Việc tăng lãi suất đồng USD đã nằm trong tính toán của Ngân hàng Nhà nước
Kỳ vọng Fed sớm nâng lãi suất
Cuối tuần qua (ngày 17/2), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.229 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày 16/2; biên độ +/- 3%; giá trần là 22.895 đồng/USD; giá sàn là 21.574 đồng/USD.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá VND/USD là 22.800 - 22.850 đồng/USD (mua vào - bán ra), thay đổi không đáng kể so với ngày 16/2.
Tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, tỷ giá ngày 17/2 không chênh lệch lớn. Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ giá USD mua tiền mặt và chuyển khoản đều ở mức 22.735 đồng/USD; bán ra ở mức 22.805 đồng/USD, tăng 5 đồng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra so với ngày 16/2.
Tại VietinBank, so với ngày 16/2, tỷ giá USD ngày 17/2 giảm 2 đồng ở chiều mua tiền mặt, ở mức 22.738 đồng/USD; giảm 10 đồng với mua chuyển khoản, ở mức 22.740 đồng/USD; bán ra ở mức 22.810 đồng/USD, giảm 10 đồng.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ giá USD ngày 17/2 tại Techcombank mua vào – bán ra ở 22.710 – 22.810 đồng/USD, tăng 10 đồng chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra so với ngày 16/2. Tỷ giá USD ngày 17/2 tại Eximbank không có thay đổi so với 16/2, ở mức 22.720 - 22.800 đồng/USD (mua vào – bán ra).
Phân tích nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nhẹ những ngày qua, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp TPBank nhận định, tỷ giá tại thị trường nội địa chịu ảnh hưởng từ 2 hướng: quốc tế và trong nước. Đối với yếu tố quốc tế, thị trường kỳ vọng Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, sẽ tiến hành nâng lãi suất trong phiên họp tiếp theo vào tháng 6/2017.
Kỳ vọng này tiếp tục được củng cố khi ngày ngày 14/2, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed phát biểu rằng: “Chờ đợi quá lâu mới hành động sẽ là bước đi thiếu khôn ngoan, do đó có thể FOMC sẽ phải nhanh chóng thực hiện kế hoạch tăng lãi suất, dù điều này có thể gây xáo trộn thị trường tài chính và khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái”.
“Chỉ số đo sức mạnh của đồng USD đã nhanh chóng leo dốc sau phát biểu này của Chủ tịch Fed. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tỷ giá VND/USD chỉ tăng nhẹ, một phần bởi thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng đã dồi dào hơn nhiều so với giai đoạn trước Tết”, vị lãnh đạo TPBank nói.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Trung Quốc có thêm các biện pháp hỗ trợ sức mạnh của đồng Nhân dân tệ tiếp tục gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong dài hạn.
Đối với nguyên nhân từ thị trường nội địa, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, thị trường liên ngân hàng có một chút biến động khi cuối tuần qua, lãi suất liên ngân hàng nhích lên mức 4%/năm, từ mức khoảng 2%/năm ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên cũng chưa có dấu hiệu quá căng thẳng.
Tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay có tăng, nhưng không phải là con số lớn, phù hợp với những động thái mới từ Fed. Việc cơ quan này có thể nâng lãi suất thêm 2 – 3 lần nữa trong năm nay khiến thị trường có khuynh hướng thận trọng hơn.
“Trước Tết Nguyên đán, thời điểm có chút căng thẳng về thanh khoản, các ngân hàng có thể để âm trạng thái USD để thu xếp VND. Hiện tại, VND đã trở nên dư dả hơn trong hệ thống, nên các ngân hàng cân bằng trạng thái trở lại. Bên cạnh đó, một vài nhu cầu mua ngoại tệ từ doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh đầu năm đã đẩy nhu cầu thị trường cao hơn, nhưng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang quản lý tỷ giá theo tỷ giá trung tâm, do vậy, biến động những ngày qua chưa thể trở thành xu hướng. Chắc chắn việc tăng lãi suất đồng USD đã nằm trong tính toán của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành”, ông Quang nhấn mạnh.
Tỷ giá nhiều biến động
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tâm lý kỳ vọng trên thị trường tài chính quốc tế, cùng với chỉ số kinh tế vĩ mô tốt của nền kinh tế Mỹ khiến chỉ số đo sức mạnh đồng USD gia tăng. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, những yếu tố căn bản của kinh tế vĩ mô không có biến động lớn.
Cụ thể, chính sách tiền tệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, cùng với nhịp độ bắt đầu một năm mới của hoạt động sản xuất - kinh doanh sau kỳ nghỉ Tết chưa sôi động... nên không hỗ trợ USD tăng giá. Do vậy, tỷ giá USD/VND tuy có nhích nhẹ những ngày gần đây, nhưng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt và xu hướng lên xuống liên tục này được dự báo sẽ diễn ra khá thường xuyên trong năm 2017.
Cùng quan điểm này, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong tháng 1/2017 ước tính ở mức khoảng 100 triệu USD. Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp khá ổn định, trong khi nguồn ngoại tệ đổ vào tương đối thấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng.
“Tính đến thời điểm đóng cửa ngày 17/2, tỷ giá VND/USD không thay đổi nhiều so với mức đầu năm. Trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng tỷ giá VND/USD sẽ ở khoảng 22.650 - 22.850 đồng/USD. HSBC dự báo, đến cuối năm 2017, tỷ giá sẽ ở mức khoảng 23.200 đồng/USD. Một số yếu tố chính tác động lên tỷ giá USD/VND chúng ta cần lưu ý là tỷ lệ lạm phát, lãi suất gửi tiền đồng, tốc độ - thời điểm lãi suất USD tăng và liệu các chính sách bảo hộ tại Mỹ có dẫn đến chiến tranh thương mại giữa Mỹ với các đối tác thương mại hay không”, ông Khoa nói.
Dự báo về diễn biến tỷ giá năm 2017, vị lãnh đạo TPBank cho biết, tỷ giá VN/USD tuy sẽ có nhiều biến động, nhưng biên độ không lớn. Bên cạnh đó, tỷ giá nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố như FDI giải ngân 2016 đạt kỷ lục 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015 và dự báo năm 2017 nhiều khả năng sẽ không giảm hơn mức này; nguồn ngoại tệ đầy hứa hẹn từ những thương vụ M&A, IPO và xu hướng thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp quốc doanh lớn được dự đoán sẽ duy trì trong năm 2017.