VAMC muốn tự bán nợ, nghe chừng khó thông

VAMC muốn tự bán nợ, nghe chừng khó thông

(ĐTCK) Từ cuối năm ngoái, VAMC đã bắt đầu mua nợ từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu trên con đường xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Phần quan trọng là sau khi mua nợ, VAMC sẽ phải xử lý chúng như thế nào?

Việc xử lý nợ liên quan chặt chẽ tới tài sản bảo đảm, do đó, một văn bản hướng dẫn đảm bảo cơ sở pháp lý cho VAMC có thể bán các tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo để sớm được ban hành.

Tại cuộc Tọa đàm để lấy ý kiến cho dự thảo thông tư này vừa được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 27/2, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), đơn vị được giao soạn thảo dự thảo thông tư cho hay, mục đích của văn bản là nhằm tạo cơ sở pháp lý, đáp ứng đặc thù trong việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC, đồng thời tạo điều kiện cho VAMC bán tài sản nhanh chóng, thuận tiện với giá tốt nhất có thể. Với mục tiêu đó, dự thảo quy định, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã được VAMC mua sẽ được xử lý theo thỏa thuận của các bên. Nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá.

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn về việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC, Công ty sẽ được tự bán các tài sản bảo đảm dưới 10 tỷ đồng. Với tài sản có giá trị trên 10 tỷ đồng, VAMC sẽ phải lựa chọn các đơn vị bán đấu giá chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, dự thảo quy định như vậy là xuất phát từ thực tiễn: đa phần nợ mà VAMC đã mua đều có giá trị trên 10 tỷ đồng.

Nhóm các đại diện của các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp cho rằng, quy định như vậy không phù hợp với Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Hiện nay, các tài sản thi hành án, tài sản tịch thu sung công quỹ… đều phải tổ chức bán đấu giá qua các công ty đấu giá chuyên nghiệp, kể cả tài sản chỉ có 10 triệu đồng.

Do đó, theo Luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc CTCP Đấu giá số 5, cần phải đấu giá tất cả tài sản bảo đảm của VAMC chứ không chỉ là tài sản trên 10 tỷ đồng. Một số ý kiến khác cũng ủng hộ quan điểm này và cho rằng, trong trường hợp không bán được hoặc không có công ty đấu giá nào nhận bán thì VAMC mới tự tổ chức bán đấu giá.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho rằng, không nên đưa ra điều kiện về tài sản đấu giá. Theo bà Bích, xây dựng thông tư này là để VAMC bán đấu giá thuận tiện, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Do đó, không nên đưa thêm điều kiện ràng buộc, mang tính chất hành chính. “Nên để cho VAMC được quyền tự lựa chọn thực hiện bán đấu giá theo 2 phương thức, tự bán hoặc là thuê các tổ chức đấu giá” - bà Bích nói.

Đây cũng là kiến nghị của đại diện VAMC có mặt tại cuộc Tọa đàm. Theo đó, đại diện của Công ty cho biết, nếu quy định VAMC  chỉ được tự bán các tài sản có giá gốc dưới 10 tỷ đồng thì có thể trong năm 2014 này, dù có bộ máy chuyên nghiệp để bán đấu giá, Công ty cũng không thể thực hiện được. Nguyên nhân là vì những tài sản trước mắt VAMC muốn xử lý đều trên 10 tỷ đồng.

Tương tự, một số đại diện ngân hàng có mặt tại buổi tọa đàm như MBBank, Agribank… đề xuất Tổ soạn thảo nên cân nhắc để cho VAMC tự lựa chọn cách thức bán tài sản. Quan trọng là đưa ra khung pháp lý cho việc VAMC tự bán đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch.  Nếu VAMC không thể đáp ứng các chuẩn này, thì dù có cho tự bán đấu giá thì VAMC vẫn phải thuê ngoài. Ngược lại, có chuẩn tốt, và VAMC đáp ứng chuẩn này thì chẳng có lý do gì buộc VAMC phải thuê ngoài.

Hơn nữa, theo đại diện MBBank, VAMC mua lại khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tức là thế quyền cho các ngân hàng, bởi vậy, VAMC cần có các quyền như tổ chức tín dụng khi xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm. Vả lại, nếu là nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt thì vẫn còn liên quan đến tổ chức tín dụng, do đó, nên để VAMC được tự lựa chọn hình thức xử lý tài sản bảo đảm.

Bên cạnh nội dụng này, nhiều vấn đề khác cũng nhận được góp ý từ các đại diện tổ chức liên quan. Chẳng hạn như trong trường hợp bán đấu giá qua công ty đấu giá chuyên nghiệp thì cần xây dựng tiêu chí để VAMC lựa chọn tổ chức đấu giá. Hay quy định VAMC tự bán đấu giá không cần đấu giá viên trái với Nghị định 17 về bán đấu giá tài sản. Quy định về xác định giá tài sản, quan trọng nhất là giá hấp dẫn để có nhiều người mua, từ đó mới đẩy giá hàng hóa lên. Nếu xác định giá chuẩn thì không cần phải đấu giá. Ngoài ra, cần có quy định về hạ giá hàng hóa, nếu bán không được, có hạ giá không? Hạ giá lần 1, lần 2, các bước giá như thế nào?

Có thể thấy, còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện hơn trong dự thảo thông tư này để tạo một hàng lang pháp lý thông thoáng, giúp VAMC xử lý khối tài sản bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả.                   

Tin bài liên quan