Nguồn cung USD đang dồi dào hơn khi kiều hối chảy về Việt Nam ngày càng mạnh

Nguồn cung USD đang dồi dào hơn khi kiều hối chảy về Việt Nam ngày càng mạnh

Tỷ giá USD liên tiếp lao dốc

Sau khi tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 10, mấy ngày qua, tỷ giá USD liên tục lao dốc sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về việc ổn định tỷ giá.

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tiếp tục lao dốc trong ngày giao dịch 10/10, ghi nhận ngày thứ 5 giảm liên tiếp, với mức giảm 20 - 30 đồng/USD đối với cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Giá mua vào của các ngân hàng phổ biến ở mức 21.180 -21.185 đồng/USD, giá bán ra phổ biến ở mức 21.260 - 21.230 đồng/USD. Giá bán ra của các ngân hàng đã quay về gần như ngang bằng với thời điểm cuối tháng 9, trước khi thị trường gợn sóng.

Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được giữ ổn định ở mức 21.246 đồng/USD. Giá mua - bán USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn là 21.200/21.400 đồng/USD.

Ngược lại, ngày 10/10, tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhẹ ở chiều bán ra so với hôm trước đó. Tính đến chiều ngày 10/10, tỷ giá ghi nhận là 21.240 - 21.260 đồng/USD, tăng 10 đồng ở chiều bán ra và giá mua vào không đổi so với hôm trước. Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá bán ra và giá mua vào là 20 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD so với hôm trước đó. Ở mức hiện tại, giá USD tự do cao hơn giá USD ngân hàng 20 - 30 đồng ở chiều bán ra.

Cung - cầu ngoại tệ tại các ngân hàng được lãnh đạo các nhà băng cho biết, không có gì căng thẳng. Thậm chí, nguồn cung đang dồi dào hơn khi kiều hối chảy về Việt Nam ngày càng mạnh.

Khác với trước đây, hiện tại, tình hình đầu cơ trên thị trường ngoại hối được đánh giá là không còn đáng lo ngại. Điều đó thể hiện chỗ, toàn hệ thống tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ không tăng, mà tiếp tục giảm, trong khi tiền gửi VND vẫn tăng lên. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 22/9, huy động vốn tăng 9,79% so với cuối năm 2013. Trong đó, huy động vốn bằng VND tăng 10,94%, huy động bằng ngoại tệ tăng 2,82%.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho biết, sở dĩ tỷ giá có chiều hướng nhích nhẹ trong những ngày đầu tháng 10 là do một số người kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh trong nay mai.

Theo phân tích của vị tổng phó tổng giám đốc này, trước tình hình thị trường khó khăn hiện nay, khi các kênh đầu tư đang rơi vào tình trạng “tê liệt”, chứng khoán lình xình, bất động sản khó tan băng, vàng tiểm ẩn rủi ro, lãi suất tiết kiệm giảm dần…, nên việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá dù ở biên độ 1% thôi cũng được xem là cơ hội. Do đó, không ít người vẫn có tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng.

Thế nhưng, theo nhận định của các chuyên gia, giữ ngoại tệ chưa hẳn có lợi, vì lãi suất xem như bằng không, còn kỳ vọng tỷ giá biến động là rất khó.

Nhận định về tỷ giá USD hiện nay, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tỷ giá tiếp tục ổn định làm cho tiền đồng Việt Nam tăng thu hút nguồn ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

“Chính sách tỷ giá ổn định thời gian qua đã giảm bớt được tình trạng đầu cơ và gia tăng nguồn dự trữ ngoại tệ cho quốc gia. Theo tôi, việc kiểm soát tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là phù hợp, với mức điều chỉnh không quá 2%/năm”, TS. Cao Sỹ Kiêm nói.

Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, nếu tỷ giá thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất nhập khẩu, việc làm, nhưng nếu “neo” lâu quá cũng không khuyến khích được xuất khẩu. Ngược lại, nếu “thả” ra sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu cũng như việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam. Nhưng nếu không kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp sẽ dễ tạo cơ hội đầu cơ về ngoại tệ. Từ đó, làm cho tình trạng đô-la hóa của thị trường sẽ càng nghiêm trọng hơn, nên việc kiểm soát tỷ giá là điều cần thiết.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, tỷ giá biến động nhẹ trong thời gian qua là không đáng lo ngại và nếu tỷ giá có tăng thêm 1% nữa trong năm nay thì cũng là chuyện bình thường, nằm trong biên độ mà ngành ngân hàng đã đưa ra thông điệp từ đầu năm nay. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của thị trường.

Tin bài liên quan