Từ việc thu phí ATM nghĩ đến “kinh doanh dịch vụ rút tiền”

Từ việc thu phí ATM nghĩ đến “kinh doanh dịch vụ rút tiền”

Ngày 1/3/2013 ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu cho phép các ngân hàng thương mại được thu phí rút tiền nội mạng.

Việc này NHNN căn cứ vào Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10. Nhưng phí và lệ phí ở đây phải hiểu là thu trên những dịch vụ công, như phí công chứng, chứng thực; phí cầu, phà, đường bộ... Còn phí rút tiền về bản chất là một loại doanh thu của ngân hàng.

Thực ra cho đến trước việc cho phép này, các ngân hàng đã thu phí rút tiền trên sáu nhóm đối tượng khách hàng: khách hàng là chủ thẻ ghi nợ (debit) nội địa rút tiền từ máy ATM ngoại mạng; chủ thẻ ghi nợ nội địa rút tiền nội mạng nhưng rút tiền tại máy ATM khác tỉnh thành và khách là chủ thẻ ghi nợ quốc tế đến Việt Nam và rút tiền tại máy ATM ở Việt Nam; khách hàng là chủ thẻ tín dụng (credit) rút tiền từ máy ATM ngoại mạng; chủ thẻ tín dụng rút tiền nội mạng bất kỳ máy ATM nào – cùng tỉnh thành hay khác tỉnh thành; khách là chủ thẻ tín dụng quốc tế đến Việt Nam và rút tiền tại máy ATM ở Việt Nam. Tức là chỉ còn mỗi nhóm đối tượng khách hàng cuối cùng là chủ thẻ ghi nợ nội địa rút tiền nội mạng trong cùng tỉnh thành.

Không có cái gọi là kinh doanh dịch vụ ATM. Kinh doanh ATM chỉ có thể là giữa các nhà máy chế tạo máy ATM với các ngân hàng; còn đối với các ngân hàng thì máy ATM phải được hiểu là công cụ hỗ trợ dịch vụ bán hàng của các ngân hàng thương mại. Chi phí duy trì hệ thống ATM phải hạch toán vào “Chi phí bán hàng – 641” hoặc “Chi phí quản lý doanh nghiệp – 642”. Chỉ cần hình dung một ngân hàng có địa chỉ giao dịch không hẳn đắc lợi nhưng may mắn sở hữu được một vị trí đặt máy ATM đắc địa mà nhiều người đi đường dễ nhìn thấy và dễ tìm ra thì sức quảng bá thương hiệu ngân hàng đó rất mạnh.

Điều này khiến người ta liên tưởng đến thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Có rất nhiều đối tượng chịu thuế TNCN có nhiều nguồn thu nhập khác nhau và tổng thu nhập hàng tháng rất lớn, hàng trăm triệu đồng nhưng không nắm bắt quản lý được, tổng cục Thuế chỉ biết thu với những kẻ có tóc ở đây là những người làm công ăn lương, nhưng như vậy thì lượng thu ngân sách không cao, bị thất thu thuế TNCN rất lớn.

Không phải là xử lý nợ xấu không được thì ngân hàng quay ra tận thu, và dễ dàng nhất là với những người đang có tiền gửi tại các ngân hàng; nhất là những người gửi tiền không kỳ hạn, trong đó có những chủ ghi nợ sử dụng thẻ ATM, và những người nhận lương qua thẻ ghi nợ. Dẫn tới một điều mà ai cũng biết là vô lý: người lao động khi nhận lương qua thẻ và rút tiền lương qua thẻ không được hưởng nguyên lương mà họ nhận được hàng tháng.

Người lao động chỉ có hai cách phản ứng: một là rút tiền với hạn mức cao nhất để rút hết lương (với con số có thể) trong một lần để chỉ mất phí một lần; hoặc cầm chứng minh nhân dân (CMND) ra bất kỳ chi nhánh ngân hàng nào mà mình đang sử dụng dịch vụ thẻ để rút hết tiền mà không chịu phí. Vấn đề là không phải ai cũng quen hay mạnh dạn với việc ra ngân hàng giao dịch mỗi lần như vậy!

Cũng may là ở đây, dù cho phép (không phải bắt buộc), nên có ngân hàng thực hiện sự cho phép nhưng cũng có các ngân hàng từ chối quyền được thu phí này, giống như một sự chia sẻ chuyện cơm áo gạo tiền với người lao động trong bối cảnh nền kinh tế còn suy thoái như hiện nay.

Nhưng có lẽ thiết thực nhất, mong NHNN thu hồi lại cái việc cho phép vì thực sự loại phí này chỉ áp dụng với một nhóm đối tượng khách hàng cuối cùng nữa mà thôi, như đã viết ở trên.