Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tăng từ 12,3% năm 2016, lên 18% năm 2017. Trong đó, cho vay phục vụ mục đích mua nhà, sửa chữa nhà để ở chiếm 52,9% (năm 2016 khoảng 49,5%) và là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 76,5% (năm 2016 tăng 78,4%); cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5% và chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2% và chiếm 8,3%.
Ông Nguyễn Văn Thuỳ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) cho biết, nguyên nhân tín dụng tiêu dùng tăng mạnh chủ yếu do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở. Đồng thời, do người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống.
Cũng theo thống kê trên, thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã tăng từ 39% toàn ngành năm 2016 lên 45,7% vào cuối 2017. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính lại giảm nhẹ tỷ trọng, từ mức 47% năm 2016 xuống còn 42% năm 2017.
“Trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao”, ông Thuỳ nhận định.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ, tín dụng tiêu dùng là xu thế chung của thế giới, đặc biệt như ở châu Âu, tín dụng tiêu dùng chiếm 71% tổng tín dụng của ngân hàng.
“Tín dụng tiêu dùng đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt, sử dụng công nghệ thông tin để hình thành cơ sở dữ liệu vững chắc về khách hàng trước những biến động liên tục của khách hàng tiêu dùng. Đó là điều các ngân hàng đang đầu tư và triển khai mạnh mẽ, nhất là ngân hàng nhỏ”, ông Nghĩa nói.
“Tuy tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng khá nhanh, nhưng rủi ro ở khu vực này là thấp. Gần đây, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp kiến nghị với Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước rằng, theo xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần tiếp tục phát triển tín dụng tiêu dùng nhằm thúc đẩy thị trường nội địa để hỗ trợ khu vực sản xuất-kinh doanh, đồng thời kiểm soát rủi ro cho vay tiêu dùng thật vững chắc”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong nền kinh tế của Việt Nam đang thấp hơn so với hệ thống ngân hàng các nền kinh tế có thu nhập trung bình. Cụ thể, tín dụng tiêu dùng (bao gồm mua nhà ở và các sản phẩm lâu bền khác) của các nước khác là 30%, trong khi của Việt Nam là 18%. Xu thế trong trung hạn khi đô thị hoá tăng cao, tầng lớp trung lưu sẽ tăng cao, dẫn đến tỷ trọng tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng.
“Tỷ trọng tín dụng cho bất động sản và tiêu dùng Việt Nam thấp hơn so với các nước. Như vậy, nhìn theo trung hạn thì Việt Nam vẫn phải tăng tỷ trọng này. Tuy nhiên, vấn đề là hệ thống ngân hàng Việt Nam không đủ năng lực để tăng phần tín dụng cho lĩnh vực này mà vẫn đảm bảo an toàn và kiểm soát nợ xấu”, ông Thành nhấn mạnh.