Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị lên UPCoM có cơ cấu cổ đông cô đặc.

Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị lên UPCoM có cơ cấu cổ đông cô đặc.

UPCoM sắp đón một loạt tân binh

(ĐTCK) Những ngày đầu năm mới 2019, thông tin về các doanh nghiệp chuẩn bị đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM liên tục được công bố. 

Trong năm 2018, thị trường UPCoM có 137 doanh nghiệp đăng ký giao dịch cổ phiếu mới và 23 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch. Tính đến ngày 31/12/2018, sàn UPCoM có 804 doanh nghiệp, với tổng khối lượng đăng ký giao dịch đạt gần 32 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch hơn 319.000 tỷ đồng.

Những ngày đầu năm 2019, UPCoM đón "tân binh" đầu tiên là 10,5 triệu cổ phiếu GLC của Công ty cổ phần Vàng Lào Cai. Đây là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực khai thác vàng tham gia thị trường chứng khoán.

Hoạt động chính của GLC là đầu tư dự án khai thác, tuyển và luyện vàng gốc tại mỏ vàng Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai. Dự án hoạt động từ tháng 9/2014, mỏ vàng đang khai thác có diện tích 112 ha với trữ lượng trên 92.670 tấn quặng vàng.

Sản phẩm của dự án là tinh quặng vàng hàm lượng (quy đổi) 82 gam Au/tấn, sản lượng tối đa được phép khai thác là 7.450 tấn/năm, tương đương với khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm, khai thác bằng phương pháp hầm lũ; tuyển, luyện quặng vàng tương ứng từ 300-500kg/năm.

Ngày 17/1 tới đây, cổ phiếu TVH của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải cũng sẽ chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 34.500 đồng/cổ phiếu. TVH là công ty thành viên trực thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam với tỷ lệ sở hữu là 49% vốn.

Ngoài các doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp mới cũng đang đợi ngày lên UPCoM sau khi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu trong những ngày đầu tháng 1/2019 như Công ty cổ phần Cấp nước Trà Nóc - Ô Môn (mã TOW), Công ty cổ phần Địa ốc Tân Bình (mã TBR), Công ty cổ phần Nhà và thương mại dầu khí (mã PBT), Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi (mã TLI), Công ty cổ phần Cấp nước và môi trường đô thị Đồng Tháp (mã DWS), Công ty cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng - SPWC (mã USD)...

UPCoM sắp đón một loạt tân binh  ảnh 1

 Một số doanh nghiệp chuẩn bị giao dịch trên UPCoM.

Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi

May Thắng Lợi đăng ký giao dịch 3 triệu cổ phiếu TLI trên UPCoM, vốn được tách ra theo ngành may của CTCP Dệt may Thắng Lợi từ năm 2007. Hiện cơ cấu cổ đông của TLI có 174 cổ đông và toàn bộ đều là cổ đông cá nhân trong nước. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra thanh khoản tốt cho cổ phiếu TLI sau khi chính thức được giao dịch. Trong đó, 3 cổ đông lớn nắm giữ tỷ lệ cao là ông Lâm Duy Sự (12,99%), Ngô Đức Hòa - Chủ tịch HĐQT (9,10%) và Phạm Uyên Nguyên (14,46%).

Trong hoạt động kinh doanh đóng góp từ thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa vào doanh thu chung của TLI là khá cân bằng. Về xuất khẩu, TLI thực hiện sản xuất các đơn hàng FOB và các đơn hàng gia công, mặt hàng chính được xuất vào thị trường châu Âu, Mỹ, Úc thông qua các khách hàng Melchers, Apparel, Blue...

Tại thị trường nội địa, các mặt hàng chính như chăn, dreap, gối, quần áo các loại được phân phối qua các hệ thống siêu thị, đại lý và bán online trên các kênh thương mại điện tử. Đến thời điểm 30/9/2018 theo sổ sách kế toán, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của TLI là 93,3 tỷ đồng (đạt 76,53% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế đạt 3,4 tỷ đồng (vượt 16% kế hoạch năm).

Với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2016 và 2017 của TLI lần lượt đạt 9,2 tỷ đồng và 7 tỷ đồng. TLI thuộc nhóm doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ, chịu sự cạnh tranh cao từ các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp FDI. 

Công ty cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng và Công ty cổ phần Cấp nước và môi trường đô thị Đồng Tháp

Hai doanh nghiệp liên quan đến môi trường đô thị trên đều đã được HNX chấp thuận cho phép đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.

