Tín dụng tiêu dùng: Đòi nợ còn những vết gợn

Tín dụng tiêu dùng: Đòi nợ còn những vết gợn

(ĐTCK) Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh những năm gần đây góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”. Tuy nhiên, cách thức thu hồi nợ của công ty tài chính tiêu dùng (CTTC) vẫn còn những vết gợn, gây bức xúc cho khách hàng.

Tỷ lệ khiếu nại của nhóm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng cao

Chia sẻ với Ðặc san Toàn cảnh Ngân hàng, chị Kim Anh (TP.HCM) cho biết liên tục bị nhân viên một CTTC gọi điện để nhắc nợ, cho dù không vay tiền của công ty này.

Ðây không phải trường hợp cá biệt, còn nhiều trường hợp khác phản ảnh thường xuyên bị làm phiền bởi nhân viên các CTTC gọi điện hỏi thông tin về những khách hàng vay nợ, dù họ không liên quan đến người vay, cũng như bên cho vay.

Nhu cầu vay tiêu dùng ngày một gia tăng là cơ hội để các CTTC đẩy mạnh cho vay tín chấp, đáp ứng vốn cho phân khúc khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.

Nhưng do các khoản vay tín chấp có điều kiện tín dụng dễ dãi nên CTCT thường xuyên đối diện với nguy cơ không đòi được nợ. Ðể bù đắp rủi ro mất vốn, CTTC sẽ áp mức lãi suất rất cao cho các khoản vay tín chấp.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, với người đi vay, việc phải chịu lãi suất cho vay cao dễ dẫn tới mất khả năng trả nợ. Còn với CTTC, nhiệm vụ thu hồi nợ là yếu tố sống còn nên sẽ được thực hiện bằng mọi cách, kể cả việc gây sức ép lên khách hàng và người thân của họ.

Thông báo về tình hình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng năm 2019 của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, trong năm qua, ngành hàng bị khiếu nại nhiều nhất thuộc nhóm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, chiếm 41% tổng số khiếu nại, tiếp đến là nhóm điện thoại - viễn thông với tỷ lệ 19% và nhóm đồ điện tử gia dụng là 7%.

Ðây là lần đầu tiên trong giai đoạn cả năm, nhóm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm có tỷ lệ khiếu nại cao hơn đáng kể so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại.

Theo cơ quan này, chủ thể liên quan không chỉ có các ngân hàng, CTTC, mà bắt đầu có sự xuất hiện của cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng khi các mô hình cho vay mới này gia tăng nhanh chóng cả về số lượng khách hàng và giá trị giải ngân.

Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại chủ yếu do cách đòi nợ kiểu “khủng bố” điện thoại khi nhân viên thu hồi nợ liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ. Ðáng chú ý, tình trạng này vẫn tiếp diễn khi người dùng đã nhiều lần thông báo không liên quan đến khoản nợ.

Nhiều vụ việc, đối tượng thu hồi nợ sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng cũng như người thân của họ để đăng tải công khai trên các trang mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ

- Đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng 

“Nhiều vụ việc, đối tượng thu hồi nợ sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng cũng như người thân của họ để đăng tải công khai trên các trang mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ”, đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nói và chia sẻ thêm, ngoài việc “tra tấn” điện thoại, không bảo mật thông tin khách hàng cũng là lý do dẫn đến khiếu nại, chiếm 34% tổng số khiếu nại.

Hiện nay, để được vay tiền, có CTTC yêu cầu người vay phải cung cấp tối thiểu 3 địa chỉ, 2 số điện thoại cũng như tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo…) của người thân, bạn bè khi ký hợp đồng tín dụng vay vốn.

Từ tài khoản của người vay, chủ nợ sẽ kết bạn với nhiều bạn bè khác trong danh sách. Tới thời điểm trả nợ, nếu người vay không trả sẽ bị gây sức ép, rêu rao chuyện nợ nần trên mạng xã hội.

Ðể hạn chế tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18 và có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp nhằm chấn chỉnh lại hoạt động của CTTC, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng, bao gồm cả quy định về dịch vụ đòi nợ.

Nhanh chóng hoàn thiện xếp hạng tín dụng khách hàng

Trong quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng, nhưng không bao gồm “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, do đây là hoạt động trái pháp luật, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, nên cần phải kiểm soát và xử lý. Vì thế, việc phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC sẽ giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ các kênh chính thức, từ đó hạn chế “tín dụng đen”.

Ðánh giá của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy, tỷ lệ tiếp cận vốn ở Việt Nam còn thấp. Ðơn cử, theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 70% dân số Việt Nam chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.

Ðiều này có nghĩa, hàng chục triệu người dân chỉ còn cách tìm đến những kênh tín dụng phi chính thống khi cần vốn.

TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra nhận định, để đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”, từ đó thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, cơ quản quản lý cần tăng cường các kênh cung cấp tài chính chính thống, còn khách hàng hãy là người vay có trách nhiệm.

Bởi do không có tài sản thế chấp nên nhiều người chây ì hoặc cố tình “bùng” các khoản vay tài chính tiêu dùng. Về lâu dài, điều này rất không nên vì lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng và không thể đi vay tiền ở bất cứ tổ chức tài chính nào khác .

“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần nhanh chóng hoàn thiện việc xếp hạng tín nhiệm khách hàng. Theo đó, những khách hàng chưa có lịch sử tín dụng thì ban đầu nên cho vay ít và đánh giá dần để nâng hạn mức cho vay. Việc cho vay cần có hệ thống phần mềm quản trị rủi do và xếp hạng tín nhiệm với những tiêu chí dễ phân biệt như tiêu chí tài chính (lương, thưởng, thu nhập khác, hạn mức chi tiêu), tiêu chí phi tài chính (trình độ học vấn, tay nghề, việc làm, gia đình…). Trong trường hợp mất tín nhiệm, có ‘vết đen’ trong lịch sử tín dụng, thì cương quyết không cho vay để thị trường tài chính tiêu dùng trở nên lành mạnh hơn”, TS. Nghĩa phân tích.

Thông tư 18/2019 của NHNN quy định việc cho vay tiêu dùng của CTTC có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, thay thế, sửa đổi Thông tư 43/2016. Điểm đ, Khoản 2, Điều 7 - Thông tư 18/2017 được sửa đổi, bổ sung biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ không quá 5 lần/ngày; hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7-21h. 

CTTC không được gọi điện đòi nợ người thân khách hàng; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Các CTTC phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật. 

Khoản 4, Điều 10 - Thông tư 18/2019 quy định, CTTC phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được CTTC cung cấp thông tin theo quy định tại khoản này để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Tin bài liên quan