Đa phần nhà băng và tổ chức tài chính phi ngân hàng không chung phân khúc khách hàng mục tiêu.

Đa phần nhà băng và tổ chức tài chính phi ngân hàng không chung phân khúc khách hàng mục tiêu.

Thị phần tại thành phố các công ty tài chính đã “chật hẹp“

(ĐTCK) Mức độ cạnh tranh của các ngân hàng với các công ty tài chính trong cho vay tiêu dùng được dự báo sẽ ngày càng tăng. Do đó, các công ty tài chính được khuyến nghị chú trọng đến đối tượng đang bỏ ngỏ là người thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa... 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Bên cạnh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng, NHNN đang có những biện pháp quản lý kiểm soát dòng vốn đổ vào bất động sản và cả vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Thực tế, tín dụng tiêu dùng có tỷ trọng thấp nhưng mức độ tăng trưởng rất mạnh và Việt Nam cần tiếp tục quản lý rủi ro để tránh vay quá nhiều trong khu vực hộ gia đình”.

Một nghiên cứu của FiinGroup cho thấy, tín dụng tiêu dùng tăng trung bình 66,3%/năm trong giai đoạn 2015 - 2017, cao hơn nhiều so với mức tăng 20% giai đoạn 2013 - 2014. Tăng trưởng năm 2018 “hạ nhiệt”, đạt 30,4%, nhưng tín dụng tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng khi tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng cho nền kinh tế tăng từ mức 12,3% năm 2016 lên 17% năm 2017 và 19,7% năm 2018.

Dẫu vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, cần có sự rõ ràng trong câu chuyện cho vay tiêu dùng giữa ngân hàng và công ty tài chính, bởi vấn đề ở đây là thị phần cho vay lĩnh vực tài chính tiêu dùng giữa hai nhóm này có khoảng cách rất lớn.

Cụ thể, theo thống kê của FiinGroup, năm 2018, các ngân hàng chiếm 92,6%, các công ty tài chính chiếm 7,4% và thị phần của các công ty tài chính có xu hướng giảm (các tỷ lệ này năm 2017 lần lượt là 91,6% và 8,4%; năm 2014 là 85,4% và 14,6%).

Theo FiinGroup, dù sản phẩm có nhiều điểm chung, nhưng đa phần các nhà băng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng không cùng chung phân khúc khách hàng mục tiêu. Thông thường, các ngân hàng tập trung vào thị trường tài chính với những khách hàng có thu nhập ở bậc cao hơn.

Giai đoạn 2014 - 2015, các công ty tài chính tiêu dùng như Công ty Tài chính cổ phần HANDICO, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực… tập trung hỗ trợ tài chính cho các nhà phân phối và các đối tác trong chuỗi giá trị chính như các công ty thuộc lĩnh vực xi măng, xây dựng, điện lực…

Từ năm 2015, sau khi 9 ngân hàng bị tuyên bố trong tình trạng yếu kém và ngành ngân hàng tiến hành tài cấu trúc, tài chính tiêu dùng và ngân hàng bán lẻ trở thành mục tiêu hướng đến của các nhà băng với tiềm năng tăng trưởng tích cực.

Sau khi Công ty Tài chính PPF Việt Nam (Home Crédit) và Công ty Tài chính tiêu dùng VPBank (từng là một bộ phận của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ VPBank, cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng dưới tên gọi FE Credit, nhưng đến năm 2014, VPBank thâu tóm Công ty TNHH MTV Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam và đổi tên thành Công ty Tài chính VP với thương hiệu FE Credit) được thành lập, thị trường tài chính tiêu dùng bùng nổ và thu hút các nhà băng có chiến lược bán lẻ như HDBank, MB, gần đây là SHB; các ngân hàng này đều có công ty tài chính tiêu dùng riêng.

“Khi các tổ chức tín dụng tập trung đáp ứng các nhu cầu vay mua/sửa nhà, điện tử, điện máy và phương tiện đi lại, vốn là các phân khúc có nhu cầu lớn, dễ tiếp cận, thì mức độ cạnh tranh với các công ty tài chính sẽ ngày càng trở nên gay gắt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, thị trường tiêu dùng sẽ duy trì mức tăng trưởng cao, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về bán lẻ. GPD thực của Việt Nam có thể tăng 91,4% trong giai đoạn 2019 - 2030.

Theo Euromonitors, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ước đạt trên 40 triệu đồng (1.773 USD) năm 2018 và kỳ vọng tăng trưởng trung bình 5,9% mỗi năm từ 2019 - 2030, kéo theo tăng trưởng tương ứng của chi tiêu tiêu dùng. Tầng lớp thu nhập trung bình, vốn là nền tảng của tiêu dùng, cũng đang tăng nhanh khi dự báo năm 2030 sẽ có 49% hộ gia đình có thu nhập khả dụng hàng năm từ 5.000 - 15.000 USD, tăng so với mức 33,8% năm 2018.

“Để khai thác tốt xu hướng sắp tới của tín dụng tiêu dùng, các công ty tài chính cần chú trọng đến các phân khúc chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính như đối tượng thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa..., trên cơ sở phát triển, rộng mạng lưới và hợp tác với các công ty viễn thông và công ty FinTech trong việc tiếp cận đến các phân khúc còn đang bỏ ngỏ”, TS. Hiếu khuyến nghị.

Tin bài liên quan