Các công ty TCTD đã và đang tích cực góp phần giải quyết nhu cầu về vốn an toàn cho người dân.

Các công ty TCTD đã và đang tích cực góp phần giải quyết nhu cầu về vốn an toàn cho người dân.

Tài chính tiêu dùng phát triển sẽ hạn chế tín dụng đen

(ĐTCK) Để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của thị trường Việt Nam một cách lành mạnh và hợp pháp, việc phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là điều cần thiết.

Thực trạng tín dụng tiêu dùng

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (gấp 6 lần năm 2012), chiếm khoảng 19,4% tổng dư nợ của nền kinh tế (theo Ngân hàng Nhà nước - NHNN).

Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng tiêu dùng nhưng chủ yếu phục vụ mua nhà, sửa nhà (chiếm khoảng 40% tổng tín dụng tiêu dùng), thì dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đến cuối năm 2018 chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ nền kinh tế (so với tỷ lệ 21% của Trung Quốc hay 34,6% của ASEAN-5).

Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối năm 2018, dư nợ của các công ty TCTD chiếm khoảng 8% (tương đương 110.000 tỷ đồng), còn lại là tín dụng tiêu dùng từ các ngân hàng thương mại (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác như FinTech, tài chính vi mô, cho vay ngang hàng… (4%).

Hiện tại, có 3 công ty tài chính lớn chi phối thị trường TCTD là FE Credit (chiếm khoảng 48% thị phần), Home Credit (17%) và HD Saison (10%) (theo Stockplus 2018). Các công ty khác như Prudential Finance, Toyota Finance. JACCS, Mirae Asset, McCredit… cũng tích cực tham gia thị trường này.

“Với quy mô dân số hơn 95 triệu người, thu nhập đi lên theo tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống và khả năng tiếp cận các khoản vay một cách dễ dàng hơn, thị trường tín dụng tiêu dùng còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai”, bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho rằng, tín dụng tiêu dùng sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới do sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu; cũng như tiềm năng kinh tế trung hạn của Việt Nam được đánh giá rất tốt. Bên cạnh đó là sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các nhà cung cấp tín dụng tiêu dùng, một phần nhờ sự phát triển của lĩnh vực FinTech. 

Vì sao người dân vẫn lao vào tín dụng đen?

Lĩnh vực dịch vụ TCTD đang ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân. Tuy nhiên, sức mạnh của TCTD chưa đủ sức đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen. Về tình trạng này, ông Tú Anh nhận định: “Khách hàng của các tổ chức TCTD thường là những người yếu thế. Khả năng đánh giá và quản lý rủi ro của họ thấp, trong khi “khát vọng đổi đời” cao. Điều này làm cho họ dễ bị rơi vào bẫy nợ nần”.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico nêu quan điểm, không phủ nhận thực tế, tín dụng đen mạnh hơn tín dụng hợp pháp về khả năng giải quyết nhu cầu vay vốn: Nhu cầu vay của người dân luôn tồn tại, nơi có chức năng đáp ứng nguồn cung về tín dụng rõ ràng nhất là các ngân hàng, công ty tài chính. Tuy nhiên, các quy định hiện nay tại Thông tư số 39 về hoạt động cho vay nói chung của tổ chức tín dụng và Thông tư số 43 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đều đang đặt ra những cản trở rõ ràng về đáp ứng nhu cầu cho vay.

Theo các văn bản này, thì tổ chức tín dụng chỉ được giới hạn cho vay tiêu dùng với các nhu cầu được các Thông tư cho phép. Vậy là rất nhiều các mục đích vay vốn tiêu dùng thực tế khó có thể đáp ứng. Ví dụ: Một người vay tiền cá nhân từ người khác để mua một chiếc xe máy, nay có nhu cầu vay để trả nợ nốt một phần tiền còn lại của khoản nợ đến hạn. Trong trường hợp này, giới tài chính ngân hàng không thể cho vay, bởi nhu cầu này không nằm trong sự cho phép của Thông tư số 39, Thông tư số 43.

