Bà Nguyễn Thanh Thảo

Bà Nguyễn Thanh Thảo

TVS, chặng đường chinh phục 10.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Tại Diễn đàn M&A 2013 do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức mới đây, thương vụ Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) bỏ ra 184 triệu USD để sở hữu 95% cổ phần của CTCP Diana Việt Nam vào năm 2011 có tên trong Top 50 thương vụ M&A tiêu biểu giai đoạn 2009 - 2013.

Thương vụ này được các chuyên gia, trong đó có ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp của Recof Coporation, một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực M&A của Nhật Bản, đánh giá là tạo điểm nhấn ấn tượng trên thị trường M&A Việt Nam.

Nhiều người không khỏi bất ngờ khi được biết CTCK Thiên Việt (TVS) là nhà tư vấn độc quyền cho bên bán trong thương vụ Unicharm mua Diana, chứ không phải là một nhà tư vấn ngoại có tên tuổi. Để giúp giới đầu tư và doanh nghiệp hiểu hơn về nhà tư vấn “kín tiếng” này, Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng giám đốc TVS.

Được biết, bộ phận Investment Banking (IB) của TVS có đóng góp quan trọng vào sự thành công của thương vụ Unicharm mua Diana và gần đây là nhiều thương vụ M&A lớn khác. Bộ phận IB đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự cạnh tranh khác biệt của TVS. Bà có thể chia sẻ những thành quả nổi bật mà bộ phận IB đạt được sau 7 năm phát triển?

Đến tháng 11/2013, sau 7 năm hoạt động, mảng IB của TVS đã tư vấn cho các DN và cá nhân trong nước huy động thành công trên 10.000 tỷ đồng (500 triệu USD), một con số ấn tượng trong bối cảnh thị trường vốn Việt Nam còn sơ khai.

Trong đó, TVS chủ yếu đóng vai trò là tư vấn độc quyền cho các công ty và cá nhân Việt Nam huy động vốn và M&A với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thông qua 18 thương vụ thuộc nhiều lĩnh vực: hàng tiêu dùng, hạ tầng, tài chính ngân hàng, công nghệ, truyền thông - giải trí, bất động sản…

Thương vụ đầu tiên của TVS là tư vấn độc quyền cho một DN Việt Nam trong lĩnh vực hàng tiêu dùng huy động vốn từ một quỹ đầu tư danh tiếng nước ngoài vào cuối năm 2007.

Quỹ đầu tư này có tổng tài sản quản lý lên đến hàng trăm tỷ USD và có những yêu cầu rất khắt khe không chỉ về hiệu quả đầu tư, mà còn về tính minh bạch thông tin, pháp lý và quy trình thẩm định đầu tư. Tại thời điểm đó, đây là khoản đầu tư đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của quỹ đầu tư này.

Thành công của thương vụ này đã chứng tỏ khả năng của TVS trong cấu trúc thương vụ, định giá, đàm phán, tổ chức và quản lý quy trình thẩm định đầu tư.

Năng lực tư vấn của bộ phận IB của TVS tiếp tục được khẳng định với nhiều thương vụ tư vấn thành công nối tiếp, mà một trong số đó là thương vụ Diana - Unicharm được trao giải thưởng “Thương vụ tốt nhất năm” của Tạp chí The Asset Magazine. Giá trị các thương vụ tư vấn của TVS ngày càng cao, khi hiện nay giá trị trung bình một thương vụ đạt trên 30 triệu USD.

Mạng lưới NĐT nước ngoài mà TVS đem đến cho khách hàng của mình ngày một rộng khắp, với các tên tuổi lớn như Goldman Sachs, IFC (công ty thành viên của World Bank), Ayala Corporation.

Tuy nhiên, theo tôi, thành quả lớn nhất mà TVS đạt được chính là sự hài lòng, tin tưởng mà khách hàng dành cho Công ty, thể hiện qua việc hầu như tất cả khách hàng của TVS hiện nay đã sử dụng dịch vụ IB của TVS cho ít nhất 2 thương vụ huy động vốn, M&A liên tiếp của họ.

 

Thưa bà, đâu là những yếu tố chính góp phần làm nên kết quả ấn tượng trên?

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là con người. Có được đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, am hiểu thị trường vốn quốc tế và “khẩu vị” của NĐT, lẫn môi trường kinh doanh và văn hóa trong nước là yếu tố then chốt làm nên thành công cho bộ phận IB của TVS.

Đội ngũ chuyên gia tư vấn của TVS có đủ năng lực để trình bày về DN theo “ngôn ngữ” của NĐT, sao cho họ hiểu được toàn cảnh môi trường cạnh tranh trong ngành mà DN đang hoạt động, chiến lược của DN trong môi trường cạnh tranh đó, cũng như cách tổ chức hoạt động để DN có thể thành công trong chiến lược cạnh tranh mà mình đặt ra.

Nói cách khác, TVS đã mở ra cho NĐT thấy tất cả các giá trị tiềm ẩn của DN, với dẫn chứng, số liệu và lập luận chặt chẽ. Nhờ vậy có thể đưa kỳ vọng giá của NĐT đến gần hơn với kỳ vọng giá của DN. Khả năng đánh giá đúng từng NĐT về mục đích và chiến lược đầu tư của họ, để thuyết phục NĐT bằng những đặc điểm riêng, có giá trị nhất của DN, cũng là một thế mạnh về yếu tố con người của TVS.

