Doanh nghiệp bị vùi dập vì đại diện nhãn hàng
Bỗng dưng bị khủng hoảng truyền thông dù không làm gì sai, đó là câu chuyện xảy ra với Công ty cổ phần Infor Việt Nam (Sơn Infor). Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng dính phải lùm xùm trên mạng xã hội vì “lời qua tiếng lại” với một nữ doanh nhân về những câu chuyện cá nhân, kéo theo những doanh nghiệp mà anh đang có hợp tác quảng cáo bị vạ lây. Một facebooker có nhiều người theo dõi đã tuyên bố tẩy chay sơn Infor chỉ vì nhãn hàng này đã sử dụng Đàm Vĩnh Hưng làm đại diện thương hiệu.
Công ty Sơn Infor đã lựa chọn cách im lặng để phản ứng với việc tự nhiên bị một nhóm người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay. Trong một chia sẻ với báo giới, đại diện Công ty cổ phần Infor Việt Nam cho biết, những chuyện nói xấu doanh nghiệp trên mạng xã hội không phải là sự lạ. Người đọc bây giờ thông minh, có trình độ và khôn ngoan hơn nên Công ty thấy không cần thiết phải lên tiếng hay làm gì cả. Sơn Infor để cho người đọc tự đánh giá sự việc.
Trước đó, facebooker này đã lên tiếng yêu cầu hãng máy bay Bamboo, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn… ngưng sử dụng hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng làm đại diện thương hiệu. Trong đó, Bamboo Airways đã có phản ứng, trang fanpage chính thức của hãng đã lên tiếng khẳng định: “Bamboo Airways hiện chưa có bất kỳ hợp đồng “đại sứ thương hiệu” hay “đại sứ hình ảnh” nào dưới mọi hình thức, cũng như chưa có bất kỳ hợp đồng quảng bá thương hiệu và sản phẩm - dịch vụ nào với các nghệ sỹ trong và ngoài nước”.
Chia sẻ về câu chuyện ảnh hưởng của tin đồn trên mạng xã hội tới thương hiệu, bà Nguyễn Tuyết Nhung, CEO Tashi Media cho rằng, tin đồn tức là những thông tin không có thật nhưng lại được lan truyền rất nhanh gây ảnh hưởng xấu cho doanh nghiệp.
Trường hợp này doanh nghiệp cần tỉnh táo, bình tĩnh để phân tích xem tin đồn này có thực sự được nhiều người quan tâm hay không và có khả năng lan rộng không, tránh phản ứng ngay với tin đồn. Việc của doanh nghiệp lúc này là theo dõi và chuẩn bị đội xử lý khủng hoảng nếu nó lan rộng và gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh cũng như doanh thu của doanh nghiệp.
Theo bà Nhung, doanh nghiệp cần sử dụng một cái đầu lạnh để đối phó với tin đồn từ trên trời rơi xuống. Nếu doanh nghiệp có lỗi thì cũng cần phải xin lỗi đúng chỗ.
“Nếu tin đồn gây hậu quả, doanh nghiệp hoàn toàn có thể phản hồi một cách trung thực, cung cấp thông tin đầy đủ để làm rõ vấn đề và dùng thái độ cầu thị, tích cực. Tránh công kích, bất lịch sự do không kìm chế được cảm xúc, tạo điều kiện cho kẻ xấu đưa thông tin không tốt”, CEO Tashi Media cho hay.
Tai tiếng ập đến với Thủy sản Minh Phú
Ngày 5/6/2019, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhận được thông tin về việc Nghị sĩ Darin LaHood gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với Tập đoàn Minh Phú. Yêu cầu này được đưa ra dựa trên thông tin từ một thư điện tử tới ông LaHood, cáo buộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Hoa Kỳ với xuất xứ tôm Việt Nam.
Thị trường chứng khoán đã có phản ứng tức thì với thông tin này, cổ phiếu MPC của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ngập trong sắc đỏ. Tính từ đầu tháng 6 đến ngày 13/6/2019, thị giá cổ phiếu MPC đã rơi mất 2.700 đồng/cổ phiếu.
