Giữa tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Đức Thuận (trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Lý do là ông này đã có hành vi thao túng thị trường đối với cổ phiếu DST (của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long, tiền thân của Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục Nam Định).
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc xử phạt dựa trên căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra và xác minh của cơ quan công an. Với hành vi trên, ông Thuận bị xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền thu lợi bất chính 3,3 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, đây là vụ xử phạt thao túng chứng khoán có giá trị lớn nhất. Rải rác trong khoảng thời gian này, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính.
Trong đó, có vụ 3 cá nhân thao túng cổ phiếu CEN, DTL, DS3 chịu mức phạt chung là 550 triệu đồng. Tuy nhiên, đây không phải là khoản phạt có giá trị lớn nhất từ trước tới nay.
Trước đó, hồi năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng ra quyết định xử phạt bà Đỗ Thị Cẩm Thúy số tiền gần 10 tỷ đồng do sử dụng 28 tài khoản tại 4 công ty chứng khoán để thao túng cổ phiếu SPI (của Công ty cổ phần SPI).
Lý do xử phạt với ông Thuận trong thông báo của cơ quan quản lý khá ngắn gọn, nhưng theo chia sẻ của một đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hành vi vi phạm của ông này diễn ra và kết thúc trước năm 2018.
Ông Thuận đã tạo nhiều tài khoản để tạo cung - cầu giả tạo nhằm thao túng giá chứng khoán.
Cổ phiếu DST niêm yết vào ngày 16/10/2007 với giá đóng cửa phiên đầu tiên 78.000 đồng/cổ phiếu, sau đó liên tục đi xuống, có thời điểm xuống còn 900 đồng/cổ phiếu.
Quy mô doanh nghiệp nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp, không có yếu tố đột biến là lý do cho đà rơi của cổ phiếu.
Tuy nhiên, cổ phiếu này là một trong những địa chỉ của giới “đầu cơ”, “lướt sóng”, khi thi thoảng lại xuất hiện một sóng tăng mạnh trước khi rớt sâu trở lại.
Thao túng giá cổ phiếu là một trong những vấn đề nhức nhối trên thị trường chứng khoán vẫn còn non trẻ như Việt Nam hiện nay.
Có rất nhiều nghi vấn về những bàn tay đứng sau đạo diễn trong những đợt tăng giá bất thường của cổ phiếu A, cổ phiếu B khi không đi kèm bất cứ thông tin tích cực thực sự nào từ doanh nghiệp.
Nhìn lại một số vụ việc thao túng giá chứng khoán bị truy cứu hình sự thời gian qua cho thấy, mức độ và tính chất vi phạm rất tinh vi và phức tạp.
Điều mà giới đầu tư mong mỏi hiện nay là cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.
Các chế tài xử phạt cũng cần mạnh hơn, quyết định được ban hành kịp thời hơn, thay vì sau 1-2 năm diễn ra hành vi vi phạm để tăng tính răn đe.
Tại các thị trường phát triển như Mỹ, các cá nhân và tổ chức có hành vi giao dịch nội gián có thể chịu mức phạt lên tới 20 năm tù giam và phạt tiền khoảng 25 triệu USD.
Cụ thể, với cá nhân liên quan, phạt tối đa 5 triệu USD; với tổ chức liên quan phạt tối đa 25 triệu USD. Còn tại Hồng Kông, mức phạt đối với hành vi giao dịch nội gián là 10 triệu HKD (tương đương gần 30 tỷ đồng) và phạt tù đến 10 năm.
Trong nỗ lực tăng cải thiện tính minh bạch của thị trường chứng khoán trong nước, bảo vệ nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tăng cường công tác thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính.
Số tiền phạt vi phạm hành chính năm 2019 là 29 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2018 (gần 20 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm, tổng số tiền xử phạt là 8 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đang xin ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, với việc bổ sung nhiều hình thức xử phạt mạnh tay hơn.