Yếu tố tiếp theo là mạng lưới NĐT danh tiếng, có tiềm lực tài chính mạnh, rộng khắp mà TVS xây dựng được trong nhiều năm qua nhờ vào uy tín của mình, vốn am hiểu các tập quán đầu tư quốc tế, cũng như khả năng tìm ra giải pháp hài hòa cho cả DN lẫn NĐT.

 

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, TVS luôn đạt lợi nhuận dương. Thưa bà, bằng cách nào TVS đã cân bằng giữa mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận với phòng ngừa rủi ro?

Ngay từ khi thành lập, TVS được định hướng chiến lược tập trung 80% nguồn lực cho phát triển 2 lĩnh vực chủ chốt là hoạt động IB và đầu tư (PI). Chúng tôi luôn kiên trì với mục tiêu này trong suốt các giai đoạn thăng trầm của  thị trường tài chính.

Mảng IB đòi hỏi nguồn lực chất xám thay vì nguồn vốn, nên tổn thất tài chính cho TVS gần như không có. Đối với hoạt động tự doanh, HĐQT của TVS có phương châm: “Tìm kiếm lợi nhuận thay vì phòng tránh thua lỗ” và tất nhiên rủi ro sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi đã cân bằng bởi chiến lược tập trung đầu tư dựa trên các giá trị nền tảng có thể định lượng được của các DN hoạt động hiệu quả, thay vì đầu tư theo thị trường. Tính riêng trong năm 2013, tỷ lệ lợi nhuận từ danh mục đầu tư niêm yết của TVS hiện nay đã vượt 60%.

TVS luôn tin tưởng vào tiềm năng, cơ hội và sự phát triển của TTCK cũng như thị trường tài chính Việt Nam. Tôi tin là sẽ rất khó khăn cho bất kỳ một CTCK nào để phát triển khi thiếu vắng niềm tin vào chính thị trường mà họ đang hoạt động.

 

Có một sự thật là chúng tôi chưa thấy TVS xuất hiện trong Top 10 CTCK có thị phần môi giới cao nhất. TVS có ý định thay đổi thứ hạng này không, thưa bà?

So với các mảng kinh doanh khác như IB, hoạt động môi giới đòi hỏi đầu tư về công nghệ, quy mô nguồn vốn, nhân lực và quản trị nhiều hơn.

Ngoài ra, mảng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là hoạt động giao dịch ký quỹ như đã thấy trên TTCK trong 3 năm qua. Tôi cho rằng, để phát triển bền vững mảng môi giới, TVS trước hết cần xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro độc lập và hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh.

Quản trị rủi ro tốt cho phép TVS không những tận dụng được các cơ hội phát triển trong tương lai ở mảng môi giới, mà còn bảo vệ được những giá trị mà TVS đã gây dựng.

Cùng với nhà tư vấn Ernst & Young, chúng tôi đã xây dựng thành công khung quản trị rủi ro cho TVS, cũng như ý thức quản trị rủi ro từ cấp cao nhất thuộc HĐQT đến Ban điều hành, các phòng ban và đến từng nhân viên.

Một khi khung quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ đi vào vận hành ổn định, chúng tôi sẽ cân nhắc phát triển mảng môi giới lên vị thế cao hơn. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng, TVS vẫn tiếp tục theo đuổi sứ mệnh duy trì và phát triển vị thế nhà tư vấn huy động vốn và M&A hàng đầu tại Việt Nam, thay vì đi tìm kiếm thị phần ở mảng môi giới mà chúng tôi không có lợi thế cạnh tranh khác biệt.

“Để IB thành công, yếu tố danh tiếng của TVS đóng vai trò quan trọng”

Ông Nguyễn Cường

Giám đốc bộ phận IB của TVS

 

Danh tiếng và uy tín của nhà tư vấn đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của dịch vụ IB. Ngoài tiếp tục thu hút và đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn, tiếp cận nhiều hơn các NĐT nước ngoài mới, TVS đã hoàn thành việc chuẩn hóa và triển khai quy trình kiểm soát rủi ro cho nghiệp vụ IB. Điều này tiếp tục thể hiện cam kết của TVS đối với khách hàng và NĐT về chuẩn đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp và minh bạch trong hoạt động tư vấn của mình bên cạnh năng lực chuyên môn đã được khẳng định. Đây là mối quan tâm thường trực của các DN và NĐT khi hoạt động tại các thị trường vốn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu như Việt Nam.

Như một phần trong tiêu chí của IFC khi đầu tư chiến lược vào TVS là hỗ trợ phát triển mảng dịch vụ IB hướng đến các DN vừa và nhỏ của Việt Nam, thời gian tới, TVS sẽ dành một phần nguồn lực của mình để hỗ trợ tư vấn huy động vốn và M&A cho đối tượng DN này, nhất là trong các thương vụ huy động vốn và M&A giữa các DN Việt Nam.

 


>>9 tháng, TVS tư vấn huy động vốn đạt 74 triệu USD

>>Quý III/2013: Lợi nhuận của TVS tăng đột biến