Luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Công ty TNHH Saigonmind cho biết, thực tiễn ở Việt Nam, có nhiều trường hợp các cổ đông, thành viên góp vốn khởi kiện người quản lý, yêu cầu bồi thường, khi nhận thấy người quản lý không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao.
Ðối với mô hình công ty TNHH, Ðiều 72, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, thành viên công ty tự mình, hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc/tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý khác vi phạm nghĩa vụ của người quản lý.
Các vi phạm này bao gồm không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, trung thành với lợi ích công ty... đã được quy định tại Ðiều 71.
Tương tự, đối với công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp có Ðiều 160 quy định về trách nhiệm người quản lý công ty, Ðiều 161 quy định về quyền khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc.
Ở thế hệ luật doanh nghiệp trước, Luật Doanh nghiệp năm 2005, thời gian đầu, các vụ kiện trách nhiệm người quản lý rất hiếm hoi.
Tuy nhiên, theo thời gian, các nhà đầu tư trên thị trường ngày càng ý thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia doanh nghiệp. Các vụ kiện yêu cầu bồi thường vì vi phạm quyền và nghĩa vụ người quản lý dần nhiều hơn.
Chẳng hạn, trường hợp Công ty cổ phần T. Quảng Trị đã khởi kiện người quản lý là ông Võ Văn T. Công ty cho rằng, trong thời gian làm Tổng giám đốc, vì vụ lợi cá nhân, ông T. đã gây thiệt hại thông qua việc thành lập Công ty cổ phần TP, hoạt động kinh doanh cùng lĩnh vực với Công ty, nhằm mục đích chuyển lợi nhuận.
Cựu Phó phòng Kinh doanh của Công ty T. Quảng Trị chuyển sang làm Giám đốc, còn ông Võ Văn T. giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Công ty T. Quảng Trị dẫn ra 6 vụ việc mà ông Võ Văn T. đã ký các hợp đồng bán hàng hóa cho Công ty TP dưới giá thành, nhưng lại mua vào của Công ty TP với giá cao hơn giá hàng trong kho. Tổng số tiền thiệt hại Công ty T. Quảng Trị yêu cầu người quản lý cũ phải bồi thường là 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty yêu cầu một số khoản thiệt hại khác, tổng cộng 1,9 tỷ đồng.
Một trường hợp khác, tại Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist, thành viên Hội đồng quản trị đã khởi kiện Tổng giám đốc người Nhật vì cho rằng ông này đã vi phạm quyền và trách nhiệm được giao, gây thiệt hại cho Công ty. Vụ kiện đã qua hai cấp xét xử. Tuy nhiên, cấp giám đốc thẩm đã hủy án, giao về tòa sơ thẩm để giải quyết lại.
Liên quan đến trường hợp Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, sau sự kiện chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa, một nhóm nhà đầu tư bao gồm các cá nhân và các quỹ đã thông tin về động thái pháp lý để khởi kiện ông Huy Nhật, chủ tịch công ty này, do có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp.
Ông Huy Nhật là người sáng lập 3 công ty chính trong hệ sinh thái doanh nghiệp gồm Công ty Huy Viet Nam Group Limited (có trụ sở đăng ký ở Cayman), Huy Viet Nam (Hồng Kông) Limited và Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam.
Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam được thành lập tháng 6/2015, ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ ăn uống. Chủ doanh nghiệp là pháp nhân Huy Vietnam Limited, trụ sở ở Hồng Kông.
Với tình huống doanh nghiệp có hệ sinh thái ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, việc giải quyết tranh chấp sẽ phức tạp hơn.
Theo luật sư Hồ Hữu Hoành, nhìn chung, các nhà đầu tư đầu tư vào đâu sẽ khởi kiện ở đó. Nếu nhà đầu tư bỏ vốn vào doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông sẽ khởi kiện tại Hồng Kông. Nếu nhà đầu tư vào doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ khởi kiện tại Việt Nam.
Ðối với các doanh nghiệp, cá nhân có tài sản ở nhiều quốc gia, đương sự cần xem xét yếu tố tương trợ tư pháp giữa các nước và vận dụng pháp lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.