Là doanh nghiệp hoạt động công ích, ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ vệ sinh môi trường, vệ sinh đường phố và thu gom rác thải; trồng cây, bảo dưỡng cây xanh bảo quản, xây dựng quản lý các công viên; quản lý và duy tu hệ thống thoát nước đô thị, lề đường; xây dựng và quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng, Công trình đô thị Sóc Trăng đăng ký giao dịch 5,6 triệu cổ phần, nhưng số lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng chiếm 42,91% vốn điều lệ, tương đương 2,4 triệu cổ phiếu. Hiện 4 cổ đông lớn của SPWC đã nắm giữ tới 85,65% vốn cổ phần.

Tháng 7/2018, SPWC đã tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với số lượng 684.000 cổ phần, giá đấu bình quân là 16.280 đồng/cổ phần. Bắt đầu hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần từ ngày 8/1/2018, đến ngày 30/9/2018, SPWC đạt 63 tỷ đồng doanh thu thuần và 3,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu của SPWC chủ yếu đến từ hoạt động công ích.

Cấp nước và môi trường đô thị Đồng Tháp cũng là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, nhưng hiện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai vẫn đang nắm giữ tới 85,59% vốn. Với việc quản lý mạng lưới cấp nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, DWS không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Tính trên vốn điều lệ 259 tỷ đồng, DWS có 2,76% cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng. Đây là số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động của DWS từ tháng 4/2017.

Doanh thu của DWS chủ yếu đến từ bán thành phẩm với tỷ trọng khoảng 70-80%, bao gồm kinh doanh nước sinh hoạt và nước đóng chai. Đứng thứ 2 là mảng cung cấp dịch vụ với các hoạt động như thu gom, vận chuyển rác, thoát nước đô thị, công viên cây xanh... Trong nửa năm 2018, doanh thu Công ty đạt 130,3 tỷ đồng, lợi nhuận ròng hơn 26,4 tỷ đồng, giá trị sổ sách đạt 11.203 đồng/cổ phần. 

Công ty cổ phần Nhà và thương mại dầu khí

Tại PBT, tuy không có chứng khoán bị hạn chế chuyển nhượng trong tổng số 15,5 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, nhưng cơ cấu cổ đông tại doanh nghiệp này cũng trong tình trạng cô đặc. Hiện tại, Công ty mẹ của PBT là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) đang nắm giữ 83,26% vốn.

Ngoài ra, cá nhân ông Nguyễn Anh Triển nắm giữ 7,28% vốn. Với việc cổ đông lớn nắm tới 90,54% vốn, tỷ lệ free-float của PBT trên sàn sẽ chẳng còn lại bao nhiêu.

Hiện PBT đang cung cấp 100% sản phẩm bao PE 3 lớp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tương lai sẽ đầu tư tăng công suất để cung cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Lợi nhuận sau thuế hàng năm giai đoạn 2016-2017 của PBT dao động quanh mức 12-13 tỷ đồng. Nửa năm 2018, PBT đạt hơn 8,8 tỷ đồng lợi nhuận. 

Công ty cổ phần Địa ốc Tân Bình

Với vốn điều lệ 80,6 tỷ đồng, Địa ốc Tân Bình đăng ký giao dịch 8,06 triệu cổ phiếu TBR trên UPCoM. Sau cổ phần hóa, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn vẫn đang nắm giữ 51% vốn TBR. Ngoài ra, công ty còn 1 cổ đông lớn khác là Công ty Tài chính cổ phần Điện lực với tỷ lệ sở hữu 5,49% vốn.

Hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản đang là lĩnh vực chủ lực của TBR, tỷ trọng đóng góp vào doanh thu ngày càng tăng, từ 67,72% năm 2016 lên 97,84% năm 2017. Điều này tiếp tục được duy trì trong năm 2018. Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng đã không còn mang lại doanh thu cho TBR từ năm 2017 đến nay.

So với các công ty trong ngành, TBR chưa có nhiều điểm vượt trội, quy mô vốn và tài sản còn khá khiêm tốn. Tuy vậy, trong 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận kết quả khá khả quan khi lợi nhuận sau thuế đạt 12,6 tỷ đồng, vượt 7,1 tỷ đồng so với lợi nhuận năm 2017.

Tin bài liên quan