Những diễn biến gay cấn, trồi sụt không giới hạn của Bitcoin và các đồng tiền số trong những ngày qua không chỉ trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông và giới đầu tư, mà còn tạo ra thách thức cực đại cho hệ thống ngân hàng truyền thống, từ các ngân hàng thương mại đến ngân hàng trung ương.
Sự trỗi dậy của các đồng tiền mã hóa cùng xu hướng số hóa giao dịch tài chính đang đặt ra cho chính phủ các nước, bao gồm Việt Nam, bài toán về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa cũng như việc ứng xử với tiền kỹ thuật số, trong đó không ngoại trừ ý tưởng về một đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Dù có lúc thăng trầm, nhưng 12 tháng qua, Bitcoin đã tăng trên 350% giá trị |
Bài 1: Ủng hộ - chống đối Bitcoin: Cuộc chiến không khoan nhượng
Những người ủng hộ Bitcoin cho rằng, đồng tiền này sẽ ổn định và trở thành một bộ phận của hệ thống tài chính dòng chính, trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương đã đồng loạt gióng hồi kèn tấn công và tính tới các biện pháp tăng cường giám sát mạnh mẽ tiền kỹ thuật số.
Sự xuất hiện của các đồng tiền như Bitcoin, Ethereum, Cardano, Dogecoin... (được biết đến với tên gọi chung là “cryptocurrency” - tiền kỹ thuật số) đã thu hút sự chú ý của rất nhiều đối tượng liên quan: từ giới đầu tư đến các học giả, từ truyền thông đến các cơ quan hữu trách. Các đồng tiền này chỉ tồn tại trong không gian số, dựa trên nền tảng công nghệ blockchain.
Trên danh nghĩa, Bitcoin và các đồng tiền tương tự được xem là phương tiện thanh toán, có thể dùng để mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, các đồng tiền này vẫn được coi là một loại tài sản tài chính có thể đầu cơ, kiếm lời bằng cách tận dụng dao động giá của nó, không quá khác biệt so với các tài sản truyền thống được giao dịch như cổ phiếu.
Từ xu hướng trở thành đồng tiền thể chế của Bitcoin…
Những người ủng hộ tiền kỹ thuật số như Bitcoin cho rằng, tiền kỹ thuật số có độ bảo mật cao và khó có thể bị gian lận, do được bảo vệ bởi các thuật toán phức tạp. Đồng thời, cấu trúc phi tập trung trên không gian số của tiền kỹ thuật số khiến nó nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương (NHTW) nói riêng và nhà cầm quyền của các quốc gia nói chung.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến nhiều người có cảm giác rằng, hệ thống tiền tệ hiện hành không còn phù hợp. Trong khi đó, với tiền kỹ thuật số, họ đã tìm ra cách để có thể trở nên giàu có. Họ còn tìm được sự công bằng của các loại tiền số, thậm chí có thể dùng tiền số để thay thế tiền mặt và các khoản thanh toán.
Những người này cho rằng, các NHTW ngày càng không đáng được tin cậy, vì đang làm mọi cách để giảm giá trị các loại tiền tệ pháp định, như đồng USD, với chính sách in “tiền trực thăng” không diểm dừng. Bitcoin trở thành một loại tiền thay thế như chính những gì kinh tế học chính thống tiên đoán, khi mà tiền có chất lượng tồi (từ các chính sách tiền tệ, tài khóa vô trách nhiệm của các chính phủ) ngày càng đẩy tiền pháp định có chất lượng cao, thậm chí như đồng USD, ra khỏi đời sống.
Các nhà phân tích và nhà đầu tư nhận định, động lực chính dẫn đến sự gia tăng điên cuồng của Bitcoin thời gian gần đây xuất phát từ lo ngại: những biện pháp kích thích của các NHTW để giảm bớt thiệt hại kinh tế do Covid-19 sẽ gây ra vòng xoáy lạm phát. Trong khi thị trường chứng khoán đã đạt mức cực đỉnh, Duncan MacInnes, nhà quản lý quỹ tại Ruffer - một tập đoàn đầu tư truyền thống, bảo thủ của Vương quốc Anh - cho rằng: “Chúng ta có khả năng khai sinh một loại tài sản mới”, khi đặt cược 600 triệu USD vào Bitcoin.
Bitcoin đang nổi lên từ trong bóng tối, được nhiều định chế hỗ trợ và được sử dụng như một loại tài sản thay thế hợp pháp trong các danh mục đầu tư của họ. Chỉ trong 3 năm qua, Bitcoin đã đạt được bước tiến dài. Nếu như trước đây, mọi người thường hỏi “Bitcoin là gì?”, thì giờ đây, câu hỏi này đã được chuyển thành: “Làm cách nào để giao dịch Bitcoin?”.
