Vai trò của thỏa thuận cổ đông

Vai trò của thỏa thuận cổ đông

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Trong hoạt động quản trị của các doanh nghiệp hiện nay, cụm từ “thỏa thuận cổ đông” ngày càng được nhắc đến nhiều, mặc dù đây không phải là một thuật ngữ pháp lý và cũng không hề được quy định trong các đạo luật liên quan đến doanh nghiệp.

Chính vì vậy, những vấn đề liên quan đến thỏa thuận này, đặc biệt là khả năng áp dụng của thỏa thuận cổ đông luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư, những cổ đông trong công ty.

Thỏa thuận cổ đông không phải là một hồ sơ pháp lý bắt buộc phải có trong doanh nghiệp

Hiện nay, có nhiều luồng quan điểm khác nhau về cách hiểu như thế nào được gọi là thỏa thuận cổ đông. Theo nghĩa thông thường, thỏa thuận cổ đông trước tiên là thỏa thuận được thiết lập giữa các cổ đông trong công ty với nhau, đó có thể là thỏa thuận bao hàm tất cả các cổ đông của công ty hoặc chỉ gồm những cổ đông nhất định.

Đó cũng có thể là thỏa thuận giữa những người dự định cùng nhau thành lập công ty, hoặc thỏa thuận giữa người dự định mua cổ phần để trở thành cổ đông của công ty và những người đang là cổ đông hiện hữu.

Đầu tiên, ở chặng khởi sự để tạo lập một doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ để nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Hồ sơ này bao gồm nhiều văn bản bắt buộc như giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty, danh sách cổ đông sáng lập,… nhưng tuyệt nhiên không hề nhắc đến thỏa thuận cổ đông. Trong các văn bản pháp luật trong lĩnh vực doanh nghiệp hiện nay cũng không hề quy định về tính bắt buộc của loại văn bản này.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng thỏa thuận cổ đông không phải là loại văn bản bắt buộc phải có trong một doanh nghiệp, mà sự tồn tại của thỏa thuận này phát sinh phụ thuộc vào nhu cầu của các nhà sáng lập, các cổ đông trong công ty.

Nhu cầu thiết lập thỏa thuận cổ đông ngày càng nhiều

Như đã trình bày ở trên, mặc dù không phải là một loại văn bản bắt buộc trong việc quản trị công ty, nhưng xuất phát từ những ưu điểm của loại thỏa thuận này, mà ngày càng có nhiều nhà đầu tư, cổ đông có nhu cầu thiết lập thỏa thuận cổ đông. Đầu tiên phải kể đến là tính bảo mật của thỏa thuận cổ đông và khả năng sử dụng thỏa thuận này để quy định những vấn đề về cách ứng xử, hành động của các bên trong việc thực hiện quyền của cổ đông, cách giải quyết những tình huống bế tắc trong quản trị công ty.

Nếu Điều lệ được coi như là một bản Hiến pháp của doanh nghiệp và doanh nghiệp có nghĩa vụ phải công khai rộng rãi nội dung Điều lệ, thì thỏa thuận cổ đông lại thường mang tính bảo mật cao, chỉ những bên tham gia thỏa thuận mới tiếp cận được nội dung của thỏa thuận này. Do đó, sẽ không tác động đến bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp, khi những nhà đầu tư bên ngoài nhìn vào, xem xét để quyết định vấn đề đầu tư vốn vào doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự cần thiết của thỏa thuận cổ đông còn đến từ khả năng cung cấp cho các cổ đông một công cụ để giải quyết bế tắc trong hoạt động quản trị công ty, giúp bảo lưu một số quyền đặc biệt hoặc vì mục đích hợp tác lâu dài. Chẳng hạn khi cổ đông A bỏ vốn vào công ty (chiếm 20% vốn điều lệ) nhưng chỉ muốn làm nhà đầu tư tài chính đơn thuần và giữ vững được tỷ lệ vốn điều lệ mà họ chiếm giữ.

