Tuýt còi lãi suất, kiểm soát tín dụng

Trước tình trạng lãi suất, tín dụng có biểu hiện nóng lên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cảnh báo việc vi phạm lãi suất huy động, đồng thời kiểm soát tín dụng.
Năm 2016, tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng tích cực và có thể đạt mức tăng 20%

Năm 2016, tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng tích cực và có thể đạt mức tăng 20%

Làn sóng tăng lãi suất huy động được khởi phát cuối năm 2015 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo khảo sát của Báo Đầu tư, trong vòng 2 tháng qua, đã có gần 30 ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới.

Hàng loạt ngân hàng từ lớn tới nhỏ, từ nội tới ngoại, đều tăng lãi suất huy động, như Agribank, VietinBank, BIDV, VIB, VPBank Baoviet Bank, Eximbank, HSBC, MB, OCB, Ocean Bank, PVcomBank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, Standard Chartered, ANZ, Citibank... Thậm chí, có ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tới 3 - 4 lần.

Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của nhiều ngân hàng đã chạm trần quy định (5,5%/năm). Lãi huy động kỳ hạn 6 tháng lên tới 6,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng cao nhất 7,3%, kỳ hạn 18 tháng là 7,6%/năm và kỳ hạn 36 tháng đã được Ngân hàng OCB đẩy lên 8%/năm, cao nhất thị trường.

NHNN yêu cầu các ngân hàng không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định.

Không chỉ có thế, theo phản ánh của nhiều khách hàng, khi gửi với số tiền lớn (thường từ 500 triệu đồng trở lên), khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất “ngầm” vượt trần 0,5 - 0,6%/năm dưới hình thức trúng thưởng, nhận quà khuyến mãi.

Tương tự, với USD, dù NHNN quy định lãi suất huy động 0%/năm, song tại nhiều ngân hàng, người gửi tiền vẫn được hưởng 0,5 - 0,8%/năm qua nhiều hình thức.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào, song tín dụng phục hồi mạnh thời gian qua và tăng trưởng khá đều ngay từ những tháng đầu năm là nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy mạnh thu hút tiền gửi, nhằm chuẩn bị nguồn cho tăng trưởng tín dụng những tháng tới.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, có thêm 3 lý do nữa khiến ngân hàng tăng lãi suất.

Thứ nhất, tăng lãi suất để giữ chân khách hàng.

Thứ hai, tín dụng, nhất là tín dụng bất động sản tăng “nóng” thời gian qua khiến vốn dư thừa của nhiều ngân hàng không còn nhiều, buộc phải nâng lãi suất để có nguồn cho vay thời gian tới.

Thứ ba, lạm phát có khả năng tăng và lượng lớn vốn ngân hàng đổ vào trái phiếu chính phủ khiến nguồn cung vốn năm 2016 dự báo không dư thừa nhiều cũng là nguyên nhân đẩy lãi suất huy động nóng lên.

Trước tình trạng lãi suất huy động nóng dần lên, đe dọa đến mặt bằng lãi suất cho vay, trong Chỉ thị 01/CT-NHNN vừa ban hành tuần qua, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định. NHNN cũng khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của NHNN về lãi suất huy động và cho vay, kịp thời phát hiện các vi phạm và sẽ xử lý nghiêm.

Theo nhận định của Bộ phận Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, nhưng không dư thừa và sẽ khá căng thẳng tại một số thời điểm. Lãi suất điều hành dự báo được giữ nguyên trong năm 2016, NHNN sẽ tiếp tục linh hoạt công cụ thị trường mở để đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Cũng theo dự báo của BIDV, năm nay, tín dụng tiếp tục tăng tích cực và có thể đạt mức tăng 20%, do NHNN tiếp tục chính sách thiên về nới lỏng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng do nợ xấu và áp lực trích lập dự phòng rủi ro đã giảm bớt.

Các chuyên gia khuyến cáo, dù tín dụng có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm nay, song NHNN cần tiếp tục kiểm soát cung tiền, không để tín dụng tăng trưởng quá nóng. Trong đó, việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng siết tín dụng đổ vào bất động sản và giảm bớt việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn nhằm phòng ngừa rủi ro là hết sức cần thiết.

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, một trong những vấn đề đáng lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 là xử lý việc tín dụng trung dài hạn của các tổ chức tín dụng tăng nhanh từ năm 2014 đến nay, vì nếu tiếp tục xu hướng này thì sẽ tác động không thuận tới thanh khoản của hệ thống.

Tin bài liên quan