UBCK và IFC “chấm điểm” quản trị cho 100 DN niêm yết

UBCK và IFC “chấm điểm” quản trị cho 100 DN niêm yết

(ĐTCK) Báo cáo Thẻ điểm Quản trị công ty Việt Nam 2012 khảo sát tình hình quản trị công ty của 100 công ty hàng đầu niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK TP. HCM (HOSE) được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố ngày hôm qua (22/11) tại Hà Nội cho biết, không DN nào đạt kết quả đáng hài lòng.

Giảm điểm

Kết quả khảo sát dựa trên các hoạt động của năm 2011 cho thấy, toàn bộ điểm số quản trị công ty (QTCT) đều ở dưới mức 60% và điểm bình quân đã giảm 2,2 điểm phần trăm xuống còn 42,5% so với năm trước đó. Trong khi đó, các báo cáo thẻ điểm QTCT khác ở châu Á có nội dung tương tự cho kết quả cao hơn như Thái Lan, Philippine đạt 77% và Malaysia là 57,2%.

Tại các lĩnh vực cụ thể, kết quả đạt được năm 2011 so với năm 2010 như sau: quyền cổ đông đạt 47%, giảm 1,5%; đối xử bình đẳng với cổ đông đạt 57,8%, giảm 3,2%; vai trò của các bên liên quan đạt 22,7%, giảm 6,7%; minh bạch và công bố thông tin đạt 40,1%, giảm 3,1%; trách nhiệm của HĐQT đạt 35,9%, giảm 0,2%.

 

Nguyên nhân

Nguyên nhân của sự sụt giảm được bà Anne Molyneux, chuyên gia tư vấn về QTCT của IFC lý giải, năm 2011, tình hình kinh tế Việt Nam có chiều hướng đi xuống, kinh doanh kém thuận lợi, DN nhìn chung đều trong tình trạng cố gắng cắt giảm chi phí. Báo cáo thường niên cũng cung cấp ít thông tin hơn có thể do tình hình tài chính khó khăn hay công ty muốn hạn chế công bố các kết quả yếu kém. Hoạt động công bố thông tin của DN giảm, nhất là các thông tin về HĐQT và Ban kiểm soát. Thông tin trong báo cáo nhìn chung không đầy đủ và mang tính hình thức hơn so với trước.

Ngoài ra, năm 2011, UBCK tăng cường giám sát thực thi và công bố các trường hợp vi phạm bị phát hiện. Do vậy, thông tin tiêu cực về DN đã được công khai nhiều hơn. Các cơ quan quản lý cũng chất vấn DN nhiều hơn về công bố thông tin, về giao dịch với bên liên quan và báo cáo tài chính.

“Có thể nói, các thông lệ về QTCT ở Việt Nam chủ yếu tồn tại trên luật lệ nhiều hơn là trong thực tế triển khai áp dụng. Trong khi đó, 86% NĐT được hỏi cho biết, họ quan tâm đến thẻ điểm QTCT để có quyết định đầu tư hay không đầu tư. Rõ ràng, để có thể đảm bảo hoạt động DN lâu dài thì QTCT là rất quan trọng”, bà Anne nói.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK cho rằng, việc công bố thẻ điểm thấp sẽ ảnh hưởng đến sự quan tâm của NĐT nước ngoài vào TTCK. Tuy nhiên, điều này giúp cho cơ quan quản lý nhìn nhận những điểm cần củng cố, còn đối với DN thì cần nhanh chóng cải tiến, dù sẽ phải mất thời gian khá dài. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, QTCT đang có mối liên hệ cùng chiều với khả năng chống chọi khủng hoảng, tự tin với thông tin để tiếp tục cải thiện. Bên cạnh đó, có lẽ không phải là QTCT đi xuống, mà được đánh giá thực chất hơn, bởi UBCK đã tăng cường kiểm soát, xử phạt…

 

Khuyến nghị

Bà Anne khuyến nghị, cơ quan quản lý cần nỗ lực để cải thiện chất lượng báo cáo tài chính, phi tài chính của các DN. Cần sớm áp dụng toàn bộ các Tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS, IAS) vào Tiêu chuẩn Kế toán Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm tính tương thích về thông tin tài chính của DN. Đối với DN, có nhiều việc phải làm ngay như: áp dụng những thông lệ tối ưu về trách nhiệm HĐQT, công khai, minh bạch, đối xử bình đẳng đối với cổ đông; tập huấn cho các thành viên HĐQT để biết các quy định cần áp dụng là yêu cầu quan trọng; từng công ty cần xây dựng, ban hành quy tắc đạo đức/quy chế QTCT nội bộ, công bố trên trang web công ty sau khi đã được HĐQT thông qua; tăng quyền hạn của thư ký công ty và những vị trí kiểm toán nội bộ…

“Ngày càng nhiều quy định pháp lý được đưa ra về QTCT, nhưng QTCT không phải là đích đến cuối cùng, mà là một chặng đường. Khi có những yếu kém, sai lệch, chúng ta phải đưa ra những nguyên tắc mới. Quy định mới chặt chẽ hơn, nhưng thẻ điểm vẫn đi xuống, chứng tỏ những nỗ lực hiện tại là chưa đủ”, bà Anne nhấn mạnh.