Họ sẽ ký kết với các cổ đông còn lại một thỏa thuận, yêu cầu các cổ đông khi bỏ phiếu tán thành việc phát hành thêm cổ phần đều phải bảo đảm nguyên tắc cổ đông A phải được mua thêm số lượng cổ phần tương ứng, để luôn giữ được tỷ lệ % vốn điều lệ đang nắm giữ là 20%. Đồng thời, yêu cầu công ty cam kết trong vòng 01 năm kể từ ngày cổ đông A gia nhập, công ty phải thông qua quyết định niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán để tăng tính thanh khoản cho cổ phần, cổ đông A có thể dễ dàng bán các cổ phần này khi muốn rút vốn đầu tư khỏi công ty.

Hoặc khi hùn vốn thành lập công ty cổ phần giữa 03 cổ đông sáng lập (B, C và D), một bên có lợi thế về công nghệ, hai bên còn lại có lợi thế về vốn, lần lượt chiếm tỷ lệ 10%, 15% và 75% vốn điều lệ. Với tỷ lệ vốn chiếm 75%, theo quy định pháp luật doanh nghiệp hiện nay, quyền quản trị công ty gần như nằm hoàn toàn trong tay cổ đông D.

Còn cổ đông B, C sẽ nằm ở vị trí bị động. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo để thành lập công ty, cổ đông B chỉ chấp nhận đóng góp công nghệ nếu B được quyền phủ quyết quyết định của D trong một số trường hợp nhất định. Trong tình huống này, rõ ràng đây là vấn đề không thể quy định trong Điều lệ, nhưng có thể được giải quyết thông qua thỏa thuận cổ đông. Các bên có thể thiết lập thỏa thuận cổ đông để ghi nhận về quyền phủ quyết của cổ đông B.

Chế tài ràng buộc nghĩa vụ tuân thủ Thỏa thuận cổ đông

Thỏa thuận cổ đông với bản chất là một hợp đồng giữa các bên, ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Vì vậy, khi một bên vi phạm thỏa thuận này, đương nhiên sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm cho những tổn thất, thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.

Tuy nhiên, để tăng cường sự tuân thủ của các bên tham gia thỏa thuận cổ đông, và tạo ra sức mạnh răn đe cho những cổ đông có ý định vi phạm, thì một phần không thể thiếu khi thiết lập thỏa thuận cổ đông chính là nội dung về chế tài, phạt vi phạm, cơ chế bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm xảy ra.

Ví dụ, các bên có thể thỏa thuận rằng, khi một bên vi phạm các cam kết trong thỏa thuận cổ đông, các cổ đông còn lại sẽ có quyền mua lại cổ phần của cổ đông bị vi phạm theo mức giá ấn định trước hoặc theo mức giá do tổ chức thẩm định giá cụ thể xác định. Đây cũng là một dạng thỏa thuận cho phép các bên giải quyết những tình huống bế tắc, xung đột trong quản trị công ty.

Nếu lường trước và có thỏa thuận về những chế tài cụ thể, thì việc xử lý hành vi vi phạm thỏa thuận của cổ đông không phải là khó khăn. Thậm chí các bên cũng nên có thỏa thuận rằng các tranh chấp liên quan đến thỏa thuận cổ đông sẽ được giải quyết bằng cơ quan tài phán là trọng tài, nhằm bảo đảm tính bảo mật của thỏa thuận.

Nhìn chung, nội dung của thỏa thuận cổ đông rất phong phú và đa dạng, có thể coi thỏa thuận cổ đông như một bản tập hợp các cam kết giữa các bên về cách hành xử, hành động trong hoạt động quản trị công ty, cung cấp những giải pháp cho các bên trong những tình huống bế tắc, hoặc khi muốn thiết lập những quy định đặc biệt mà không tồn tại trong Điều lệ, không muốn công khai với bên ngoài. Chính từ những lợi ích này mà nhu cầu thiết lập thỏa thuận cổ đông đang trở nên ngày càng phổ biến.

Tin bài liên quan