Minh Phú cho rằng, mình đang bị hiểu lầm và đã xử lý khủng hoảng truyền thông bằng cách tổ chức họp báo trần tình vể vụ việc. Trong buổi họp báo chia sẻ xử lý khủng hoảng, lãnh đạo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú không phủ nhận việc có nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam, ổn định công việc và thu nhập cho người lao động tại từng thời điểm, do lượng thu hoạch tôm nguyên liệu có tính mùa vụ và phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và các yếu tố tự nhiên khác.
Minh Phú cho biết, thực tế, theo thống kê sơ bộ, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú. Trong rất nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tự tin khẳng định, bất kỳ cuộc điều tra nào của CBP sẽ chỉ dẫn tới kết luận là Minh Phú hoàn toàn không vi phạm pháp luật Hoa Kỳ. Hơn nữa, trong mọi trường hợp, Minh Phú luôn có nguồn cung ứng tôm nguyên liệu phong phú và việc không tiếp tục sử dụng tôm nguyên liệu từ Ấn Độ sẽ không gây ảnh hưởng gì tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty.
Ứng xử khôn ngoan với khủng hoảng
Khủng hoảng truyền thông dù chẳng ai muốn, nhưng lại là nguy cơ hiện hữu với các doanh nghiệp trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội. Một thông tin dù nhỏ nhưng với tốc độ lan truyền nhanh có thể thổi bùng thành ngọn lửa lớn “thiêu rụi” một thương hiệu.
Chia sẻ với người viết, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, phụ kiện thời trang tại Hà Nội cho biết: “Lúc công ty bị tin xấu thất thiệt về sản phẩm lan truyền trên mạng xã hội và một số trang tin, chúng tôi vô cùng hoang mang, không biết sẽ phải xử lý như thế nào, bắt đầu từ đâu. Để vượt qua khủng hoảng này, doanh nghiệp nào cũng chật vật”.
Không có một công thức cụ thể nào đối với việc xử lý khủng hoảng, nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch được các giám đốc truyền thông truyền tai nhau là đối mặt với sự thật, tôn trọng sự thật, tuyệt đối không vòng vo, né tránh truyền thông hay ứng xử bất lịch sự.
Khi có khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ thiết lập ngay một nhóm xử lý (nhóm đó đã có sẵn với những doanh nghiệp thường xuyên gặp khủng hoảng hoặc nhóm mới được thành lập). Theo kinh nghiệm đúc rút ra sau nhiều lần xử lý khủng hoảng của giám đốc truyền thông một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM, doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ thông tin để cung cấp thông tin ra ngoài một cách nhất quán, có chiến lược và giữ thế chủ động, không cung cấp thông tin vội vàng.
“Có đại diện truyền thông đủ khôn khéo, am hiểu và tinh tế đứng ra làm đầu mối liên hệ là một lợi thế của doanh nghiệp. Minh bạch thông tin và không né tránh là điều cần thiết, không đổ thêm dầu vào lửa khi khủng hoảng đang xảy ra”, vị này cho hay.
Một số doanh nghiệp chọn cách đối diện thẳng với đơn vị truyền thông gây bất lợi cho doanh nghiệp bằng đơn khởi kiện. Mới đây, Vinamilk đã lên tiếng khi sản phẩm của Công ty trúng thầu chương trình sữa học đường ở các trường học bị một tờ báo phản ánh thông tin thất thiệt. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra ngày 19/4/2019, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk khẳng định, Công ty sẽ khởi kiện một tờ báo - đơn vị truyền thông đã đưa thông tin trên.
Theo bà Liên, khởi kiện ra tòa là cách làm văn minh trong xu thế phát triển bền vững hiện nay mà doanh nghiệp nên làm, để xử lý thích đáng hành vi truyền thông sai sự thật, gây phương hại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như làm hoang mang trong dư luận xã hội.
Khi “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, những thiệt hại mà truyền thông sai sự thật tác động trực tiếp đến doanh nghiệp sẽ là giọt nước làm tràn ly khiến doanh nghiệp phải tìm lẽ phải cho mình bằng việc khởi kiện. Trước đó, FLC cũng đã khởi kiện một tờ báo ra tòa vì loạt bài phản ánh về doanh nghiệp này.
Đối phó với khủng hoảng truyền thông, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn cách đề phòng, chứ không chỉ là “chữa cháy”.