Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Jean Chatzky. Ảnh: Parade.

Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Jean Chatzky. Ảnh: Parade.

Tại sao chúng ta hay tiêu tiền vào những thứ không nên?

Hầu hết chúng ta đều muốn tiêu ít hơn vào các thứ như xe cộ, quần áo, ăn hàng để tiết kiệm nhiều. Vậy tại sao ta không làm thế?

Dưới đây là bài phân tích của Jean Chatzky, chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, cây viết về tài chính của Nbcnews:

"Tôi chưa đủ tiền mua thứ này, nhưng tôi rất thích nó... Tôi thực sự không nên mua thứ đó nhưng tôi cần làm gì đó để bản thân hưng phấn hơn."... Bạn thấy những câu này quá quen phải không? Hóa ra, phần lớn chúng ta, khoảng 64% dân số, tiếc nuối về những thứ mình tiêu để mua vui ngắn hạn, bao gồm thức ăn, quần áo, xe mới, thiết bị công nghệ và các kỳ nghỉ, theo một nghiên cứu của Schwab.

Đặc biệt, chúng ta ước mình có thể kiểm soát được việc chi tiêu tốt hơn để có thể để dành được nhiều hơn cho tuổi về hưu. Thực tế, cũng theo nghiên cứu trên, không có đủ tiền để về già thảnh thơi là mối lo âu hàng đầu về tài chính. Vậy chúng ta chỉ cần ngừng tiêu phí lý, tại sao không làm được? Tôi đã nghiên cứu những người giàu có 25 năm và dưới đây là những đúc kết:

Ngân sách eo hẹp dường như càng dễ thôi thúc tiêu xài

Chung quy là chúng ta thất bại trong việc trì hoãn sự thỏa mãn và tiêu xài một cách bốc đồng. Việc này xảy ra ở mọi người - nhưng đặc biệt là ở những ai có ngân sách eo hẹp, tiến sĩ tâm thần học Mark Tobak, tác giả cuốn sách Anyone Can Be Rich (Ai cũng có thể giàu) cho biết. 

Một nghiên cứu gần đây của Bankrate cho thấy những người kiếm được ít tiền nhất ở Mỹ (dưới 30.000 USD một năm) chi 13% thu nhập vào ăn hàng, đồ uống và vé số - cao hơn tỉ lệ của bất cứ nhóm nào khác.

"Những người sống với ngân sách eo hẹp dễ chộp ngay thứ họ nghĩ mang lại niềm vui cho mình, với hy vọng bản thân có được sự đảm bảo gì đó trong một thế giới không công bằng", Tobak viết. Hơn nữa, mặc dầu bạn nghĩ rằng càng chật vật về tài chính, người ta sẽ càng phải cố gắng tiết kiệm hơn nhưng phản ứng thường ngược lại. "Khao khát về tiền càng lớn, người ta càng chấp nhận rủi ro cao, và rõ ràng mua chiếc vé số thì rủi ro hơn là bỏ số tiền đó vào tiết kiệm", ông nói. 

Buồn chán - hay tìm kiếm sự hứng khởi - đều dễ tiêu tiền như nhau

Không phải người có nhiều tiền thì không chơi xổ số. "Tất cả chúng ta đều có chút máu liều và thích tiêu tiền" Tobak nói. "Ngay cả khi thua, bạn vẫn háo hức mong ngày mình thắng. Không phải ai đánh bạc ở Vegas đều nghèo. Người nhiều tiền càng chơi lớn".

Và xổ số không phải là trò thắng thua duy nhất chúng ta theo đuổi. Mạng xã hội có vô số mồi nhử tiêu tiền, như khi ta nhận được nhiều lượt like lúc đăng bức ảnh vừa đi nghỉ ở nơi sang chảnh hay mặc một bộ đồ sành điệu. 

Một khảo sát gần đây của Ally Bank (Mỹ), cho thấy 74% giới trẻ nói rằng mạng xã hội ảnh hưởng tới việc mua sắm của họ. "Lối sống xa hoa trên mạng ảnh hưởng tới cách chúng ta tiêu xài. Nhu cầu 'phải bằng anh A', 'không được kém cô B' là một cuộc chiến về tài chính", Diane Morais, trưởng nhóm nghiên cứu, nói. 

Từ quan điểm tâm lý, truyền thông xã hội "huấn luyện lại" khiến não chúng ta ít hướng tới việc tìm kiếm những thành quả cũng như niềm vui dài hạn, mà chỉ muốn thỏa mãn cảm giác tích cực nhất thời.

Tạo sự thay đổi 

"Những người tham gia nghiên cứu của Schwab cảm thấy có thêm 25 USD thì chẳng tạo ra điều gì khác biệt về lâu dài", Catherine Golladay, đại diện Schawb nói. "Nhưng thời gian là tài sản giá trị nhất bạn có. Để ra dù chỉ một khoản nhỏ thì theo thời gian sẽ tích lũy lại và càng sớm làm việc này, bạn càng hưởng lợi nhờ lãi suất kép", ông nói.

Chìa khóa để hạn chế chi tiêu bốc đồng nằm ở 2 bước: Nhận ra và kiểm soát chúng. Cần tập trung để làm sao sử dụng đồng tiền một cách có ý nghĩa và hiểu tầm quan trọng của việc cân bằng giữa tiết kiệm, tiêu xài và tạo ngân sách. 

Đầu tiên, hãy tắt mạng xã hội nếu nó khiến bạn tiêu xài bốc đồng. Hoặc hãy cam kết với bản thân rằng sẽ không mua sắm trên mạng sau khi đến hạn mức. Nếu bạn định mua thứ gì đó, hãy ngừng và tự hỏi bản thân: Tôi có đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu tiết kiệm? Liệu tôi có thực sự cần thứ này và điều quan trọng hơn, tôi có đủ khả năng để mua nó? Tôi có đang quá hấp tấp? 

Sau đó, hướng sự tập trung của bạn đến tiết kiệm tự động. Khi đã tiết kiệm rồi, bạn có thể tiêu khoản còn lại.

Cuối cùng, cần nhận ra rằng những thứ mình mua khi bốc đồng không phải là cách duy nhất để dùng tiền mang lại niềm vui. Nhìn tiền trong tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm sinh sôi là một trải nghiệm vui sướng dài lâu, cũng như khi bạn mở cánh cửa của ngôi nhà mới tậu.

Tin bài liên quan