Ưu đãi sau cổ phần hóa: Tiền lệ không nên có

Ưu đãi sau cổ phần hóa: Tiền lệ không nên có

(ĐTCK) Câu chuyện một số doanh nghiệp sắp cổ phần hóa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ chủ quản đề nghị cho phép hưởng ưu đãi sau cổ phần hóa đang được dư luận quan tâm.

Một trong những kiến nghị đáng chú ý là cho phép họ được giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần khi thực hiện cổ phần hóa để bổ sung vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh. 

Theo quy định, thặng dư cổ phần hóa phải được chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp là thành viên của các tập đoàn, tổng công ty, tiền chuyển về quỹ do tập đoàn, tổng công ty quản lý. Nếu doanh nghiệp là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty, tiền chuyển về Quỹ do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Đây không phải lần đầu doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế trên.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp như Vietinbank, PVFC (nay là PVcomBank), VCB, PVGas, cũng từng đề xuất xin giữ lại thặng dư cổ phần hóa để sử dụng trong doanh nghiệp. Có doanh nghiệp được giữ lại nhưng có doanh nghiệp phải nộp trả thặng dư. Đơn cử, tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp thành viên được giữ lại thặng dư cổ phần hóa để tiếp tục đầu tư tại doanh nghiệp. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng và gây băn khoăn cho nhiều nhà đầu tư trên thị trường.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu chấp nhận cho doanh nghiệp hưởng đặc quyền như đề xuất, đồng nghĩa với việc triệt tiêu hoặc làm giảm động lực để doanh nghiệp đổi mới sau cổ phần hóa. Bản chất của quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước là thay đổi phương thức quản trị, điều hành nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, chứ không thể tiếp tục trao cho doanh nghiệp “cái ô” ưu đãi như khi là doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều chuyên gia khác quan tâm đến khía cạnh phân chia quyền lợi sau khi doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần. Khi là doanh nghiệp nhà nước, lợi nhuận thuộc về Nhà nước, nhưng sau khi hoạt động theo mô hình cổ phần, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được chia cho các cổ đông theo tỷ lệ sở hữu tương ứng tại doanh nghiệp. Trao cho doanh nghiệp một cơ chế ưu đãi đặc biệt, vốn là nguồn lực của quốc gia, trong khi quyền lợi chảy vào túi một nhóm rất ít nhà đầu tư là không công bằng.

Chuyện của PVGas là một ví dụ. Lợi nhuận khủng của doanh nghiệp này có được phần lớn đến từ lợi thế độc quyền (PVGas được mua khí đầu vào với giá thấp, bán giá cao ra thị trường), dĩ nhiên, cổ đông của GAS được lợi.

Hiện Nhà nước vẫn sở hữu 97% vốn tại PVGas, bản thân doanh nghiệp này đang muốn giảm vốn Nhà nước tại đây bằng cách Nhà nước bán bớt 20% vốn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi bán bớt vốn tại doanh nghiệp, cần làm rõ sự độc quyền mang lại lợi ích cho PVGas ra sao để có ứng xử thích hợp, bởi nếu không cân nhắc kỹ, lợi thế quốc gia có thể chảy vào túi một nhóm nhỏ nhà đầu tư.

Sẽ có nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn như MobiFone, Vinatex, Lilama, Vicem… cổ phần hóa. Nếu doanh nghiệp nào cũng đề xuất cơ chế ưu đãi, Chính phủ sẽ giải quyết ra sao, khi đó mục tiêu tạo sân chơi bình đẳng, tạo sức ép để doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi hoạt động liệu có thể thực hiện?

Tin bài liên quan