sát quá trình khởi kiện, thi hành án đối với các khoản nợ đã ủy quyền cho TCTD thực hiện để xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ; phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xử lý các trường hợp thi hành án kéo dài.
Tích cực đôn đốc, làm việc với khách hàng để yêu cầu, đôn đốc khách hàng trả nợ; phối hợp với các TCTD thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu.
Vậy còn vấn đề phát triển thị trường mua bán nợ?
VAMC vẫn đang xúc tiến việc thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản; tổ chức thực hiện các hoạt động của Sàn giao dịch nợ; xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư và tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung.
Chủ động tìm kiếm và mở rộng đối tác, các nhà đầu tư để thực hiện tư vấn, môi giới mua, bán nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ trên cơ sở danh mục nợ xấu đã mua được phân loại. Kịp thời công khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu: công bố danh mục TSBĐ do VAMC đang quản lý, đăng thông báo bán đấu giá tài sản/khoản nợ, đăng thông báo thu giữ TSBĐ... lên cổng thông tin của VAMC (www.sbvamc.vn).
Theo ông, VAMC cần phải tăng cường nguồn lực hơn nữa?
Đúng vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn thiện bộ máy hoạt động theo Đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC đã được NHNN phê duyệt nhằm thực hiện có hiệu quả công tác mua, bán và xử lý nợ xấu, đồng thời phát triển đầy đủ các nghiệp vụ sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Đồng thời với đó, tăng cường nguồn lực cho các ban/đơn vị thuộc VAMC để nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là tăng cường nguồn lực về tài chính và con người cho Chi nhánh TP.HCM nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động mua bán và xử lý nợ tại khu vực phía Nam.
Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, nhân viên trong nghiệp vụ mua nợ theo GTTT, xử lý nợ, triển khai các nghiệp vụ mới như bảo lãnh, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay... Cải cách chế độ tiền lương và khen thưởng theo hướng khuyến khích người lao động nhằm tăng năng suất và nâng cao hiệu quả công việc. Phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác xử lý nợ, phát triển các dự án hỗ trợ kỹ thuật, qua đó triển khai áp dụng phù hợp với thực tế hoạt động tại Việt Nam.
Tiếp tục trình NHNN đề nghị giải ngân số tiền vốn điều lệ được cấp bổ sung theo Quyết định 1699/QĐ-TTg ngày 27/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao năng lực tài chính cho VAMC để triển khai việc mua nợ xấu theo GTTT có hiệu quả.
Đặc biệt, hoàn thiện các quy chế nội bộ của VAMC phù hợp với các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu và các văn bản pháp luật có liên quan để triển khai nhanh và có hiệu quả hoạt động mua và xử lý nợ tại VAMC. Thường xuyên cập nhật, rà soát, phát hiện, kiến nghị NHNN, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho hoạt động xử lý nợ an toàn, hiệu quả.