UPCoM cần lời giải mới khi chạm ngưỡng 400 doanh nghiệp

UPCoM cần lời giải mới khi chạm ngưỡng 400 doanh nghiệp

(ĐTCK) Với 387 doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên UPCoM đến ngày 13/12/2016, năm 2016 trở thành dấu mốc đáng nhớ khi lượng cổ phiếu trên sàn này lần đầu vượt qua 2 sàn niêm yết. Kết quả này đã hiện thực hóa những nỗ lực của nhà quản lý trong việc thúc đẩy khối doanh nghiệp đại chúng lên sàn, bước dần ra “ánh sáng” minh bạch.

Doanh nghiệp nhộn nhịp lên sàn

Những ngày cuối năm, UPCoM vẫn “nhộn nhịp” chào đón các tân binh lên sàn. Sau 25 cái tên vừa gia nhập trong tháng 11, thị trường này dự kiến tiếp tục đón “bão” doanh nghiệp đổ bộ  trong tháng 12. Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một tổng công ty gốc Nhà nước cho biết, doanh nghiệp này vừa nộp hồ sơ đăng ký giao dịch tại UPCoM nhưng chưa biết chắc chắn ngày giao dịch đầu tiên bởi phải chờ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) “sắp lịch” khi các doanh nghiệp đang xếp hàng chờ lên sàn UPCoM.

Cả năm 2014, có 36 doanh nghiệp lên UPCoM. Năm 2015, con số này là gần 100 doanh nghiệp. Năm nay, 11 tháng, UPCoM đã đón hơn 120 doanh nghiệp lên sàn. Trong số đó, đáng chú ý là những doanh nghiệp hàng đầu như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)…

Những cái tên sắp tới có thể là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)… Điểm thu hút sự quan tâm không chỉ là bởi quy mô lớn và thương hiệu lâu năm, mà còn bởi không ít trong số các doanh nghiệp này được xếp vào nhóm “chây ì” lên sàn, đã nhiều lần thất hứa với cổ đông.

Việc bùng nổ số lượng doanh nghiệp lên UPCoM là kết quả từ quá trình chỉ đạo, đốc thúc mạnh mẽ mà Chính phủ, cơ quan quản lý thị trường trong những năm qua. Thực tế chứng minh, không động lực nào đưa các doanh nghiệp đại chúng lên sàn mạnh hơn các quy định, chế tài xử phạt mạnh tay của nhà quản lý.

Được định hình là thị trường giao dịch tập trung cho doanh nghiệp đại chúng và là sàn tập dượt trước khi niêm yết, sau 7 năm đi vào hoạt động, UPCoM đã được hỗ trợ, điều chỉnh hoàn thiện bởi trên dưới 10 văn bản pháp quy khác nhau. Nhìn chung, những văn bản này chủ yếu hướng đến việc tạo nguồn hàng hóa dồi dào cho thị trường, cụ thể là “thúc ép” các doanh nghiệp sau đại chúng hóa phải đăng ký giao dịch tại UPCoM.

Trên thực tế, giai đoạn đầu, mục tiêu này không dễ dàng đạt được. Do đó, từ năm 2014, các chính sách của nhà quản lý bắt đầu được đẩy mạnh theo hướng rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Với hàng loạt nghị định, thông tư… được ban hành, thời hạn buộc đưa cổ phiếu lên sàn sau cổ phần hóa đã được rút ngắn tối đa, trong khi chế tài xử phạt cũng đã có.

Bắt đầu từ Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong thời hạn 90 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Đến năm 2015, Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ban hành đã rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch sau cổ phần hóa từ 90 ngày xuống còn 60 ngày.

Đầu năm nay, khi Thông tư 180/2015/TT-BTC (ban hành tháng 11/2015) có hiệu lực, thời hạn này tiếp tục được rút xuống 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng.

Không chỉ các doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn này, các đối tượng khác gồm công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước ngày 1/1/2016 cũng phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 1 năm sau đó.

Và gần đây nhất, tháng 6/2016, một giải pháp đột phá đã được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp lên sàn đó là cơ chế gắn hoạt động đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán với đăng ký giao dịch cổ phần của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, được quy định tại Thông tư 115/2016/TT-BTC (hiệu lực từ ngày 1/11). Theo cơ chế này, chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.

 

Lên sàn: Sau mệnh lệnh là chế tài

Kết quả bước đầu khi hiện thực hóa các chính sách trên là số lượng doanh nghiệp UPCoM có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước thực trạng  rất nhiều tập đoàn, tổng công ty gốc nhà nước quy mô lớn vẫn nằm ngoài sàn bất chấp các quy định, vấn đề đặt ra là cần chế tài xử phạt để “đặc trị” các doanh nghiệp chây ì lên sàn.

Theo đó, tháng 11/2016, Nghị định 145/2016/NĐ-CP được ban hành đã xác định mức phạt cụ thể đối với các doanh nghiệp chậm lên sàn. Cụ thể, kể từ ngày 15/12/2016 (ngày Nghị định 145 có hiệu lực), doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt tiền theo 6 mức khác nhau dựa theo thời gian chậm niêm yết/đăng ký giao dịch.

Mức thấp nhất là từ 10 - 30 triệu đồng khi chậm thực hiện đến 1 tháng và cao nhất là 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi niêm yết/đăng ký giao dịch quá thời hạn trên 12 tháng. Chế tài xử phạt nói trên cũng chính là nguyên nhân khiến lượng doanh nghiệp ồ ạt nộp hồ sơ lên UPCoM trong những tháng cuối năm 2016.

Tính đến cuối tháng 11/2016, UPCoM có 377 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với tổng giá trị đăng ký giao dịch 116.451 tỷ đồng, vốn hóa đạt 253.395 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn hóa thị trường niêm yết HNX (145.000 tỷ đồng). Tháng 12, thống kê mới nhất tại HNX, đã có khoảng 30 doanh nghiệp được chấp thuận lên UPCoM, giúp UPCoM gần như chắc chắn đến mức 400 doanh nghiệp trong năm nay.

Với con số 400 doanh nghiệp tham gia giao dịch và quy mô vốn hóa thị trường ngày càng lớn mạnh, UPCoM đã tiến tới một giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn về hiệu quả hoạt động. Vấn đề cốt lõi, theo góc nhìn của nhà đầu tư, là nếu thanh khoản không được cải thiện, dòng tiền không chảy trên thị trường thì cổ phiếu chất lên sàn chỉ để… “làm cảnh”. Làm thế nào để sàn UPCoM tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, cho nền kinh tế là một câu hỏi lớn cần có giải pháp, phía sau nỗ lực thúc doanh nghiệp lên sàn.        

Tin bài liên quan