Thanh khoản trên UPCoM trong tháng 8 tăng 44,5% so với tháng 7 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 9/2021.

Thanh khoản trên UPCoM trong tháng 8 tăng 44,5% so với tháng 7 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 9/2021.

UPCoM nhiều “sim tím”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần đây, thị trường UPCoM có không ít cổ phiếu tăng giá trần, một số cổ phiếu vừa chào sàn góp phần làm tăng sắc tím trên bảng điện tử.

Ba “tân binh”

Phiên 10/9/2021, sàn UPCoM có 87 cổ phiếu tăng giá trần trong tổng số 283 mã tăng giá, gấp 2,2 lần số mã giảm giá. Trong đó, giá cổ phiếu TOS của Công ty cổ phần Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) tăng thêm 15% sau khi tăng 40% trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 8/9. Cổ phiếu BCA của Công ty cổ phần B.C.H cùng chào sàn ngày 8/9, được nhiều nhà đầu tư đặt mua với giá trần, nhưng không có ai bán ra.

TOS được thành lập năm 2012, là một trong 3 đơn vị kinh doanh trụ cột thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, hiện có vốn điều lệ hiện 265 tỷ đồng. Các dịch vụ kinh doanh cốt lõi của Công ty bao gồm cung cấp tàu dịch vụ dầu khí đa năng, tàu trực và tàu bảo vệ; dịch vụ lai dắt, cứu hộ và cứu nạn; dịch vụ khảo sát ngầm; dịch vụ vận chuyển và lắp đặt.

Mục tiêu trong 5 năm tới của TOS là trở thành công ty cung cấp dịch vụ biển, cứu hộ, cứu nạn hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có văn phòng đại diện tại các nước Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Singapore. Ngoài ra, doanh nghiệp đã lên kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Năm 2020, TOS ghi nhận 1.227,6 tỷ đồng doanh thu, 159,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành lần lượt 97,01% và 105,31% kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp mang về 444 tỷ đồng doanh thu, tăng 4%; lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch cả năm 2021 của TOS là đạt 1.049 tỷ đồng doanh thu, 130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tính đến 30/6/2021, TOS có tổng tài sản 1.524 tỷ đồng. Một số khoản mục đáng chú ý trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp này là các khoản phải thu ngắn hạn 275 tỷ đồng, chiếm 18%; nợ phải trả 907 tỷ đồng, gồm vay nợ tài chính ngắn hạn 129,4 tỷ đồng, vay nợ tài chính dài hạn 523,7 tỷ đồng.

Còn BCA thành lập năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu 8 tỷ đồng, hiện đạt 190 tỷ đồng sau 3 lần tăng vốn, hoạt động chính là bán buôn kim loại và quặng kim loại, tập trung vào lĩnh vực phân phối và thương mại các sản phẩm thép.

Trong quý II/2021, BCA đạt doanh thu hơn 701 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lãi gộp của Công ty giảm còn 0,4%, do giá vốn tăng cao hơn mức tăng doanh thu. Kết quả, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 467 triệu đồng, nhưng vẫn khả quan hơn cùng kỳ (quý II/2020 lỗ 359 triệu đồng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, BCA đạt hơn 1.105 tỷ đồng doanh thu, tương đương cùng kỳ năm trước; lợi nhuận chuyển từ lỗ gần 780 triệu đồng sang lãi ròng hơn 2 tỷ đồng, nhờ tận dụng được đà tăng đột biến của giá thép và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 22%.

Năm 2021, BCA đặt mục tiêu đạt 1.200 tỷ đồng doanh thu, giảm 36% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, Công ty duy trì mục tiêu lợi nhuận xấp xỉ năm 2020 là 2 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, BCA đã đạt hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Ngày 14/9 tới, thị trường UPCoM sẽ đón thêm một “tân binh” là cổ phiếu SGI của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn 3 Group, với giá tham chiếu 30.000 đồng/cổ phiếu cho trong phiên giao dịch đầu tiên.

SGI được thành lập tháng 8/2018 với vốn điều lệ vốn điều lệ ban đầu 1 tỷ đồng. Trải qua 3 lần tăng vốn từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2021, vốn điều lệ của SGI được nâng lên 754,6 tỷ đồng.

SGI là tập đoàn đa ngành nghề, nhưng tập trung vào 3 lĩnh vực là sản xuất (may mặc), tài chính và bất động sản. Các đơn vị thành viên bao gồm SG3 Land, SG3 Capital, May Da Sài Gòn, SG3 Jean, Chứng khoán Thành Công và Bông Bạch Tuyết.

