Dù bị hủy niêm yết và đưa vào giao dịch trên UPCoM, nhiều DN vẫn liên tục vi phạm quy định

Dù bị hủy niêm yết và đưa vào giao dịch trên UPCoM, nhiều DN vẫn liên tục vi phạm quy định

UPCoM cũng thanh lọc cổ phiếu yếu

(ĐTCK) Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cuối tuần qua đã công bố danh sách 31 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên UPCoM (chỉ được giao dịch phiên chiều thứ 6 hàng tuần bắt đầu từ ngày 26/5/2016).

Lý do chính là các DN đã vi phạm quy định về công bố thông tin (CBTT), vốn chủ sở hữu - cũng chính là những nguyên nhân khiến cổ phiếu của một số DN nằm trong danh sách này phải hủy niêm yết bắt buộc.

Các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch bao gồm: AVF, BHC, BVG, DDM, DTC, DVH, GGG, FBA, HFX, HLA, HSI, ISG, LCC, LM3, NOS, NTB, PSG, PVA, PXI, PXM, S27, SCO, SSG, V11, VKP, VSG, VST, VTI, WTC, SRB, CTN.

Trong 2 nguyên nhân chính kể trên, nguyên nhân vốn chủ sở hữu không dương là khó khắc phục nhất, bởi liên quan đến hoạt động kinh doanh và phụ thuộc vào năng lực lội ngược dòng của từng DN. Chẳng hạn, HLA bị hủy niêm yết bắt buộc do tổng lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9/2014 vượt quá số vốn điều lệ thực góp vào cuối niên độ tài chính. Tình trạng này vẫn chưa được Công ty khắc phục.

Mới đây, HLA công bố BCTC quý II niên độ tài chính năm 2015 - 2016, với khoản lỗ 137 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên mức 1.282 tỷ đồng, âm vốn 793 tỷ đồng. Với bài toán khó về tình hình tài chính, các khoản nợ quá hạn khiến Công ty phải chi trả thêm mức lãi suất quá hạn, nhiều khả năng cổ phiếu HLA sẽ nằm trong danh sách hạn chế dài dài.

Với nguyên nhân vi phạm về CBTT (đơn giản là công bố BCTC, báo cáo kiểm toán… định kỳ), có lẽ các DN trong danh sách này không quá khó để sửa chữa, nếu thực sự “để tâm” tới vấn đề công khai, minh bạch. Đáng chú ý, trong danh sách, có không ít các cổ phiếu đã từng được niêm yết trên 2 Sở như AVF, HLA, NTB, VKP... và lý do hủy niêm yết cũng là những nguyên nhân kể trên.

Chẳng hạn, VKP từng bị hủy niêm yết bắt buộc cách đây 4 năm và tiến hành đăng ký giao dịch trên UPCoM một năm sau đó với mức giá khá khẩm hơn, từ chưa đến 1.000 đồng/CP (thời điểm hủy niêm yết) tăng lên 1.700 đồng/CP trong vòng 1 tuần quay trở lại UPCoM. Tuy nhiên, đây chỉ là hiệu ứng tăng khi cổ phiếu khi được giao dịch trở lại trong một không gian mới là UPCoM, bởi VKP hiện chỉ ở giao dịch mức 800 đồng/CP. Hiện tại, lý do VKP nằm trong danh sách bị hạn chế giao dịch là không nộp BCTC kiểm toán năm 2014, 2015.

Việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc là điều không cổ đông nào mong muốn, bởi khi đó, giá cổ phiếu sẽ rơi thê thảm, giao dịch trở nên khó khăn hơn. Năm 2015, Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ban hành, trong đó có quy định DN hủy niêm yết vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Quy định này được xem là “cửa thoát hiểm” đối với cổ đông, NĐT lỡ “ôm” phải những cổ phiếu bết bát. Tuy nhiên, cổ đông, NĐT không thể vội mừng, bởi có những DN vẫn “chây ỳ”, liên tục vi phạm các quy định khiến cổ phiếu dù đã được đưa vào giao dịch trên UPCoM vẫn tiếp tục bị HNX hạn chế giao dịch hoặc tạm ngừng giao dịch. Đơn cử như trong danh sách trên, có 3 DN đã không nộp BCTC kiểm toán năm 2014, 2015 và không loại trừ khả năng năm 2016 cũng sẽ như vậy.

Gần đây nhất là trường hợp 2 cổ phiếu KTB và PTK bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 3/3/2016 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ CBTT. Theo quy định mới trong Nghị định 60, 2 cổ phiếu này đã được Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký chứng khoán từ thị trường niêm yết sang UPCoM (thay vì trước đây lãnh đạo công ty chủ động nộp hồ sơ đăng ký giao dịch). Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau khi giao dịch trên UPCoM, HNX đã có thông báo ngày tạm dừng giao dịch cổ phiếu KTB, PTK là vào 13/4/2016.

Nguyên nhân bởi HNX nhận thấy việc tạm ngừng giao dịch cổ phiếu KTB và PTK là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán đăng ký giao dịch bị tạm ngừng theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 9 quy chế đăng ký giao dịch. Rõ ràng, với những trường hợp như trên, cổ đông đành phải “bó tay”.

Việc cảnh báo, kiểm soát và thanh lọc những cổ phiếu không đạt tiêu chí cơ bản để niêm yết, đồng thời tạo “sân chơi” cho những DN sau khi bị hủy niêm yết trên sàn UPCoM là những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi cổ đông, NĐT.

Theo đó, danh sách bị hủy niêm yết bắt buộc và danh sách bị hạn chế giao dịch trên UPCoM không chỉ là lời cảnh báo mạnh đối với các DN, mà còn là tín hiệu nhắc nhở NĐT trong việc lựa chọn cổ phiếu. Trong đó, NĐT cần chú ý đến mức độ minh bạch trong CBTT của DN bởi đây là rủi ro lớn nhất khiến NĐT rơi vào thế bị động khi tiến hành đầu tư.

Thay vì chỉ chờ đợi ban lãnh đạo công ty tự thực hiện trách nhiệm, thiết nghĩ, đã đến lúc cổ đông, NĐT nên “tận dụng” và thực hiện quyền cổ đông mạnh mẽ hơn nữa nhằm bảo vệ tài sản của mình.  

Tin bài liên quan