Tỷ giá: Thấp nếu so sánh về tương quan với lạm phát

Tỷ giá: Thấp nếu so sánh về tương quan với lạm phát

(ĐTCK) Báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho biết, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm.

Ngày 20/6, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại xoay quanh mức 22.726 đồng/USD, giảm 0,17% so với đầu năm. Trong cùng khoảng thời gian, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tăng khoảng 1,2%.

Trong khi đó, theo UBGS, USD mất giá lên đến 5,1% và hầu hết các đồng tiền trong giỏ tiền tệ của Việt Nam đều tăng giá so với USD. Vẫn theo UBGS, tỷ giá thực hữu hiệu (REER) mất giá khoảng 2,7% so với đầu năm.

Như vậy, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hai lần trong 6 tháng đầu năm, với những bước điều chỉnh nhỏ, chưa gây áp lực đối với tỷ giá.

Phân tích sâu hơn về thị trường ngoại hối, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối HSBC Việt Nam cho hay, thị trường ngoại hối tương đối ổn định từ đầu năm đến nay.

Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao   

Vào tháng 1, cặp tỷ giá USD/VND giảm khoảng 200 điểm, xuống 22.560, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lẫn lượng kiều hối đổ vào khá tốt thời điểm trước Tết Nguyên đán, cộng thêm thặng dư thương mại đạt khoảng 1 tỷ USD.

Để hỗ trợ cặp tỷ giá USD/VND, NHNN đã tăng tỷ giá mua vào lên 275 điểm, đạt mức 22.575. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VND tăng lên 22.860 và được giao dịch ở mức gần mức tỷ giá trần khi Việt Nam đạt thặng dư thương mại hơn 2 tỷ USD vào tháng 2 và nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp tăng cao.

Đồng thời, NHNN siết chặt thanh khoản tiền đồng để bảo vệ đồng tiền trong nước và tỷ giá qua đêm tăng 4 - 5%. Tỷ giá USD/VND được giao dịch quanh mức 22.800 từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3.

Sau khi Fed tăng lãi suất USD vào tháng 3, tỷ giá USD/VND bắt đầu hạ nhiệt và giảm xuống mức 22.620 vào đầu tháng 4 khi USD yếu đi so với các đồng tiền mạnh khác và trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp (FII), trong đó có các hoạt động mua bán, sáp nhập, đổ vào khá mạnh.

Ông Khoa cho rằng, với mong muốn không để tiền đồng mất giá hơn so với USD, NHNN tăng giá mua vào lên 100 điểm đạt mức 22.670. NHNN cũng mua vào một lượng USD sau thời điểm đó. Sau đó, tỷ giá USD/VND được duy trì khá ổn định. Dòng vốn đổ vào từ FDI, FII và các hoạt động mua bán, sáp nhập duy trì ổn định ở mức cao trong tháng 4.

“NHNN đã khá linh hoạt trong cách điều hành và quản lý nhằm duy trì thị trường và tỷ giá USD/VND ở mức ổn định. Thị trường cũng có thể nhìn thấy được đường hướng của NHNN, dựa vào đó các doanh nghiệp cũng như các ngân hàng có thể có kế hoạch phòng ngừa rủi ro phù hợp”, ông Khoa nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo UBGS nêu quan điểm: “Với khoảng thời gian 6 tháng, tỷ giá giao dịch trung tâm do NHNN công bố chỉ tăng 1,2%, tôi cho rằng như thế là quá ổn định, thậm chí là thấp nếu so sánh về tương quan với lạm phát”.

Được biết, lạm phát tháng 6/2017 giảm 0,17% so với tháng 5, tăng 2,54% so với tháng 6/2016 và tăng 0,2% so với đầu năm. Như vậy, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) duy trì ở mức khá thấp, chỉ tăng 1,29% so với cùng kỳ.

Từ nay đến cuối năm, dự báo lạm phát tiếp tục xu hướng giảm do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang được ổn định. Do đó, nếu không có sự đột biến về giá hàng hóa thế giới, cũng như chưa tính đến việc điều chỉnh giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm thì lạm phát bình quân năm 2017 nhiều khả năng ở mức 2,4%.

UBGS ước tính, nếu giá dịch vụ công được điều chỉnh tương đương với mức điều chỉnh bằng một nửa của năm 2016 sẽ làm lạm phát tăng khoảng 1,8 - 2 điểm phần trăm; nếu tỷ giá USD/VND tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng 0,17 điểm phần trăm; nếu giá điện tăng 8 - 10% sẽ làm lạm phát tăng khoảng 0,3-0,4 điểm phần trăm.

“Tuy nhiên, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu đã ở mức 2,7 tỷ USD, chiếm 1,36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Fed trong các năm tiếp theo, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực. Cùng với xu hướng biến động khó lường của đồng Nhân dân tệ và Yên Nhật sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam”, vị lãnh đạo UBGS nhận định.           

Tin bài liên quan