Ứng phó với “nóng - lạnh” thị trường

Ứng phó với “nóng - lạnh” thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư bị thử thách dữ dội trong tuần qua khi phiên giao dịch nào VN-Index cũng có độ rộng cực lớn và tâm điểm là biến động 2 phiên giao dịch cuối tuần.

Trong đó, có phiên đáo hạn phái sinh hôm 19/8 đẩy chỉ số tăng vọt vào cuối phiên ATC và phiên giao dịch có giá trị kỷ lục hơn 45.000 tỷ đồng cuối tuần 20/8, tương đương gần 2 tỷ USD hôm cuối tuần.

Lệnh mua, lệnh bán được đẩy vào hệ thống nhiều đến nỗi phần mềm giao dịch của nhiều công ty chứng khoán bị “đơ”, bảng điện ì ạch, không nuột nà như các phiên trước, dù toàn bộ hệ thống nhìn chung vẫn đáp ứng được nhu cầu giao dịch sôi động của thị trường. Trong khi nhiều nhà đầu tư run sợ thoát hàng thì các lệnh giá thấp liên tục được tung ra với khối lượng rất lớn để chặn mua.

Covid-19 và những quyết định liên quan đến giãn cách, kiểm soát dịch bệnh được triển khai theo hướng nghiêm ngặt hơn tiếp tục được là cái cớ để thị trường điều chỉnh sau 3 tuần tăng không ngừng nghỉ. Sự nghỉ ngơi này, dưới góc nhìn của nhiều nhà đầu tư là cần thiết để thị trường lấy lực cho hành trình tiếp theo của mình.

Nhìn nhận một cách toàn diện, việc TP.HCM thắt chặt hơn giãn cách có ý nghĩa tích cực để sớm kiểm soát được dịch bệnh, thay vì để dằng dai kéo dài như hiện nay. Dịch bệnh càng sớm được khống chế, thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp càng được hưởng lợi, thêm vài tuần “ai ở nhà ấy” không phải là quãng thời gian quá dài.

Với những nhà đầu tư đang có vị thế tiền mặt tốt, câu hỏi được nhiều người đặt ra là chọn cổ phiếu nào cho hiệu quả?

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, những nhà đầu tư có kinh nghiệm không dè dặt, họ tái cơ cấu danh mục, bán những mã được cho là khó có khả năng bứt phá để mua những mã được nhận định tiềm năng hơn, mua vào với tầm nhìn dài hạn cho nửa cuối năm.

Vấn đề được quan tâm trở lại hiện nay chính là câu chuyện lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như khả năng thích ứng, xoay chuyển nghịch cảnh do tác động của đại dịch. Sở dĩ điều này được mổ xẻ kỹ bởi nhà đầu tư nhìn vào đó có thể dự phóng được kết quả quý III và quý IV năm nay.

Yếu tố được được cho là bệ đỡ vững chắc cho giá cổ phiếu nếu thị trường đảo chiều trong ngắn hạn hoặc là động lực kéo cổ phiếu tăng mạnh khi thị trường tăng trở lại.

Những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng vọt trong khi doanh thu hầu như không tăng trưởng, lợi nhuận tăng chủ yếu do tăng giá bán, khó có thể bền vững.

Chưa kể nhiều doanh nghiệp còn giảm khấu hao đột ngột khiến giá vốn bán hàng giảm mạnh, chuyển chi phí hoạt động kinh doanh vào chi phí xây dựng dở dang, không trích lập nợ khó đòi, chuyển hàng tồn kho vào doanh thu dù chưa chưa chốt hợp đồng bán để quý sau bán được bù trừ.

Những công ty tăng trưởng từ các yếu tố cốt lõi được nhà đầu tư ưa thích theo dõi chủ yếu nằm ở 2 nhóm. Thứ nhất là tăng lợi nhuận do tăng doanh thu, thứ hai là tăng lợi nhuận do tối ưu chi phí nhờ phát triển và ứng dụng được công nghệ mới, được dự đoán có giá cổ phiếu hồi lại rất nhanh.

Dù vậy, chọn doanh nghiệp có nền tảng lợi nhuận bền vững hay mong manh, là quyền ở mỗi người. An toàn với nhiều nhà đầu tư vẫn là yếu tố được đề cao ở thời điểm dịch bệnh còn nhiều phức tạp như hiện nay.

Cắt nghĩa sâu hơn về những phiên giao dịch tỷ USD gần đây cũng như phong cách chọn cổ phiếu của nhiều nhà đầu tư trong Tiêu điểm số báo này, Đầu tư Chứng khoán cho rằng, cơ hội vẫn luôn hiện hữu trên thị trường, với các nhà đầu tư chịu khó sàng lọc thông tin và giữ được nguyên tắc cuộc chơi mà mình đã đặt ra.

Trong bối cảnh khan hiếm kênh đầu tư, lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, người dân vẫn có xu hướng quan tâm tới chứng khoán, điều này không chỉ ở Việt Nam mà khắp các thị trường thế giới đều có diễn biến tương tự. Sự luân chuyển dòng tiền và cả những dao động với biên độ “giật mình” có thể tiếp tục diễn ra, nhưng triển vọng còn rất rõ ràng.

Tin bài liên quan