Unimex Hà Nội chưa minh bạch thông tin

Unimex Hà Nội chưa minh bạch thông tin

Unimex Hà Nội: 11,4 tỷ đồng thất thoát chưa được giải quyết

(ĐTCK) Trở thành công ty đại chúng từ đầu tháng 9/2017, nhưng đến nay, Unimex Hà Nội vẫn “kín như bưng” toàn bộ thông tin về kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh. Trong khi đó, vụ việc thất thoát hơn 11,4 tỷ đồng xảy ra tại đơn vị thành viên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Theo dự kiến, ngày 27/12/2017, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ đưa vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Trung tâm Artex Hà Nội) – đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội) xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, phiên tòa không diễn ra vì lý do khách quan.

Trong vụ án này, Unimex Hà Nội yêu cầu các bị can gồm Phạm Văn Thắng (sinh năm 1954, Giám đốc Trung tâm Artex Hà Nội) và Trần Thị Lan Hương (sinh năm 1977, Trưởng Phòng Kế toán Trung tâm Artex Hà Nội) bồi thường số tiền 11,4 tỷ đồng thất thoát.

Các sai phạm của Trung tâm Artex bị cơ quan điều tra phát hiện từ năm 2016. Trước đó, vào năm 2010, Trung tâm Artex thành lập Tổ thu mua sắn lát và tinh bột sắn do Mạch Thanh Hưng là Tổ trưởng. Từ năm 2011 đến 2012, Hưng nhận 145,5 tỷ đồng để tiến hành công việc thu mua.

Do cần tiền thanh toán các khoản nợ ngân hàng, Phạm Văn Thắng chỉ đạo Mạch Thanh Hưng chuyển số tiền 11,4 tỷ đồng vào tài khoản của Trần Thị Lan Hương. Sau đó, Hương sử dụng số tiền này để chi trả hoa hồng môi giới cho ông Trần Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật Hải Ly (gần 4 tỷ đồng) và cho Công ty TNHH Thương mại Đắc Nguyên vay 4 tỷ đồng (lãi suất 6%/tháng) để trả nợ cho chính Trung tâm Artex Hà Nội.

Số tiền 1,9 tỷ đồng còn lại, Trần Thị Lan Hương đã chi trả cho việc chi tiếp khách, chi thưởng các dịp lễ, Tết cho các đơn vị, cá nhân có quan hệ kinh doanh và lãnh đạo Unimex Hà Nội theo chỉ đạo của giám đốc. Việc chi hoa hồng môi giới, Trung tâm Artex Hà Nội không báo cáo với Unimex Hà Nội.

Năm 2005, Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội đã có quyết định số 7608/QĐ-UB về việc phê chuẩn và ban hành quy chế tài chính của Unimex Hà Nội. Căn cứ theo quy định Thông tư 128/2003/TT ngày 20/12/2003 của Bộ Tài chính, về việc chi hoa hồng môi giới, công ty căn cứ vào hiệu quả kinh tế mang lại, chủ tịch công ty quyết định mức chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tổng mức chi không quá 10% tổng số các khoản chi hợp lý...

Tuy nhiên, Unimex Hà Nội chưa ban hành bất kỳ quy chế, quy định nào cụ thể hóa quy chế tài chính về việc chi hoa hồng môi giới vì Công ty không khuyến khích loại chi phí này. Do đó, Unimex Hà Nội yêu cầu Phạm Văn Thắng và Trần Thị Lan Hương phải bồi thường 11,4 tỷ đồng.

Vi phạm quy định công bố thông tin

Được biết, Unimex Hà Nội tiền thân là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn, được thành lập năm 1962, là công ty con của Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Hapro. Năm 2015, Unimex Hà Nội tiến hành IPO, đổi tên thành Công ty cổ phần Liên hiệp xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội. Toàn bộ gần 5,6 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần mang ra đấu giá đã được bán hết với giá bình quân là 15.100 đồng/cổ phần.

Ngày 6/9/2017, Unimex Hà Nội chính thức trở thành công ty đại chúng. Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm 20,15% vốn, Tập đoàn T&T nắm 50% vốn, còn lại là các cổ đông khác.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất ngày 21/5/2016, Unimex Hà Nội đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2016 là 650 tỷ đồng, năm 2017 là 950 tỷ đồng và năm 2018 là 1.400 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lần lượt từng năm ước tính là 13,7 tỷ đồng, 17,8 tỷ đồng và 23,8 tỷ đồng Công ty cũng dự tính chi cổ tức năm 2016 là 5%; năm 2017 là 8% và năm 2018 là 10%.

Sau hơn 3 tháng kể từ khi trở thành công ty đại chúng, các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của Unimex Hà Nội vẫn “kín như bưng”. Trên website Công ty chỉ đưa vỏn vẹn một số thông tin như thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận Unimex Hà Nội trở thành công ty đại chúng, bản công bố thông tin chào bán cổ phần lần đầu; biên bản Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và thông báo chốt danh sách cổ đông.

Nếu chiểu theo quy định tại Luật Chứng khoán, Unimex Hà Nội đã vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin đối với công ty đại chúng.  

Tin bài liên quan