Tính tới 10/3/2021, SGI có 5 cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Quốc Việt sở hữu 20,23% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Đầu tư Hưng Phúc sở hữu 18,48% vốn điều lệ; bà Cao Thị Quỳnh Liên sở hữu 8,54% vốn điều lệ; Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội sở hữu 5,44% vốn điều lệ; ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 5,27% vốn điều lệ; 42,04% còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông nhỏ lẻ.

SGI có kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận doanh thu tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 840,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 104,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 19,5 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp tăng từ 7,9% lên 15,6%; doanh thu tài chính tăng 178,6%.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này có các khoản phải thu cho vay ngắn hạn lên tới 1.114,8 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đây là các khoản cho tổ chức và cá nhân vay với thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày cho vay, lãi suất từ 5,5 - 15%/năm, được bảo đảm bằng tài sản của bên vay.

Trong đó, ông Cao Minh Sơn vay 38,09 tỷ đồng (Công ty phải trích lập dự phòng 17,78 tỷ đồng), bà Phạm Thị Hồng vay 30,9 tỷ đồng, bà Tôn Nữ An Miên vay 41 tỷ đồng, bà Tô Mỹ Phấn vay 35 tỷ đồng, các tổ chức và cá nhân khác vay 969,8 tỷ đồng.

Điểm số và thanh khoản tăng mạnh

Trong tháng 8/2021, chỉ số UPCoM-Index tăng 7,9%, đạt 93,77 điểm; giá trị giao dịch trong đạt 38.800 tỷ đồng, tăng 44,5% so với tháng 7. Giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sôi động và mua ròng hơn 321 tỷ đồng, trái ngược với đà bán ròng trên HOSE.

Từ đầu tháng 9 đến nay, UPCoM-Index có diễn biến tăng nhẹ, ngày 10/9 đạt 95,41 điểm, tăng 1,7% so với cuối tháng 8 và thanh khoản tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, phiên 10/9 có 157,6 triệu cổ phiếu trị giá 2.330,9 tỷ đồng được chuyển nhượng, trong khi sàn HNX có 146,3 triệu cổ phiếu trị giá 2.991,6 tỷ đồng được chuyển nhượng.

Sàn UPCoM trước đây èo uột, nhưng hiện có không ít doanh nghiệp cơ bản tốt với quy mô lớn lên giao dịch và thu hút dòng tiền.

Trước đây, UPCoM thường bị coi là “sân chơi hạng 2”, nơi chủ yếu quy tụ các cổ phiếu có chất lượng không cao, hoặc các cổ phiếu bị hủy niêm yết trên HOSE, HNX, buộc phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thanh khoản èo uột và quy mô thị trường khá nhỏ so với 2 sàn niêm yết.

Nhưng hiện nay, UPCoM hiện diện không ít doanh nghiệp cơ bản tốt với quy mô lớn. Thanh khoản toàn sàn được cải thiện, dù vẫn có nhiều mã cổ phiếu có thanh khoản kém hoặc thường xuyên không có giao dịch.

Theo đó, sức nóng trên UPCoM ngày càng rõ ràng hơn. Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên cả 3 thị trường trong tháng 8 là một “tân binh” đến từ UPCoM.

Cụ thể, cổ phiếu SSH của Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes tăng 363% từ mức giá chào sàn 21.600 đồng/cổ phiếu ngày 4/8 lên 100.089 đồng/cổ phiếu ngày 31/8. Xét 30 cổ phiếu tăng mạnh nhất tháng 8, có 17 mã thuộc UPCoM, trong khi HNX góp mặt 8 mã và HOSE góp mặt 5 mã.

Với biên độ dao động giá cổ phiếu trong ngày được phép lên đến 15%, gấp đôi so với HOSE (7%) và gấp rưỡi so với HNX (10%), không ít cổ phiếu trên UPCoM biến động mạnh, mang lại cơ hội kiếm lời lớn cho nhà đầu tư, song cũng khiến nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ thua lỗ tương ứng. Trong tháng 8, 28 trong 30 cổ phiếu giảm giá mạnh thuộc sàn UPCoM.

Do đó, đầu tư cổ phiếu trên UPCoM cần có sự phân tích thận trọng về tiềm năng của doanh nghiệp, bởi yêu cầu về công bố thông tin, nhất là kết quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp “lỏng” hơn 2 sàn niêm yết.

Tất nhiên, về nguyên tắc đầu tư, đối với từng doanh nghiệp riêng lẻ, không quan trọng cổ phiếu được giao dịch trên sàn nào, miễn là đáp ứng được tiêu chí về đầu tư, đáp ứng được tiêu chí cổ phiếu tốt, chất lượng, định giá hấp dẫn, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, hoặc có sản phẩm đặc thù có khả năng mang lại kết quả kinh doanh khả quan.

Tin bài liên quan