Những người ủng hộ Bitcoin cho rằng, một loạt khoản đầu tư khổng lồ từ các tổ chức tài chính và các công ty có truyền thống sớm muộn cũng làm cho đồng tiền này, vốn rất bất ổn, sẽ ổn định và trở thành một bộ phận của hệ thống tài chính dòng chính.
Giới đầu tư Bitcoin càng phản kháng quyết liệt hơn khi nghĩ rằng, chính quyền luôn tìm cách hủy hoại hệ thống tài chính mới (do chính quyền không thể kiểm soát, nên chỉ còn cách cấm đoán).
Hồi kèn tiến công của các tín đồ tiền kỹ thuật số ngày càng rộn rã, tương thích với những quy định điều tiết của các cơ quan quản lý. Tuần trước, giá trị của Bitcoin giảm tới 30% sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cảnh báo trừng phạt các tổ chức tài chính chấp nhận tiền kỹ thuật số trong thanh toán, đồng thời khẳng định “chúng không phải tiền tệ thực”, nhưng đồng tiền này vẫn hồi về mức khoảng 40.000 USD/Bitcoin vào cuối tuần. Chúng vẫn còn quá giá trị.
Mức tăng trong 12 tháng qua của Bitcoin lên đến 358%, nghĩa là 18,6 triệu Bitcoin được khai thác thông qua một mạng máy tính sử dụng nhiều năng lượng trên khắp thế giới hiện có tổng trị giá 877 tỷ USD. Con số này gấp đôi giá trị của JPMorgan - ngân hàng lớn nhất của Mỹ, hơn 8 lần Goldman Sachs và bằng 1/3 của toàn bộ FTSE 100 (100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất được niêm yết trên Sàn Chứng khoán London - Anh).
Đến hành động của các chính phủ
Mặc dù xu hướng thanh toán bằng tiền điện tử có sự gia tăng kể từ năm 2018, nhưng khối lượng tổng thể vẫn rất nhỏ, bởi chi phí rất cao (khoảng 25 USD cho mỗi giao dịch). Đồng Bitcoin còn biến động dữ dội chỉ vì một dòng tweet của tỷ phú công nghệ Mỹ - Elon Musk. Những yếu tố này đã cản trở cả người mua lẫn người bán. Liệu Bitcoin có thể trở thành tiền nếu giá trị của nó quá lớn đến mức không ai dám chi tiêu, nghĩa là, Bitcoin ngày càng có giá trị hơn, nhưng lại ngày càng không hữu ích hơn.
Trong tuần qua, NHTW châu Âu (ECB) trong Báo cáo Đánh giá ổn định tài chính, đã so sánh sự phục hồi giá mạnh mẽ của tiền kỹ thuật số những tháng gần đây với “cơn điên hoa tulip kỹ thuật số”.
Mặc dù đánh giá Bitcoin rất “rủi ro và đầu cơ”; có “lượng khí thải carbon khủng khiếp” và có mối liên hệ với hoạt động “bất hợp pháp”, nhưng đáng ngạc nhiên là, ECB nhận định, tiền kỹ thuật số do không được sử dụng rộng rãi để thanh toán, và cũng bởi các tổ chức tài chính trong EU rất ít tiếp cận với chúng, nên rủi ro ổn định tài chính không đến mức đáng lo ngại.
Thông điệp ECB đưa ra là, họ không cấm đoán (quyền tự do), nhưng nếu tài sản tiền kỹ thuật số sụp đổ, sẽ không có ai cứu và cũng chẳng thiệt hại đến ai. Họ tin rằng, giống như bài học lịch sử từ “cơn mê hoa tulip” xảy ra tại Hà Lan vào những năm 1600, cuối cùng, khi “cát bụi” lắng xuống, không có hậu quả tài chính nào nghiêm trọng xảy ra. Ngay cả những người trồng hoa tulip không bán được củ, ít nhất cũng để lại những bông hoa đẹp tô điểm cho đời.
Nhưng, liệu những người nắm giữ tiền kỹ thuật số có thể nói như vậy, nếu một ngày nào đó bong bóng vỡ tan?
