Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) là một trong số này. Theo kế hoạch, VGT sẽ tổ chức ĐHCĐ vào ngày 30/7/2020, nhưng tới ngày 28/7 bất ngờ công bố thông tin bất thường về nghị quyết hoãn họp ĐHCĐ với lý do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Sau khi HNX ra thông báo, VGT dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ trong thời gian từ 15-18/8/2020. Tại ngày 30/7, cổ phiếu VGT đứng ở mức giá 7.100 đồng và kết thúc phiên giao dịch ngày 3/8 tăng lên 7.300 đồng.
VGT được cổ phần hóa từ năm 2015 với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, hiện Nhà nước nắm giữ 53,49% vốn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất đạt 7.060 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 276 tỷ đồng, giảm 22,15% so với cùng kỳ 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh, cho dù lợi nhuận riêng Công ty mẹ tăng 25,76%.
Tính đến 30/6/2020, VGT có tổng tài sản là 18.625 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 10.409 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 8.215 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển là 1.389 tỷ đồng.
Một “ông lớn” khác cũng nằm trong danh sách này là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, mã VSF). Đầu tháng 6/2020, VSF đã lên danh sách cổ đông, nhưng đến nay, Công ty không có bất kỳ thông báo nào về kỳ họp ĐHCĐ thường niên.
Đáng chú ý, cổ phiếu VSF vừa mới ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch từ ngày 24/7/2020. Báo cáo tài chính quý I/2020 của VSF thể hiện, doanh thu thuần đạt 2.205 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 116,9 tỷ đồng.
Công ty giải thích kết quả kinh doanh lỗ do chính sách xuất nhập khẩu gạo các nước thay đổi theo hướng tự do hóa thương mại và việc tạm ngưng xuất khẩu gạo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm sản lượng bán, tăng chi phí bảo quản lưu kho và các chi phí khác.
Không chỉ VSF, một thành viên của tổng công ty này là CTCP Tô Châu (mã TCJ) cũng bị tạm ngừng giao dịch cổ phiếu.
Trước đó, TCJ bị hạn chế giao dịch cổ phiếu từ năm 2017 do thua lỗ trong 2 năm 2017, 2018 khiến vốn chủ sở hữu bị âm, trước khi có lãi trở lại trong năm 2019.
Báo cáo thường niên năm 2019 của TCJ thể hiện, tài sản Công ty là 81 tỷ đồng, doanh thu thuần là 163 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 55 tỷ đồng. TCJ lý giải lợi nhuận tăng do điều chỉnh giảm các khoản phải trả cho Vinafood 2 sau vụ tranh chấp hợp đồng vay, bảo lãnh.
Trong thông báo mới nhất, TCJ cho biết đang hoàn thiện nội dung, hồ sơ trình xin ý kiến thông qua ĐHCĐ và lên lịch họp sau đó. Được biết, Vinafood 2 đang sở hữu 65,4% cổ phần TCJ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VSF và TCJ đều giao dịch èo uột, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch và phiên ngày 3/8 là một ví dụ. Đóng cửa phiên này, VSF đứng ở mức giá 6.500 đồng, còn TCJ là 4.000 đồng.
Ngoài những cái tên kể trên, góp mặt trong danh sách cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch còn có CTCP Lương thực Bình Định (mã BLT), CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (mã DSC), CTCP Xuất nhập khẩu Kiên Giang (mã KGM), CTCP Giày da và may mặc xuất khẩu (mã LGM), CTCP Khoáng sản Latca (mã LMC), CTCP SDP (mã SDP)…
Có thể thấy, việc các doanh nghiệp chưa tổ chức được ĐHCĐ có nguyên nhân từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp chậm trễ tổ chức ĐHCĐ cũng như công bố thông tin về đại hội không khỏi tạo nên sự e ngại cho cổ đông và nhà đầu tư.
Được biết, BLT dự kiến họp ĐHCĐ vào ngày 29/5/2020 nhưng sau đó phải tạm hoãn vì dịch bệnh. Liên hệ thì Công ty cho biết “chưa biết lịch họp mới”. Trong khi đó, tình hình kinh doanh có chiều hướng đi xuống từ 2016 đến nay, khi lãi ròng giảm dần từ mức 21,2 tỷ đồng năm 2016 về còn 4 tỷ đồng năm 2019.
Tương tự, KGM dự kiến tổ chức ĐHCĐ vào ngày 29/6/2020, sau đó tạm hoãn để có thêm thời gian chuẩn bị nội dung trình đại hội. Hiện tại, cổ đông KGM rất quan tâm đến khoản vay 1.550 tỷ đồng của Công ty. Tại ngày 31/12/2019, KGM có dư nợ 678,2 tỷ đồng trong đó vay ngắn hạn là 675,5 tỷ đồng.
Về phía cơ quan quản lý, HXN cho biết, sau khi doanh nghiệp công bố thông tin thì cổ phiếu sẽ được giao dịch bình thường. Trường hợp tiếp tục trì hoãn, HNX sẽ tiếp tục áp dụng hình thức hạn chế giao dịch.