Cụ thể, trong vụ việc nhôm ép, Việt Nam bị cáo buộc đã trợ cấp cho doanh nghiệp trong 3 chương trình liên quan đến ưu đãi thuế. Sau khi điều tra, ADC xác định, 1 trong số 3 công ty của Việt Nam đồng ý hợp tác với ADC đã không nhận được ưu đãi nào từ các chương trình nêu trên. 2 doanh nghiệp còn lại và các nhà sản xuất/xuất khẩu khác có nhận được trợ cấp, nhưng biên độ trợ cấp không đáng kể.
Còn trong vụ việc thép mạ kẽm, Việt Nam bị cáo buộc đã trợ cấp cho doanh nghiệp trong 19 chương trình liên quan đến ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư, các chương trình hỗ trợ, chương trình xúc tiến thương mại.
Sau khi điều tra, ADC xác định, các công ty của Việt Nam đồng ý hợp tác với ADC chỉ nhận được trợ cấp từ 3 trong số 19 chương trình nói trên và lượng trợ cấp này là không đáng kể; mức độ trợ cấp dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác cũng không đáng kể.
Đối với vấn đề điều tra chống bán phá giá, trong vụ việc thép mạ kẽm, nguyên đơn cáo buộc có tồn tại “tình hình thị trường đặc biệt” trong ngành thép mạ Việt Nam. Sau khi điều tra, cơ quan điều tra Úc đã kết luận, không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt trong ngành thép mạ Việt Nam.