Ông Ngô Đăng Khoa

Ông Ngô Đăng Khoa

Tỷ giá chịu nhiều áp lực, nhưng vẫn sẽ ổn định

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, lãi suất đồng USD tăng trong thời gian tới sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, với những chính sách và công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện tại, cùng với nguồn vốn FDI, ODA, FII và kiều hối, tỷ giá sẽ ổn định trong thời gian tới.

Mấy ngày qua, thị trường dấy lên lo ngại về áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm, nhất là trong quý IV/2015? Nhận định của ông về thị trường ngoại hối và áp lực tỷ giá như thế nào?

Nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp cho thanh toán nhập khẩu và chuyển lợi nhuận về nước tăng khá ở thời điểm cuối quý II/2015, cộng với thâm hụt thương mại tăng lên trong những tháng gần đây đã tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn ổn định nhờ nguồn vốn FDI, ODA, FII và kiều hối, cùng với những biện pháp, công cụ điều hành ngoại hối, lãi suất và tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Với sự phục hồi của nền kinh tế, thâm hụt thương mại dự báo duy trì xu hướng tăng trong những tháng cuối năm, do đó sẽ có những áp lực lên tỷ giá trong từng thời điểm nhất định. Nhưng với những chính sách và công cụ điều hành của NHNN hiện tại, cùng với nguồn cung ngoại tệ nêu trên, tỷ giá sẽ ổn định trong thời gian tới. 

Liệu tỷ giá có giữ được biên độ NHNN cam kết không tăng quá 2% năm nay khi áp lực tăng giá của đồng bạc xanh ngày một gia tăng, thưa ông?

Việc lãi suất đồng USD có khả năng điều chỉnh tăng lên trong thời gian tới sẽ có áp lực khá mạnh lên tỷ giá ở những nước có nguồn vốn đầu tư FII nóng, lạm phát cao và thâm hụt thương mại lớn.

Tỷ giá USD/VND sẽ có những áp lực nhất định khi các đồng tiền trong khu vực hoặc các nước có nhiều mặt hàng cạnh tranh xuất khẩu với chúng ta điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, việc NHNN cam kết tỷ giá không tăng quá 2% trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được với tình hình và điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay. 

Nhiều người cho rằng, tình trạng găm giữ ngoại tệ sẽ tái diễn trước các nhận định về sự hồi phục của đồng USD gây áp lực lên tỷ giá cuối năm. Theo ông, điều đó có đáng lo ngại và việc găm giữ ngoại tệ có gia tăng?

Khi có kỳ vọng tỷ giá sẽ điều chỉnh thì tình trạng găm giữ ngoại tệ có khả năng tái diễn, nhưng tôi cho là không nhiều do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn còn khá lớn và hấp dẫn. Hiện lãi suất tiết kiệm lãi suất tiền đồng cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ. 

Theo ông, với dự trữ ngoại hối hiện nay, NHNN có thể thực hiện mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ và bán ra 5 - 6 tỷ USD, tương đương với mức thâm hụt cán cân thương mại trong kịch bản xấu?

Với dự trữ ngoại hối hiện nay, NHNN hoàn toàn có đủ khả năng can thiệp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, NHNN có thể không cần phải bán ra nhiều ngoại tệ như vậy vì Việt Nam vẫn còn thu hút được ngoại tệ từ những nguồn khác như FDI. Cho đến cuối tháng 7 thì nguồn FDI giải ngân trong năm nay đạt khoảng 7,4 tỷ USD. Ngoài ra, kiều hối dự kiến đạt 10 - 12 tỷ USD trong năm nay. 

Việc cho vay ngắn hạn ngoại tệ theo Thông tư 43/TT-NHNN sẽ chấm dứt vào ngày 31/12/2015. Điều này có ảnh hưởng gì đến cung cầu ngoại tệ và tỷ giá, theo ông?

Các doanh nghiệp vay ngoại tệ là các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ. NHNN cho phép một số doanh nghiệp vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng vốn để hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn. Thời điểm vay và thời điểm trả nợ vay của các doanh nghiệp khác nhau, nhưng nếu việc trả nợ vay dồn vào một thời điểm nhất định thì có thể tạo áp lực lên tỷ giá. 

Theo ông, có các yếu tố tiềm ẩn nào tạo áp lực đối với thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm?

Những yếu tố tiềm ẩn có thể là yếu tố tâm lý cộng với nhu cầu lớn bất ngờ ở một thời điểm nào đó sẽ đẩy tỷ giá tăng mạnh. Khi đó, do tâm lý, các doanh nghiệp và người dân có thể mua ngoại tệ cùng lúc, tạo nhu cầu lớn trên thị trường. Tuy nhiên, với việc NHNN thường xuyên trao đổi thông tin với thị trường và giới truyền thông, với chính sách và công cụ điều hành chủ động, chặt chẽ và linh hoạt, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp giữ tỷ giá ổn định khi cần thiết.

Tin bài liên quan