Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua ròng trên TTCK Việt Nam từ đầu tháng 2/2012

Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua ròng trên TTCK Việt Nam từ đầu tháng 2/2012

Tỷ giá ổn, vốn ngoại quay đầu

Tỷ giá ổn định trong suốt hai tháng qua đang được cho là một trong những yếu tố kéo vốn ngoại ngược dòng chảy vào TTCK trong thời gian qua.

Mua ròng trở lại

 

Năm 2012 là thời điểm nhiều quỹ đầu tư vốn nước ngoài kết thúc hoạt động. Đã có những lo ngại sẽ có làn sóng đóng quỹ và thoái vốn hàng chục nghìn tỷ đồng trên TTCK Việt Nam . Mặc dù vậy, đang có những dấu hiệu cho thấy hoạt động mua bán của khối này đang sôi nổi trở lại với dòng tiền chảy vào nhiều mã cổ phiếu lớn.

 

Liên tục giữ mức giao dịch thấp sau cú sốc tỷ giá -9,3% từ tháng 2/2011, khối các nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ quay trở lại mua ròng 1.135 tỷ đồng trong 3 tuần đầu tháng 2/2011 (riêng trong tháng 1, khối ngoại bán ròng hơn 2.000 tỷ chủ yếu do ANZ chuyển nhượng vốn Sacombank cho Eximbank).

 

Hiện tượng mua ròng trong vài tuần qua đi kèm với một loạt các dự báo tích cực từ rất nhiều định chế tài chính lớn như Citigroup, Dragon Capital, Manulife Asset Management... vẫn đang được giới đầu tư trong nước đánh giá với các ý kiến trái ngược nhau.

 

Cho tới thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở để kết luận dòng vốn ngoại đang quay trở với chứng khoán nhưng cũng có thể thấy sự chuyển biến trong hoạt động mua-bán của các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra song trùng với những chuyển biến vĩ mô của nền kinh tế.

 

Một trong những biến đổi tích cực phải kể đến là sự ổn định của đồng Việt Nam .

 

Thông tin từ NHNN Việt Nam cho biết, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tính đến 28/2/2012 tiếp tục giữ ở 20.828 đồng/USD. Mức này được giữ nguyên từ 24/12/2011.

 

Theo NHNN, tình hình thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện từ trong tháng 1/2012. Sau Tết Nguyên đán (30/1), những chuyển biến tích cực đó tiếp tục được ghi nhận ở thanh khoản ngoại tệ tốt hơn và trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng luôn ở mức dương nhẹ. Các ngân hàng thương mại tiếp tục tích cực bán lại ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước.

 

Trên thị trường, những chuyển biến đó gắn với quãng giao dịch từ ngày 18/1/2012, khi các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm giá USD trên biểu niêm yết. Giá USD bán ra từ mức kịch trần 21.036 VND liên tục giảm xuống dưới mốc 20.900 VND.

 

Trong tuần qua (20-24/2), xu hướng ổn định tiếp tục thể hiện. Các ngân hàng đang niêm yết giá bán ra phổ biến từ 20.810 - 20.820 VND, trong khi giá mua vào từ 20.850 - 20.880 VND. Tới 28/2, giá niêm yết của Vietcombank thậm chí còn giảm khá mạnh xuống còn 20.790 (mua) và 20.850 đồng.

 

Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng khá ổn định và có chênh lệch không đáng kể với giá mua bán của các ngân hàng thương mại.

 

Cho đến nay, giá trị đồng Việt Nam ổn định dường như đang tiếp thêm niềm tin cho thị trường, bao gồm các nhà đầu tư ngoại.

 

Trong báo cáo ra ngày 22/2 của Citigroup, tổ chức này khuyến nghị, các nhà đầu tư nên có cái nhìn dài hạn về triển vọng kinh tế của Việt Nam . Về ngắn hạn, những vấn đề mà các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam cần chú ý nhiều nhất bao gồm sự giảm tốc của lạm phát, hợp nhất các ngân hàng và nợ xấu của các ngân hàng.

