Ứng phó với Covid-19, không thể bỏ qua vai trò dẫn dắt của Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron nhấn mạnh ý kiến này tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới Lần thứ V diễn ra trong hai ngày 19 và 20/8.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị từ điểm cầu Nhà Quốc hội - (Ảnh QK)

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị từ điểm cầu Nhà Quốc hội - (Ảnh QK)

Đại dịch Covid - 19 đã làm lộ rõ điểm yếu của nhiều quốc gia, Hội nghị cần đưa ra biện pháp quyết liệt, không thể bỏ qua vai trò dẫn dắt của Quốc hội tại giai đoạn quan trọng này, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron nhấn mạnh tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới Lần thứ V  diễn ra trong hai ngày 19 và 20/8.

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến do Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Liên hợp quốc và Quốc hội Áo phối hợp tổ chức.

Cần có một khế ước xã hội mới

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron nêu rõ, Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống nhưng cũng tạo ra cơ hội để hướng tới đích đến chung phục hồi và tái thiết mạnh mẽ hơn, có được tương lai tương đẹp hơn.

Cuộc khủng hoảng vì Covid-19 diễn ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, từ khủng hoảng về y tế biến thành khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Tất cả các nước đều có các hành động để giải quyết khủng hoảng nhưng kéo theo đó vẫn là những hệ lụy to lớn đối với tương lai của nền kinh tế, bà Gabriela Cuevas Barron nói.

Dẫn thông tin từ Oxfam là, khoảng nửa tỉ người rơi vào cảnh đói nghèo do tác động của khủng hoảng và đằng sau câu chuyện của đói nghèo là hàng tỉ người buộc phải rời bỏ nhà cửa trở thành những người di cư, Chủ  tịch  IPU cho rằng, các đại biểu Quốc hội cần phải lắng nghe mong muốn của họ và theo sát họ từng bước.

Quốc hội cần thực hiện hiệu quả biến thỏa thuận quốc tế trở thành hiện thực, bà Gabriela Cuevas Barron phát biểu.

Phát biểu tiếp theo, ông António Guterres Tổng thư ký Liên hợp quốc nói, trước khi đại dịch xảy ra, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với các thách thức môi trường, sự bất bình đẳng, y tế công cộng không đầy đủ….

Đại dịch Covid- 19 cũng chỉ làm lộ rõ thêm những lỗ hổng và mảng tối trong xã hội của chúng ta. Do đó, chúng ta cần biến quá trình phục hồi trở thành cơ hội để chỉnh sửa những sai lầm trước đây, để giúp chúng ta xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, ông António Guterres phát biểu.

"Khi thế giới hồi phục sau đại dịch Covid-19 thì đây cũng chính là thời điểm rất quan trọng đối với tương lai. Chúng ta đang gặp phải những vấn đề ảnh hưởng tới tương lai trong đó có bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.. Do vậy tôi kêu gọi chúng ta cần có một khế ước xã hội mới với những chính sách mới, trong đó có bảo hiểm y tế toàn dân, giáo dục phải là công cụ tạo ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi người…

Ở cấp độ quốc tế thì cần có những thoả thuận toàn cầu mới nhằm bảo đảm lợi ích của tăng trưởng toàn cầu được chia sẻ. Chúng ta cần phải dành tiếng nói mạnh hơn, có trọng lượng hơn cho những quốc gia đang phát triển và cần đưa ra luật pháp quốc gia phù hợp với các. mục tiêu phát triển bền vững" - ông António Guterres nói.

Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ

Tham dự Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia thảo luận về chủ đề "Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu".

Đây là phiên thảo luận để trao đổi, tìm ra các giải pháp để các Chủ tịch Quốc hội, với vai trò là người đứng đầu Quốc hội và là nhân vật chính trị quan trọng của đất nước cùng với Quốc hội tiếp tục nâng cao vai trò trong việc thực hiện quyền lập pháp, giám sát và ngân sách để thực hiện thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế để trở nên “xanh hơn” nhằm đạt được mục tiêu giảm 1,5°C được ghi trong Thỏa thuận Paris.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về môi trường; dành nguồn lực thỏa đáng đối với việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam phê chuẩn và thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. Tháng 5/2017, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với IPU đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”, bà Kim Ngân cho biết.

Để thúc đẩy hơn nữa hành động của Nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề xuất các Nghị viện cần tiếp tục hành động mạnh mẽ thông qua chức năng xây dựng pháp luật, giám sát, phê chuẩn các văn kiện quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với IPU, xem xét thực hiện các khuyến nghị trong Chương trình hành động nghị viện về Biến đổi khí hậu của IPU phù hợp với trình độ và nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia.

Đề xuất tiếp theo từ Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là cần thúc đẩy ban hành chính sách đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu về chính trị, kinh tế, xã hội đồng thời ban hành các chính sách xã hội nhằm bảo vệ an sinh xã hội, những người yếu thế trong đó có phụ nữ, trẻ em và các đối tượng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nghị viện các nước tiếp tục phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường giám sát, triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, Chủ tịch Kim Ngân đề xuất.

Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn nghiêm trọng. 

Tin bài liên quan