“Trong khi đó, tín dụng đen đáp ứng mọi nhu cầu của người vay. Thậm chí, người vay không cần nêu rõ nhu cầu vay. Đây là điểm mạnh vượt trội của tín dụng đen và cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều người vay trên thị trường tìm đến tín dụng đen”, luật sư Hải nói.

Cũng theo ông Hải, một điểm hấp dẫn khác của tín dụng đen là tự do hơn tín dụng hợp pháp về điều kiện, giới hạn, thủ tục, quy trình cho vay. Theo đó, các tổ chức tín dụng bị đặt ra nghĩa vụ phải bảo đảm có đủ hồ sơ chứng minh về quá trình cho vay với khách hàng, với rất nhiều nghĩa vụ quy trình rườm rà đến từ quy định bắt buộc phải tuân thủ.

Ví dụ phải có chứng từ chứng minh mục đích vay vốn của khách hàng, phải có hồ sơ chứng minh thu nhập, khả năng thanh toán nợ của khách hàng… Đây là điều hoàn toàn không phù hợp với phân khúc thị trường TCTD khi so sánh với tín dụng doanh nghiệp. Người đi vay tín dụng đen không gặp bất cập nêu trên và điều đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng tín dụng đen phát triển.

“Khi người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những nguồn vốn hợp pháp thì sẽ tạo môi trường để tín dụng đen tồn tại, phát triển”, luật sư Hải nhấn mạnh. 

Cần thiết phát triển hệ thống tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit cho rằng, thực tế không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới, không thị trường tài chính nào có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân, nếu chỉ có hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là nhu cầu vay tiêu dùng nhỏ lẻ trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của thị trường Việt Nam một cách lành mạnh và hợp pháp, việc phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, hoạt động của các TCTD thường bị đánh đồng với “tín dụng đen”, lãi suất vay cắt cổ, cho vay kiểu xã hội đen… cho thấy, xã hội chưa có đầy đủ thông tin về hoạt động tín dụng tiêu dùng để nhìn nhận, đánh giá đa chiều, toàn diện về hoạt động này. Trong khi đây là TCTD được thành lập theo quy định của pháp luật, được cấp giấy phép thành lập và hoạt động rõ ràng; chịu sự quản lý, giám sát của NHNN.

Hợp đồng cho vay của TCTD là rõ ràng, minh bạch. Nếu một TCTD cho vay với lãi suất không đúng quy định, hoặc chưa thực sự minh bạch khi không giải thích rõ cho khách hàng biết những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vay vốn; hay áp dụng các biện pháp thu hồi nợ không đúng theo quy định của pháp luật… thì sẽ bị chế tài từ các cơ quan quản lý. Trong khi đó, “tín dụng đen” thường cho vay không có hợp đồng hoặc không phải hợp đồng vay với lãi suất rất cao trái quy định của pháp luật, không thực hiện đăng ký kinh doanh; hoạt động bất hợp pháp.

“Hơn nữa, các tổ chức TCTD tính toán cấu trúc khoản trả nợ của khách hàng dựa trên thu nhập, khả năng tài chính của khách hàng nên không gây áp lực trong việc việc trả nợ, cũng như không có việc “lãi chồng lãi”, ông Phúc nói.

Ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty tài chính Home Credit Việt Nam nêu quan điểm, để đẩy lùi tín dụng đen cần nỗ lực từ nhiều phía, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ đơn thuần cung cấp các khoản vay với thủ tục nhanh chóng, mang lại cho người dân một lựa chọn tốt, các công ty TCTD còn tham gia tích cực vào các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân về tín dụng an toàn, có trách nhiệm với khoản vay.

“Có thể thấy, các công ty TCTD đã và đang tích cực góp phần giải quyết nhu cầu về vốn an toàn cho người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phòng tránh những bất ổn trong xã hội do tín dụng đen gây ra, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam”, ông Việt Xô nói.

Tin bài liên quan