 

Như vậy, có thể thấy, một vấn đề mà các tổ chức nước ngoài luôn quân tâm hàng đầu là tỷ giá đã không được nhắc tới. Với mục tiêu kiềm chế tỷ giá ở mức 3% trong năm 2012 và những gì đã và đang diễn ra, dường như đây không còn là mối quan ngại lớn đối với họ.

 

Về lạm phát, Citigroup cũng cho rằng sẽ giảm về mức một con số trong năm nay, từ mức 23% trong năm 2011.

 

Vốn ngoại quay đầu

Trong bối cảnh các ngân hàng và CTCK đang tái cấu trúc và dòng tiền trong nước vào TTCK khá eo hẹp thì dòng vốn từ khối các nhà đầu tư ngoại là rất quan trọng giúp thị trường phát triển.

 

Theo đánh giá của EPFR Global, một công ty chuyên cung cấp dữ liệu quốc tế, dòng tiền đang có xu hướng trở lại với với thị trường nhóm nước mới nổi. Theo đó, tính từ đầu năm 2012 đến nay, các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường mới nổi đã hút được 11,3 tỷ USD - một khởi đầu tốt nhất tính từ năm 2006.

 

Điều này cũng dễ hiểu bởi giới đầu tư quốc tế hiện đang tỏ ra chán nản với khủng hoảng nợ công tại châu Âu và đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn với các khoản đầu tư tại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam .

 

Mặc dù cũng phải tính tới yếu tố đầu cơ của khối ngoại nhưng vẫn có thể giữ dòng tiền chảy vào thị trường nếu tình hình vĩ mô được cải thiện, cách thức quản lý TTCK được thay đổi và đặc biệt hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tốt lên.

 

Trước mắt, năm 2012 sẽ là thời điểm các quỹ này kết thúc thời gian hoạt động sau thời kỳ bùng nổ thành lập 2002-2004. Để khuyến khích các nhà đầu tư ngoại tiếp tục ở lại Việt Nam, điều quan trọng là cần có những chính sách cụ thể như nới room sở hữu (thay vì khóa ở tỷ lệ 49% hiện tại), đơn giản hóa thủ tục cấp mã số giao dịch, tăng lượng hàng hóa có chất lượng (thông qua đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp lớn)...

 

Cho tới thời điểm này, các cơ quan chức năng đã có những thay đổi tích cực để hút nhà đầu tư ngoại như: ban hành tư số 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở (sẽ có hiệu lực trong tháng 3 này) , quyết định kéo dài thời gian sang buổi chiều từ 5/3 (giúp khối ngoại có thể tiện theo dõi và đặt lệnh hơn).

 

Mặc dù vậy, để các quỹ mở hình thành nhanh chóng (thay thế cho các quỹ đóng) thì những quy định mang tính cấp thiết phục vụ cho mô hình quỹ này vận hành như cơ chế thuế và chế độ kế toán cần phải được xem xét ban hành nhanh chóng, phát triển hạ tầng công nghệ mới cho sự vận hành của quỹ mở...

 

Một điểm đáng mừng là TTCK đang hồi phục đáng kể về giá trị giao dịch và thanh khoản. Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định để quá trình thành lập, huy động vốn của các quỹ mở hoặc chuyển đổi từ các quỹ đóng sang các quỹ mở được thành công và sớm diễn ra trong năm 2012.

 

Trên hết, nỗ lực giữ vững tỷ giá, kéo giảm lạm phát về một con số và đẩy nhanh tái cấu trúc ngân hàng, CTCK mới là tiền đề cơ bản để giữ dòng vốn ngoại đang loay hoay không biết tìm chỗ đầu tư ở lại với các doanh nghiệp trong nước  đang cần vốn cho phát triển kinh doanh.