Tính tới nay, kịch bản hồi phục theo hình chữ V (V shape) dần bớt được tin tưởng, thay vào đó, kịch bản hình chữ U nhiều khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, với việc tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiềm chế, còn một số kịch bản tiêu cực khác được đưa ra.
“Đang tồn tại mối quan hệ phức tạp giữa diễn biến của dịch bệnh, hiệu quả của phương pháp phòng chống và các chính sách hỗ trợ kinh tế, cũng như cách phản ứng của các lĩnh vực. Với việc chưa thể xác định diễn biến của dịch, mọi kịch bản đưa ra đều có thể xảy ra”, Bruce Kasman, nhà kinh tế tại JPMorgan Chase & Co chia sẻ.
Dưới đây là một số kịch bản kinh tế nổi trội đang được các cá nhân/tổ chức kinh tế hàng đầu công bố.
Đồ thị chữ V
Trong kịch bản này, dịch Covid19 tại châu Âu và Mỹ sẽ chấm dứt vào tháng 4 hoặc tháng 5, nhờ vậy, các yêu cầu giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Điều này “mở cửa” cho nhu cầu chi tiêu và đầu tư, nhất là khi hàng loạt gói hỗ trợ khủng được công bố và đã bắt đầu triển khai.
Các nhà máy, ngành dịch vụ có thể mở cửa trở lại và nhanh chóng vào guồng. Nỗ lực của chính phủ trong việc giúp doanh nghiệp không phải sa thải nhân viên phát huy hiệu quả và tỷ lệ thất nghiệp ở mức chấp nhận được.
Nền kinh tế có thể quay trở lại mức trước khi đại dịch diễn ra vào khoảng đầu năm 2021.
Hoạt động sản xuất nhanh chóng phục hồi sau khi dịch kết thúc
Việc chỉ số PMI tại Trung Quốc trong tháng 3 thể hiện dấu hiệu mở rộng sản xuất là tín hiệu mạnh mẽ nhất ủng hộ kịch bản này, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chính là cỗ máy tạo động lực cho sản xuất – kinh doanh trên toàn cầu.
Đồ thị chữ U
Dịch bệnh kéo dài tới tháng 6 và các quy định cách ly, hạn chế tiếp xúc cũng được áp dụng trong khoảng thời gian tương ứng. Ngay cả khi có các gói hỗ trợ từ chính phủ và ngân hàng trung ương, người tiêu dùng cũng không vội vã quay trở lại nhịp chi tiêu như bình thường. Nguyên nhân bởi các nhà máy, doanh nghiệp cần thêm thời gian để hoạt động hết công suất, đồng nghĩa với việc một số việc làm mất đi trong khủng hoảng chưa thể trở lại.
Người dân có thể mất việc, hoặc gặp khó khăn hơn trong việc trả các khoản nợ, nhất là khi khối nợ có thể tăng lên trong thời gian khủng hoảng. Trong bối cảnh này, hoạt động thương mại sẽ duy trì trầm lắng thêm một thời gian.
Trong kịch bản này, nền kinh tế khó có thể phục hồi lại mức trước khi khủng hoảng xảy ra vào cuối năm 2020 hay xa hơn chút nữa.
Nền kinh tế cần nhiều thời gian hơn để hồi phục
Dựa vào các số liệu theo dõi hoạt động tại Trung QUốc, cũng như tác động của dịch Covid19 tới nền kinh tế Hàn Quốc và cả khu vực châu Á, Chong Hoon Park, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại Standard Chartered Bank Korea Ltd nghiêng về kịch bản hình chữ U, thay vì chữ V.
“Tôi cho rằng việc kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ kéo lùi mọi thứ. Tôi không lạc quan với việc sẽ chứng kiến nền kinh tế khởi sắc nhanh chóng, nhất là với những dấu hiệu chưa rõ ràng tại Trung Quốc”, Chong Hoon Park cho biết.
Đồ thị chữ L
Dịch Covid19 kéo dài tới nửa sau của năm 2020, khiến các quy định cách ly xã hội kéo dài qua tháng 6. Ngay cả khi dịch bệnh dần “mờ nhạt” trước mùa hè, vẫn có khả năng khủng hoảng kinh tế kéo dài hơn những nhận định được đưa ra.
Trong kịch bản này, người tiêu dùng tiếp tục cắt giảm chi tiêu, không đi nghỉ mát. Các khối nợ có từ trước khi khủng hoảng xảy ra nhiều khả năng không thể trả được, dẫn tới việc vỡ nợ tín dụng cá nhân cũng như doanh nghiệp, đe doạ hoạt động của hệ thống tài chính. Thị trường chứng khoán không thể thành công để xanh trở lại.
Trong bối cảnh này, chính phủ các quốc gia phải tung thêm các gói hỗ trợ, sau khi các chương trình trước đó thất bại trong việc kích thích nhu cầu. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian hơn nữa để bắt đầu nhìn thấy hiệu quả.
Đồ thị chữ L là kịch bản xấu nhất có thể diễn ra với kinh tế Mỹ
Tại Nomura Holdings, các nhà kinh tế dẫn đầu bởi Rob Subbaraman cho rằng, đồ thị chữ L là kịch bản xấu nhất có thể diễn ra với kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Erik Britton, nhà kinh tế tại Fathom Consulting cho rằng, nếu dịch Covid19 kéo dài, việc các nền kinh tế phải vất vả trong thời gian dài hơn là khó tránh khỏi.
Đồ thị chữ W
Dịch bệnh Covid19 sau khi trầm lắng bùng phát trở lại. Viện nghiên cứu tại Imperial College (London) đã lên tiếng cnarh báo, nếu các nỗ lực kiểm soát đại dịch không được duy trì và đảm bảo lâu dài, virut có thể bùng phát trở lại, thậm chí còn mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các lệnh cách ly, phong toả được tái áp dụng, các công xưởng đóng cửa một lần nữa. Kết quả là đà hồi phục lại lắc lư, quay trở lại thời gian khủng hoảng.
Không loại trừ khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại
“Rủi ro chính trong việc xác định kịch bản của chúng tôi là khả năng virut quay trở lại trong quý III. Từ góc nhìn kinhtees, điều này có thể tạo ra 2 đáy trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay”, Keith Wade, nhà kinh tế trưởng tại Schroder Investment Management Ltd cho biết.