Cũng trong tuần vừa qua, một số quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho hay, họ không tìm thấy lý do tại sao sự sụt giảm tiền kỹ thuật số lại có thể làm đảo lộn hệ thống tài chính toàn diện của Mỹ, bởi chúng chưa đủ tầm tiếp cận với nền kinh tế thực. Những quan chức này nhấn mạnh: “Tất cả chúng tôi đều nhận thức rõ rằng, tiền điện tử rất bất ổn”. Chủ tịch Fed còn cho biết, một số loại công nghệ tiền điện tử mang đến những rủi ro tiềm ẩn và đề cập đến khả năng sắp tới sẽ có nhiều biện pháp tăng cường giám sát mạnh mẽ.
Như vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ECB và Fed, vô tình hay hữu ý, đã đồng loạt gióng hồi kèn tấn công tiền kỹ thuật số trong những ngày qua.
Và câu chuyện tiền kỹ thuật số ở Việt Nam
Mặc dù những người ủng hộ tiền kỹ thuật số thừa nhận nguy cơ đồng tiền này sẽ phải đương đầu với các quy định chặt chẽ hơn, bị kiểm soát, thậm chí bị cấm hoàn toàn, nhưng họ tin rằng, cánh cửa để các chính phủ hành động đang ngày càng bị thu hẹp với tốc độ phát triển quá khủng khiếp của Bitcoin và các đồng tiền tương tự.
Bài học cho Việt Nam là gì? Nếu muốn ngăn chặn chúng, phải hành động sớm, hoặc sẽ quá muộn đến mức “không thể” thoát ra.
Bitcoin là gì? Cho dù những người ủng hộ và phản đối Bitcoin đều gọi chúng là tiền, tài sản đầu tư hay chỉ là “ảo”, không phải tiền, bất ổn hoặc ổn định, nhìn chung, tiền kỹ thuật số đã tạo ra thách thức cực đại cho hệ thống ngân hàng truyền thống, từ các ngân hàng thương mại đến NHTW các nước.
Trên thế giới, các tổ chức điều tiết có liên quan đến tiền kỹ thuật số đều xem đây là mối quan tâm hàng đầu, các tờ báo nghiêm túc nhất cũng đưa chúng lên bản tin chính; không phải cá nhân, ngay cả các định chế tài chính truyền thống cũng xem Bitcoin là một tài sản không thể thiếu trong danh mục đầu tư. Các nhà làm chính sách Việt Nam không thể xem nhẹ điều này.
Về lâu dài (cũng không thể quá muộn), Việt Nam cần tạo cho riêng mình một đồng tiền kỹ thuật số, không những cạnh tranh với các đồng tiền kỹ thuật số hiện hành, mà còn chuyển đổi hình thái điều hành chính sách tiền tệ sang thời đại kỹ thuật số. Nếu chính quyền đưa ra 20 lý do phản bác Bitcoin không phải là tiền hay tài sản đầu tư, thì ngược lại, những người ủng hộ Bitcoin có thể đưa ra chừng ấy lý lẽ để phản bác.
Dự báo về tương lai của hoạt động đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số và mức độ bền vững của chúng đang được chứng minh bởi nguyên lý của nhà đầu tư huyền thoại George Soros gần một thập kỷ trước: “Khi tôi thấy bong bóng hình thành, tôi lao vào mua để đổ thêm dầu vào lửa”. Nhưng George Soros cũng cho biết, đầu tư trên một thị trường bùng nổ có thể mang lại tỷ suất sinh lợi vô cùng lớn, miễn đó là người thoát ra trước nhất. Bạn sẽ là người may mắn thoát ra trước?
John Oliver, diễn viên hài nổi tiếng người Mỹ, định nghĩa về đồng Bitcoin là “mọi thứ bạn không hiểu về tiền kết hợp với mọi thứ bạn không hiểu về máy tính”. Ai sẽ là người tự hào rằng, mình hiểu rõ cả hai thứ này, để không phải cầm chắc mình trở thành người thua cuộc?
Cơn sốt hoa tulip diễn ra tại Hà Lan, khoảng những năm 1600. Thời điểm đó, nước này có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Sự bùng nổ kinh tế đã giúp nhiều người đạt được sự giàu có và thịnh vượng, thúc đẩy thị trường hàng hóa xa xỉ.
Một trong những mặt hàng được thèm muốn nhất là hoa tulip, đặc biệt là những bông hoa có yếu tố đột biến khiến chúng sặc sỡ hơn các bông hoa thường khác. Giá hoa tulip được thị trường tương lai đẩy lên cao, vượt quá mức giá hợp lý. Nông dân ồ ạt trồng hoa, khiến cho bong bóng nổ chỉ trong vòng một tuần. Giá hoa rơi tự do, gây thiệt hại đáng kể cho các nhà đầu tư nắm giữ hợp đồng hoa tulip.
(Còn tiếp)