Báo Đầu tư Chứng khoán số 80, ra ngày 4/7 đã phản ánh về những vướng mắc trong việc đưa quy định nới room tại Nghị định 60/2015 vào cuộc sống. Bài viết cũng phản ánh kiến nghị, đề xuất của các thành viên thị trường rằng UBCK, Bộ Tài chính cần tranh thủ cơ hội Chính phủ phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh (bao gồm điều chỉnh một số quy định của Luật Đầu tư theo hướng tạo thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư - PV) và trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp tháng 10/2016, để đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc cho quy định nới room.
Phản hồi về mong đợi trên của giới đầu tư, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng phương án gỡ khó cho áp dụng quy định nới room trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư. Qua đó, cải thiện khả năng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cho thị trường chứng khoán thời gian tới. Trong đó, UBCK sẽ bàn thảo, đề xuất làm rõ tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán Việt Nam xung quanh mốc 51% như quy định của Luật Đầu tư, để trên cơ sở đó định danh và áp dụng các hình thức đối xử là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.
Từ góc nhìn của UBCK, ông Sơn cho biết, thời gian qua, việc triển khai quy định nới room tại Nghị định 60/2015 có bộc lộ vướng mắc. Tuy nhiên, các bất cập phát sinh không phải hoàn toàn do quy định pháp lý, mà còn vì doanh nghiệp có muốn nới room hay không, bởi quy định pháp lý đã trao quyền này cho họ.
“Việc doanh nghiệp có đi đến quyết định nới room hay không là do các cổ đông quyết định tại cuộc họp đại hội cổ đông. Có nghĩa là doanh nghiệp ở thế chủ động trong nới room…”, ông Sơn nhìn nhận.
Thời gian qua, việc gỡ khó cho nới room diễn ra chậm trễ, lúng túng, bởi nhà quản lý có sự phân vân trong lựa chọn sửa đổi nội dung này tại văn bản pháp lý nào cho chặt chẽ, khả thi và đạt hiệu quả tốt khi đưa vào áp dụng. UBCK từng đề xuất bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, đến nay, nội dung này lại đang được cân nhắc bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận, việc tháo gỡ bế tắc cho triển khai quy định nới room không khó xét về mặt kỹ thuật xây dựng quy định pháp lý, mà vấn đề là các cấp quản lý có thực sự muốn tháo gỡ hay không, có thống nhất được với nhau về cách thức gỡ vướng hay không. Vì chỉ cần bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh (điều chỉnh Luật Đầu tư - PV) một câu là gỡ được. Đó là: khi đầu tư, giao dịch trên thị trường chứng khoán, công ty niêm yết, công ty đại chúng đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài (không hạn chế tỷ lệ sở hữu, có thể đến tối đa 100%) thực hiện thủ tục đầu tư, giao dịch theo quy định của pháp luật chứng khoán đối với nhà đầu tư trong nước.
Trong bối cảnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang đặc biệt dồn tâm sức cho chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó trọng tâm là rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật; ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… đúng tiến độ, giới đầu tư kỳ vọng, Thủ tướng sẽ dành sự quan tâm thỏa đáng đến chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thực thi quy định nới room. Qua đó, tạo bước chuyển lớn trong huy động dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai gần.