Trong năm nay, cơ quan điều hành đã chủ động sử dụng một loạt công cụ thị trường tiền tệ như hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất thông qua kênh tín phiếu, thị trường mở, hạ tỷ giá mua vào song song với việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá trung tâm phù hợp với diễn biến thị trường, giúp tiền đồng tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 3 lần hạ lãi suất trong năm qua cũng phần nào tác động tích cực lên tỷ giá tiền đồng.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng năm 2019 dao động trong biên độ tương đối hẹp, từ 23.200-23.175 VND/USD.
Từ đó, Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đánh giá, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt, chủ động, theo sát và dự báo được những diễn biến phức tạp từ thị trương tiền tệ quốc tế và khu vực để chủ động điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, tăng trên 2,5 lần so với cuối năm 2015.
Theo Thống đốc, đây là “tấm đệm” cho quốc gia để phòng chống những tác động bất lợi từ bên ngoài vào nền kinh tế Việt Nam.
Năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD - nằm trong Top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới - WB), trong đó, TP.HCM nhận lượng kiều hối đổ về cao nhất cả nước, ước đạt 5,6 tỷ USD.
Tại chương trình gặp gỡ báo chí thông tin kết quả hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2019 mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Lương Thanh Nghị cho biết, cùng với các dự án đầu tư của kiều bào nước ngoài về trong nước, kiều hối là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế.
Theo ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam, bước sang năm 2020, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt.
Ðáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần theo dõi như kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Brexit chưa đến hồi kết, hay sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ…
Ngoài ra, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Mỹ cũng là yếu tố cần lưu tâm.
Dẫu vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều hành chính sách điều hành thị trường theo hướng linh hoạt, chủ động để tránh tạo ra những cú sốc về tỷ giá, lãi suất.
Kinh tế năm 2020 được cho là đứng trước nhiều khó khăn hơn, dẫn đến thách thức trong định hướng tỷ giá.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, đứng trước những biến động khó lường của tỷ giá, doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất…, để đảm bảo chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
Ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ giúp các ngân hàng đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho khách hàng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất.