Ông Ngô Đăng Khoa
NHNN cho biết, tỷ giá “nóng” lên những ngày qua là do vấn đề tâm lý. Đứng ở góc độ người làm thị trường, ông có thể phân tích kỹ hơn về hiện tượng tỷ giá tăng?
Trong những ngày qua, nhu cầu mua ngoại tệ của các DN có tăng. Ngoài ra, thị trường có những quan điểm trái chiều về tỷ giá, mặc dù nguồn cung ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào và Thống đốc NHNN đã nói rất rõ, chưa có điều kiện để điều chỉnh tỷ giá và nếu có điều chỉnh nhằm hỗ trợ xuất khẩu thì cũng chỉ khoảng 1,43% cho năm nay (từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá tăng 1%).
Do đó, một số ngân hàng đã mua ngoại tệ vào nhằm giảm bớt trạng thái ngoại hối âm để giảm rủi ro về tỷ giá. Bên cạnh đó, thanh khoản tiền VND hiện rất dồi dào và lãi suất VND cũng khá thấp (qua đêm khoảng 1 - 1,5%/năm), các ngân hàng không còn nhiều động lực duy trì trạng thái ngoại hối âm nhiều như trước đây do điểm kỳ hạn thấp nên mua ngoại tệ vào để giảm bớt trạng thái này. Việc này cũng đã tạo ra nhu cầu ngoại tệ khá lớn và đẩy tỷ giá tăng từ mức 21.230 VND lên khoảng 21.300 VND.
Theo ông, tín dụng ngoại tệ tăng trong thời gian qua có ảnh hưởng gì đến tỷ giá?
Tín dụng ngoại tệ tăng khá trong thời gian vừa qua khi hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại. Hầu hết các DN vay ngoại tệ hoạt động xuất nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai. Các DN sẽ dùng nguồn thu ngoại tệ của mình để trả nợ vay nên áp lực lên tỷ giá là không đáng kể. Tuy nhiên, nếu đến hạn trả nợ vay mà doanh thu bằng ngoại tệ chưa về, các DN sẽ phải mua ngoại tệ, tạo áp lực nhất định lên tỷ giá.
Ngoài các DN xuất nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ, một số DN không có nguồn thu ngoại tệ nhưng thuộc diện hỗ trợ đặc biệt cũng được phép vay ngoại tệ (được chấp thuận bởi NHNN). Nếu tỷ trọng dư nợ của nhóm này khá lớn trong tổng dư nợ ngoại tệ cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá, khi các khoản vay đến hạn.
Bên cạnh đó, các khoản vay ngoại tệ chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn và thường rơi vào thời điểm cuối năm, tạo áp lực lên tỷ giá khi nhu cầu mua ngoại tệ nhiều hơn để thanh toán nợ vay. Tuy nhiên, dự báo cán cân thương mại năm nay là thặng dư, cộng thêm giải ngân FDI và kiều hối chuyển về tốt.
Do vậy, áp lực về tỷ giá chỉ mang tính chất thời điểm, trong khi tổng cung cầu ngoại tệ cả năm vẫn thuận lợi và khó tạo áp lực lớn lên tỷ giá.
Theo quan điểm của ông, dựa vào kinh nghiệm từ các thị trường mới nổi, khi một quốc gia có xuất siêu và thặng dư cán cân thanh toán thì NHTW có nên duy trì chính sách đồng nội tệ yếu để hỗ trợ xuất khẩu?
Việc điều hành tỷ giá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và hoàn cảnh cụ thể ở mỗi quốc gia. Trên thực tế, có rất nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau về việc điều hành tỷ giá thế nào để hỗ trợ xuất khẩu. Cũng có những quan ngại rằng, nếu làm như vậy thì tăng trưởng xuất khẩu không đem lại kết quả tích cực về thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu. Điều hành tỷ giá thế nào để vừa có thể ổn định kinh tế vĩ mô, vừa có thể hỗ trợ xuất khẩu và giúp thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu là một nghệ thuật.
Nhiều quan điểm cho rằng, cần phải phá giá đồng VND nhiều hơn để có thể hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là nguyên liệu thô hoặc những sản phẩm có giá trị tăng thêm rất ít.
Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc để sản xuất những sản phẩm đó. Do đó, khi điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm mạnh giá trị VND thì chi phí nhập khẩu cũng sẽ tăng mạnh, tác động đến giá thành sản phẩm và lạm phát của quốc gia.
Chúng ta cũng chưa thể định lượng một cách rõ ràng khi điều chỉnh tỷ giá như vậy thì tác động đến xuất khẩu và nhập khẩu là bao nhiêu, lợi hại thế nào. Bên cạnh đó, khi phá giá VND, nợ nước ngoài sẽ tăng lên đáng kể. Chính vì vậy, NHNN đã định hướng và điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, linh hoạt, giúp tỷ giá điều chỉnh trong biên độ thích hợp, không gây tác động tâm lý tiêu cực và kết quả đạt được trong thời gian qua đã nói lên tất cả.