Để quy định nới room sớm đi vào cuộc sống ngay sau thời điểm NĐ60 có hiệu lực, hiện cả cơ quan quản lý lẫn các DN còn khá nhiều việc phải làm.
Về phía UBCK, được biết, UBCK đang khẩn trương hoàn tất một số dự thảo thông tư để trình Bộ Tài chính ban hành như: dự thảo sửa đổi Thông tư 213/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam; dự thảo Thông tư hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng phát hành cổ phiếu hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng...
Ngoài ra, do quy định về nới room hiện rất mới với nhiều DN, UBCK đang nỗ lực “chỉ việc” cho các DN triển khai các bước chuẩn bị để có thể sớm thực hiện được phương án nới room.
Cụ thể, tại Công văn 4493/UBCK-PC, UBCK đề nghị các công ty chủ động rà soát ngành, nghề kinh doanh, trên cơ sở đó dự kiến tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại DN. Để nâng cao tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các công ty đại chúng liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh để tìm hiểu ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và thực hiện việc bổ sung tại điều lệ công ty quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật DN.
Việc sửa đổi, bổ sung điều lệ thực hiện thông qua triệu tập ĐHCĐ hoặc lấy ý kiến bằng văn bản (nếu điều lệ công ty cho phép thực hiện). Việc báo cáo và công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ được thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với DNNN cổ phần hóa, hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chào bán chứng khoán ra công chúng, UBCK lưu ý phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, hoặc cơ quan đăng ký đầu tư về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối thiểu, tối đa tại DN.
Riêng với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, UBCK lưu ý các DN thực hiện việc bổ sung tại điều lệ công ty về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trường hợp có một NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, thì phải báo cáo UBCK chấp thuận trước khi thực hiện.
Hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 30 Thông tư 210/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động CTCK (đối với CTCK) và Điều 5, Điều 16 Thông tư 212/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ (đối với công ty quản lý quỹ).
Trong quá trình triển khai các công việc trên, nếu DN được cơ quan đăng ký kinh doanh xác định lĩnh vực, ngành nghề mà DN đang hoạt động không thuộc danh mục 267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, thì khi có nhu cầu nới room, các DN cần lên kế hoạch tổ chức họp ĐHCĐ để thông qua phương án, tỷ lệ room áp dụng đối với NĐT nước ngoài. Việc triệu tập ĐHCĐ để thông qua phương án nới room có thể cần tới 1 - 2 tháng, nên nếu DN tích cực chuẩn bị từ bây giờ, có thể nới room ngay từ ngày 1/9 tới khi NĐ60 có hiệu lực.
Với những DN thuộc các ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các DN cần chủ động liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để có câu trả lời về tỷ lệ room tối đa áp dụng đối với NĐT nước ngoài.
Chẳng hạn, với các công ty tài chính, nếu muốn nới room, thì cần làm việc với Ngân hàng Nhà nước để nhận được câu trả lời về tỷ lệ nới room tối đa theo quy định của pháp luật chuyên ngành để có cơ sở áp dụng...
Hay với các DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, khi muốn nới room thì cần liên hệ với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính để có câu trả lời chuẩn xác về tỷ lệ room tối đa áp dụng đối với NĐT nước ngoài để có cơ sở thực hiện.